Cấp căn cước lúc mới sinh hay chờ 14 tuổi?

(PLO) - Nhất trí phải cấp thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân, nhưng thời điểm được cấp thẻ căn cước công dân và mối quan hệ với giấy khai sinh như thế nào lại tiếp tục là điểm tranh luận giữa hai Dự thảo Luật Hộ tịch  và Luật Căn cước công dân. 
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khánh Tùng
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khánh Tùng
Cả hai Bộ Tư pháp và Công an, cùng đề xuất cấp số định danh cá nhân cho công dân ngay khi sinh ra và theo suốt cuộc đời công dân đó. Nhưng Bộ Tư pháp đề nghị đưa cả hai phương án về thời điểm cấp thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân (hoặc cùng được cấp từ khi công dân sinh ra, hoặc chỉ cấp số định danh và giấy khai sinh từ khi công dân sinh ra, đến khi công dân 14 tuổi mới cấp thẻ căn cước công dân). 
Bộ Công an đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho công dân ngay từ khi sinh ra, nghĩa là thẻ căn cước sẽ thay luôn giấy khai sinh. Đến khi công dân 14 tuổi, thẻ căn cước sẽ được bổ sung ảnh, dấu vân tay và các thông tin cá nhân khác sẽ được bổ sung theo từng giai đoạn đến khi công dân 70 tuổi. 
Khỏi lo giữ giấy tờ hộ tịch
Trình bày về dự án Luật Hộ tịch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, số định danh cá nhân trong Dự thảo Luật Hộ tịch sẽ dẫn chiếu đến số định danh cá nhân được qui định trong Luật Căn cước công dân. Khi đăng ký khai sinh, công chức tư pháp – hộ tịch sẽ cập nhật dữ liệu khai sinh vào cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và phối hợp với cơ quan công an cấp số định danh cho cá nhân; khi đăng ký hộ tịch, cá nhân chỉ thông báo số định danh, không cần xuất trình giấy tờ. Như vậy sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách tối đa, tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch.
Chính phủ cho rằng, hiện có nhiều loại giấy tờ cá nhân, trong đó có chứa đựng những thông tin cơ bản của công dân. Mỗi giấy tờ được sử dụng vào các mục đích khác nhau và do các văn bản khác nhau qui định. Với việc ban hành Luật Hộ tịch thì có thể đơn giản hóa được hầu hết giấy tờ cá nhân trong lĩnh vực này, trừ giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Đến năm 2020, khi CSDLQG về dân cư đi vào vận hành, người dân chỉ cung cấp số định danh cá nhân, không cần nộp hoặc xuất trình giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính. Khi đó có thể cắt giảm hầu hết các giấy tờ cá nhân.
Thẻ căn cước có thay được giấy khai sinh?
Trước đề xuất về việc cấp thẻ căn cước công dân của Bộ Công an, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, nếu đã quy định về cấp thẻ căn cước công dân từ khi sinh ra thì cần xem xét kết hợp việc cấp thẻ và số định danh cá nhân ngay khi làm thủ tục đăng ký khai sinh thông qua quy định về cập nhật thông tin vào CSDLQG về dân cư để xác định số định danh cá nhân và cấp thẻ căn cước công dân. 
Nhưng vấn đề khiến UBTVQH lo ngại nhất là những rắc rối có thể phát sinh do số định danh được Bộ Tư pháp cấp trên CSDLQG do Bộ Công an quản lý. Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách băn khoăn, với phương thức cơ quan tư pháp đăng ký khai sinh, cơ quan công an cấp số định danh sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện như việc cấp phiếu lý  lịch tư pháp hiện nay, gây lãng phí ngân sách, chồng chéo vì “vẫn dữ liệu thông tin về công dân nhưng ở các nguồn khác nhau, do mỗi Bộ nắm một ít”. 
Do đó, ông Phan Trung Lý- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị: “Để Bộ Tư pháp quản lý số căn cước để không có sự qua lại, gây khó khăn vì cán bộ hộ tịch phải báo sang cơ quan công an để xin số định danh để làm khai sinh cho công dân”. Tuy nhiên, cũng chính Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lại tán thành đề xuất của Bộ Công an về việc cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi công dân sinh ra để ghi nhận sự xuất hiện của một công dân. 
Đến năm 2020, việc quản lý sẽ thống nhất
Theo quan điểm của ông Đào Trọng Thi  - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, trong mọi trường hợp dù bên nào cấp số định danh thì cả bên quản lý hộ tịch và quản lý căn cước đều phải phối hợp. Hơn nữa, trước 14 tuổi, cấp giấy khai sinh hay thẻ căn cước chỉ khác nhau tên gọi nên cứ để UBND cấp xã (cán bộ tư pháp – hộ tịch thực hiện) cấp vì nếu có qui trình tự động cấp số định danh thì không có vấn đề gì. 
Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, các thông tin trong sổ hộ tịch (được tích hợp trên thẻ căn cước công dân và lưu trong CSDLQG về dân cư) sẽ được cấp trích lục khi người dân cần nên với số định danh cá nhân, người dân không phải lo cất giữ các loại giấy tờ, đồng thời đảm bảo sự thống nhất các thông tin vì đều được lấy ở CSDLQG về dân cư, tránh tình trạng vênh thông tin do sự nhẫm lẫn trong quá trình cấp các loại giấy tờ như hiện nay. Tuy nhiên, nên giữ giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành đề xuất của Bộ Tư pháp, giữ giấy khai sinh để công dân sử dụng trước 14 tuổi, trước khi được cấp thẻ căn cước công dân.
Trấn an các Ủy viên Thường vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lý giải, do đang trong thời kỳ quá độ nên có sự cắt khúc trong việc cấp số định danh như vậy nhưng đến năm 2020, khi CSDLQG về dân cư đi vào hoạt động đầy đủ thì đơn giản hơn. CSDLQG sẽ cấp tự động số định danh cho cán bộ hộ tịch để làm giấy khai sinh cho công dân và cũng sẽ có các nghị định qui định cách thức, trình tự thủ tục phối hợp giữa hai Bộ và địa phương trong vấn đề này.
Hai dự án Luật này sẽ được trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (dự kiến diễn ra trong tháng 5 tới) và dù chấp thuận đề xuất của Bộ nào về thời điểm cấp thẻ căn cước công dân cho cá nhân “thì chắc chắn sau năm 2020, việc quản lý nhà nước liên quan đến hộ tịch, căn cước công dân trong hai Luật này điều chỉnh cũng phải đi vào thống nhất” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định.

Đọc thêm