Nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vật liệu
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa cho biết, hiện có 9 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn 11 tỉnh gặp vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp gồm: Mai Sơn - QL45 (Ninh Bình), QL45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa và Nghệ An), Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An và Hà Tĩnh), Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai).
Cụ thể, hiện các dự án này đang thiếu hụt khoảng 21,6 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường gồm: 14,4 triệu m3 tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu m3 nằm tại các mỏ đã cấp phép khai thác, nhưng do chưa giải phóng mặt bằng hoặc cự ly vận chuyển quá xa nên cần phải cấp phép bổ sung thêm các mỏ đất.
“Nếu không kịp thời tháo gỡ các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ. Đặc biệt là hai dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, có nguy cơ không hoàn thành vào tháng 12/2022”, đại diện Bộ GTVT nhận định.
Theo ông Lương Văn Long - Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT), dự án ông đang quản lý này cần khoảng 5,2 triệu m3 đất đắp và khoảng 1,8 triệu m3 cát. Hiện các mỏ vật liệu đã được chấp thuận để phục vụ dự án gồm 15 mỏ đất và 20 mỏ cát có trữ lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên vấn đề nảy sinh là công suất được phép khai thác của các mỏ lại quá thấp. “Đơn cử như mỏ đất Đồi Ao ở huyện Hà Trung, trữ lượng khai thác theo giấy phép là hơn 660.000 m3, nhưng công suất khai thác chỉ là 180.000 m3/năm”, ông Long nói.
Hướng tháo gỡ thế nào?
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, nhằm giải quyết khó khăn việc thiếu vật liệu xây dựng phục vụ cao tốc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP (Nghị quyết 60) về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Nghị quyết này đã cơ bản tháo gỡ được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu, giảm thời gian cấp phép do không phải đấu giá quyền khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác đối với các mỏ cấp phép mới như: Lập dự án đầu tư, cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khai thác, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường... theo quy định của Luật Khoáng sản.
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60, đến cuối tháng 8/2021 đã có 17 mỏ được cấp phép mới nhưng lại giảm 15 mỏ đã cấp phép do nằm trong quy hoạch bị cấm khai thác hoặc chất lượng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Đơn vị này cho biết, để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu Chính phủ điều chỉnh nội dung Nghị quyết 60 theo hướng bỏ giới hạn nâng công suất khai thác không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác, bởi nội dung này đang làm hạn chế năng lực khai thác của một số mỏ đất trong khi nhu cầu cung cấp cho dự án rất lớn trong thời gian ngắn.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ bỏ quy định “không tăng trữ lượng đã cấp phép” trong Nghị quyết 60 do một số mỏ đất trong giấy phép khai thác quy định trữ lượng nhỏ hơn nhiều so với trữ lượng, khả năng khai thác thực tế.
Ngoài ra, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép UBND các tỉnh, thành có tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua được cấp phép khai thác ngay đối với trường hợp cấp phép mới các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án gồm cả mỏ chưa cấp phép thăm dò hoặc đã cấp phép thăm dò.