Nội dung được Bộ GTVT thông tin mới đây khi đề cập nguyên nhân khiến 100m cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận) bị ngập 0,7m. Sau sự cố hôm 29/7, Bộ đã lập đoàn công tác gồm cơ quan chuyên môn, đơn vị xây lắp, tư vấn, chuyên gia thủy văn kiểm tra hiện trường, rà soát hồ sơ thiết kế.
Theo Bộ GTVT, tuyến đường đi sát sông Phan có dòng chảy quanh co, chế độ thủy văn rất phức tạp. Quá trình thi công, các đơn vị đã làm đúng hồ sơ thiết kế, bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Đơn vị tư vấn thiết kế đã khảo sát mức đỉnh lũ ở sông Phan năm 1992 (43,14m) để xây cống (2,5x2,5m) nhằm giúp khu vực thoát nước.
Tại thời điểm ngập, lượng mưa chưa đạt tần suất tính toán nhưng cao độ đã lên đến 45,23m, lớn hơn đỉnh lũ lịch sử, là yếu tố bất thường. Từ vị trí cống về phía hạ lưu, sông Phan bị cây cối xâm lấn, đất cát bồi lắng thu hẹp dòng chảy, dẫn đến mực nước tại khu vực cống dâng cao, tràn ra đường.
Tuy nhiên, một nguyên nhân Bộ GTVT nêu ra là đơn vị tư vấn chưa lường hết sông bị thu hẹp dòng chảy phía hạ lưu cống dẫn đến dềnh ứ nước cục bộ. Các chuyên gia trong Đoàn công tác của Bộ đánh giá việc tính toán cao độ thiết kế theo tần suất 1% tại vị trí cống mà chưa xét đến mực nước dềnh là "trách nhiệm của đơn vị tư vấn dù không phải lỗi cố ý".
Về các giải pháp, các chuyên gia đề xuất trước mắt cần xử lý chướng ngại vật ở lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan để tăng khả năng thoát nước cho khu vực. Hiện, phương án này được đơn vị thi công thực hiện, chi phí do tư vấn chi trả.
Biện pháp lâu dài, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư là BQL dự án Thăng Long thuê đơn vị tư vấn đầu ngành khảo sát, tính toán, xây dựng mô hình cho toàn bộ khu vực, từ đó xác định mực nước tương ứng tần suất thiết kế của dự án. Trường hợp cần thiết, Bộ sẽ xem xét nâng đường tại khu vực ngập nếu cao độ tính toán lớn hơn mức hiện tại.
Bộ GTVT cũng yêu cầu chủ đầu tư tổng rà soát hồ sơ thiết kế ở các dự án cao tốc đang thi công, đặc biệt là những dự án tại nơi địa chất yếu, thủy văn phức tạp để kịp thời điều chỉnh. Bộ sẽ xử lý nghiêm các đơn vị để xảy ra sự cố do không tuân thủ chất lượng theo hợp đồng ký kết.
Trước đó, BQL Dự án Thăng Long báo cáo Bộ GTVT nguyên nhân gần giống như trên về sự cố ngập. Tại cuộc làm việc với chính quyền Bình Thuận hôm 31/7, chủ đầu tư và đơn vị thiết kế cũng nêu sự cố do mưa lớn, lòng sông bị hẹp, song không thuyết phục được chính quyền, sở, ngành, địa phương.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Tuyến có điểm đầu nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Công trình giúp ôtô từ TP HCM đi Phan Thiết còn hơn 2 giờ thay vì 4 - 5 tiếng như trước đây.