Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: 6 nhà thầu 'cỡ bự' tham gia nhưng… vẫn hỏng

(PLO) - Chiều 13/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra đột xuất Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư). 
Thứ trưởng Lê Đình Thọ (thứ ba từ trái sang) kiểm tra thực tế trên cao tốc
Thứ trưởng Lê Đình Thọ (thứ ba từ trái sang) kiểm tra thực tế trên cao tốc

Bên cạnh việc chỉ ra nhiều sai phạm, Thứ trưởng còn điểm mặt nêu tên cụ thể những nhà thầu thi công, mà trước đó luôn được Ban Quản lý dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi che giấu… Đáng nói, hiện tượng nứt bê tông nhựa mặt đường trên tuyến cao tốc này đã xuất hiện ngay từ khi chưa thông xe, từng được các chuyên gia cảnh báo với nhà thầu thi công, nhưng không được ghi nhận.

“Điểm mặt” nhà thầu

Chiều 13/10, Thứ trưởng Lê Đình Thọ và Đoàn công tác đã dừng lại 2 khu vực hầm qua núi Eo (thuộc huyện Duy Xuyên) và tại Km số 40 gần Trạm thu phí Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Thứ trưởng chất vấn Ban Quản lí Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi về việc đơn vị nào thi công đoạn cao tốc đang hư hỏng nêu trên.

Ban Quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết: gồm Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng) và Công ty CP Xây dựng Tuấn Lộc (TP HCM). Hiện hai đơn vị này đang triển khai sửa chữa vị trí cao tốc hư hỏng theo đúng quy định về việc bảo hành. Đáng nói, hiện tượng nứt bê tông nhựa mặt đường đã xuất hiện ngay từ khi tuyến cao tốc này chưa thông xe, từng được các chuyên gia cảnh báo nhiều lần, nhưng các nhà thầu thi công vẫn phớt lờ.

Theo tìm hiểu của PLVN, Dự án Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi được khởi công từ năm 2013, với tổng chiều dài toàn tuyến gần 140km, đi qua địa phận 3 địa phương: Đà Nẵng (7,9 km), Quảng Nam (91,2 km) và Quảng Ngãi (40,1 km); được chia ra 13 gói thầu. Đoạn Đà Nẵng đi Tam Kỳ (Quảng Nam) có 6 nhà thầu khác nhau thuộc dạng “cỡ bự” tham gia, ngoài 2 đơn vị thi công nêu trên, còn có 2 Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 và 5 (CIENCO1, CIENCO5); Vinaconex...

Từ đầu năm 2017, khi gấp rút thi công để đưa vào sử dụng đúng thời hạn, mặt đường (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ) nơi các nhà thầu CIENCO1, CIENCO5, Vinaconex, Thành An, Tuấn Lộc… thi công bắt đầu xuất hiện những vết nứt dài ở nền móng và cả mặt đường. Các gói thầu này thi công theo phương thức xử lý móng bằng đá dăm gia cố xi măng (thuật ngữ xây dựng là CTB).

Sau khi nhà thầu thi công phần nền móng, gia cố đá dăm ximăng PC30, hàm lượng 3,5% đã xuất hiện nhiều vết nứt ngay trên lớp AC19. Riêng với những đoạn đã thảm một lớp nhựa cũng xảy ra tình trạng nứt tương tự. 

Với phương án thi công xử lý nền móng bằng đá dăm gia cố xi măng CTB đã xuất hiện vết nứt ngang mặt đường có chiều dài hơn 58 km. Thời điểm đó, VEC đã báo cáo tình trạng xuất hiện các vết nứt với Bộ GTVT. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước lên tiếng khuyến cáo hiện tượng nứt này. Đại diện tư vấn giám sát cũng đề xuất rằng, những đoạn tuyến chưa thi công nên chuyển phương án từ CTB sang ATB (tức đá dăm gia cố nhựa đường).

Dự toán kinh phí cho việc chuyển đổi này gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nhà thầu lại cho rằng, hiện tượng nứt mặt đường chủ yếu do thời tiết và đã phớt lờ. Nhiều người cho rằng, chính vì những cảnh báo này không được lắng nghe và hậu quả đã xảy ra như ngày hôm nay khó tránh khỏi.

Việc sửa tạm không đảm bảo lâu dài

Quá trình đi thực tế cao tốc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định, một số vị trí hư hỏng cục bộ xuất hiện ở các đoạn tuyến Km 25, Km 27, Km 42, Km45... với hơn 15 vị trí ổ gà, đường kính 10-20cm dạng bong bật lớp bê tông nhựa tạo nhám. Tình trạng hư hỏng mặt đường cao tốc nằm rải rác khoảng 70 m2 trên tổng số 3,1 triệu m2.

Thứ trưởng bày tỏ khá bức xúc trước tình trạng thi công kém chất lượng, tình trạng ổ gà, đất đá vương vãi ra đường. Với lưu lượng xe rất lớn, tốc độ cao trên cao tốc, Thứ trưởng cho rằng, vấn đề an toàn giao thông phải đặt lên hàng đầu. 

Tối 13/10, sau khi đi thực tế, trao đổi với báo chí để làm rõ các vấn đề liên quan, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đã chỉ đạo và yêu cầu VEC phải nghiêm túc thực hiện, có những giải pháp để đảm bảo giao thông. Đặc biệt, khi phát hiện hư hỏng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có văn bản chỉ đạo nhanh chóng khắc phục tình trạng này; tuy nhiên, việc triển khai sửa chữa chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Đối với hư hỏng cục bộ tại các vị trí Km 27, Km 45 thuộc 2 gói thầu do nhà thầu Tổng Công ty Thành An và Công ty Tuấn Lộc thi công, đang trong thời hạn bảo hành 24 tháng. Do thời tiết mưa kéo dài, các đơn vị chức năng mới chỉ triển khai bước 1 là vá sửa tạm các vị trí ổ gà. Đến nay, một số điểm xuất hiện bong bật trở lại do vá tạm không phải giải pháp bền vững.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, đây là lớp vá sửa tạm bằng những vật liệu phù hợp nhằm mục đích đảm bảo giao thông, nhưng không duy trì được lâu dài. Khi điều kiện đảm bảo, các đơn vị chức năng triển khai bước 2, xác định phạm vi, phương án sửa chữa, tiến hành cào bóc, thảm lại mặt đường bê tông nhựa để đảm bảo đồng bộ chất lượng khai thác. Việc sửa chữa bước 2 đúng quy trình, quy cách, có dây chuyền thiết bị, hệ thống cảnh báo... nếu đảm bảo các điều kiện triển khai, chỉ mất 1-2 ngày sẽ xử lý triệt để.

Ngoài ra, trước thông tin về việc gói thầu A3 (nguồn vốn Ngân hàng Thế giới, đoạn Tam Kỳ-Quảng Ngãi) từng dính nghi vấn đắp bùn nền đường, liệu có ảnh hưởng chất lượng công trình, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu, qua các kết quả giám sát, nghiệm thu công trình, không có chuyện dùng bùn (đất nhão dưới nước) để đắp nền đường. Theo Thứ trưởng, dự án đấu thầu quốc tế, nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) trúng thầu gói A3 do bỏ giá thấp, nhưng việc thi công phải đúng quy định, quy trình, có các đơn vị giám sát chặt chẽ, độc lập.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thọ cũng đặt vấn đề, không loại trừ đất bùn khi để khô ráo tạo vật liệu cứng, nếu có thành phần cơ lý, hạt vật liệu đảm bảo các yếu tố đắp nền đường có thể được sử dụng và chỉ hoàn thành khi được nghiệm thu, đảm bảo quy định độ chặt. Đây là quy trình thi công nói chung. Còn lại phải xác định cụ thể.

Đối với những sai phạm liên quan Dự án, tối 12/10, VEC cũng phát đi thông tin cho biết, Hội đồng thành viên VEC (HĐTV) vừa tổ chức họp phiên bất thường triển khai Công điện của Bộ trưởng Bộ GTVT và thống nhất kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến việc hư hỏng xảy ra trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trong đó, HĐTV VEC tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Tổng Giám đốc về trách nhiệm phụ trách trực tiếp Dự án Đà Nẵng- Quảng Ngãi và công tác quản lý vận hành bảo trì Dự án; về trách nhiệm Tổng Giám đốc không nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của HĐTV để xảy ra các hậu quả trên trước ngày 22/10. 

Đọc thêm