Cấp thẻ căn cước công dân: Tiêu tốn tiền mà… không để làm gì?

(PLO) - Cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) cho công dân không chỉ là vấn đề giấy tờ mà còn tác động đến hiệu quả của loại giấy tờ tùy thân đang được trông đợi tạo ra những bước cải cách trong công tác quản lý dân cư này.
Cấp thẻ căn cước công dân: Tiêu tốn tiền mà… không để làm gì?
Dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay, nhưng tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách chiều qua (8/9), ĐBQH vẫn còn băn khoăn với Dự án Luật CCCD vì những vấn đề ”còn miên man”, chưa rõ ràng và có thể phải tiêu tốn một khoản kinh phí không nhỏ cho xã hội mà... không để làm gì khi chưa tính hết hiệu quả kinh tế của Dự án Luật.
“Giấy khai sinh có tội tình gì mà phải đổi bằng thẻ CCCD?”
Câu hỏi được ĐB Ngô Văn Minh (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đặt ra cũng là vấn đề được quan tâm và gây nhiều tranh cãi ngay khi Dự thảo Luật CCCD được công bố. 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về việc cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi vì thấy rằng việc quy định cấp thẻ CCCD từ khi công dân sinh ra (sau khi làm thủ tục đăng ký khai sinh) để thay thế cho giấy khai sinh để hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em, góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất, tiến tới giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ. Và để bảo đảm việc cấp thẻ CCCD thay thế cho giấy khai sinh theo trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của Dự án Luật Hộ tịch và tạo thuận lợi cho công dân, Điều 19 Dự thảo Luật qui định có họ tên cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ thẻ ở mặt sau thẻ CCCD của người dưới 14 tuổi. 
Tuy nhiên, đưa ra một số khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất của việc xác định thông tin căn cước của các cơ quan cung cấp dịch vụ, ĐB Nguyễn Anh Sơn – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định - vẫn băn khoăn: “Cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 có thực sự lợi không?”. Ông đề nghị cân nhắc việc thẻ CCCD thay thế giấy khai sinh khi nhiều văn bản pháp luật vẫn qui định phải có giấy khai sinh vì sẽ “tốn hàng trăm triệu đồng để cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi mà không thay hoàn toàn được giấy khai sinh”.
ĐB Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cũng khẳng định “giấy khai sinh không thể bị thay thế bởi thẻ CCCD” vì ước tính mỗi năm sẽ phải cấp, đổi 2 triệu thẻ CCCD do có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra và số tương ứng phải đổi thẻ CCCD do đủ 14 tuổi trong khi hiệu quả sử dụng không nhiều thì “việc cấp thẻ CCCD cho người  dưới 14 tuổi là không cần thiết”.
Không nên thu lệ phí cấp đổi thẻ CCCD
Chưa yên tâm về tính khả thi của một số qui định trong Dự thảo Luật, ĐB Ngô Văn Minh nghi ngại, qui định cấp đổi thẻ CCCD theo độ tuổi rất tốn kém cho xã hội nên cho rằng cần qui định thời hạn cố định phải đổi thẻ CCCD. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Tuyết Liên - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng - thấy nên nâng thời hạn sử dụng thẻ CCCD lên 20 năm (thay vì 15 năm như Dự thảo Luật) để giảm chi  phí và thủ tục cho người dân trong việc sử dụng thẻ CCCD. 
Đa số ĐBQH kiến nghị không thu lệ phí cấp, đổi thẻ CCCD vì “đây là phương tiện để Nhà nước quản lý công dân”. Bên cạnh đó, với các lần cấp, đổi thẻ như qui định của Dự thảo Luật là khó cho người dân, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn “cả đời không ra khỏi lũy tre làng” và sẽ là lãng phí khi đổi thẻ liên tục mà thông số dữ liệu công dân không có thay đổi. Vì thế, cùng với một số ĐBQH, ĐB Danh Út (tỉnh Kiên Giang) đề nghị chỉ thu lệ phí đối với việc đổi, cấp lại thẻ CCCD và phải miễn lệ phí trong cấp lần đầu.
Cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến yêu cầu “ĐBQH phải gắn với cử tri và “vô tư làm việc”, có khả năng phản biện độc lập, tránh tác động từ bên ngoài, lợi ích nhóm, mạnh mẽ đi đến cùng vấn đề”. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. 
Dự thảo Luật qui định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách là 35% nhưng ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) nhận thấy phải có ít nhất 40% ĐBQH hoạt động chuyên trách và ĐBQH hoạt động chuyên trách ở các cơ quan hành pháp phải ít hơn ĐBQH hoạt động chuyên trách ở cơ quan lập pháp để đảm bảo tính khách quan của việc thông qua các dự án luật. 
Còn ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lưu ý, tăng số lượng là cần nhưng phải cân nhắc số lượng thích hợp, tránh quá nhiều ĐBQH chuyên trách sẽ thiếu tính đại diện vì “ngồi trên cao” với 3/4 thời gian phải làm công việc của công chức thì không có thời gian để tiếp xúc cử tri. 

Đọc thêm