Cấp thiết xây dựng dữ liệu sức khỏe lái xe

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích, sức khỏe không bảo đảm dẫn đến tai nạn giao thông luôn là vấn đề “nóng” trong lĩnh vực vận tải nhiều năm nay. Vì thế, đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe lái xe nhằm quản lý người điều khiển phương tiện, bảo đảm an toàn trật tự giao thông đang được người dân và doanh nghiệp quan tâm.
Lái xe cần tuân thủ quy định về khám sức khỏe định kỳ. (Nguồn ảnh: Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh)
Lái xe cần tuân thủ quy định về khám sức khỏe định kỳ. (Nguồn ảnh: Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh)

Khó quản lý tài xế dùng chất kích thích

Mặc dù các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn chưa được xử lý triệt để, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người. Trong đó, 2,16% nguyên nhân do sử dụng rượu, bia, chất kích thích có cồn và 0,18% do sử dụng ma tuý, chất gây nghiện. Tuy nhiên, công cụ thống kê còn “bỏ lọt” nhiều trường hợp tài xế sử dụng ma tuý, chất kích thích khi tham gia giao thông nhưng chưa gây ra tai nạn hoặc chưa bị xử lý vi phạm.

Điều đáng lo ngại, nhiều tài xế vẫn “đổ lỗi” cho áp lực công việc lớn, cường độ làm việc liên tục, bỏ qua những cảnh báo nguy hiểm để sử dụng ma tuý tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vận tải hay nhà xe chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý xe lại không quản lý được việc này. Những doanh nghiệp nhỏ hay hộ kinh doanh chỉ có 1 đến 2 xe thường sẽ giao cho tài xế tự liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Với các doanh nghiệp có lượng xe lớn, tuy chủ động mời các cơ sở y tế có chức năng kiểm tra sức khoẻ lái xe trực tiếp kiểm tra nhưng nếu tài xế tìm cách qua mặt thì việc kiểm tra sức khỏe định kỳ gần như không hiệu quả.

Từ đó dấy lên câu hỏi liệu tình hình khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe có thực chất hay không? Nhiều doanh nghiệp tiếp nhận lái xe, nhưng không thể kiểm tra về tính xác thực của giấy chứng nhận sức khỏe trong hồ sơ xin việc. Không ít trường hợp tài xế bị sa thải hay thậm chí bị lực lượng chức năng phát hiện sử dụng chất kích thích vẫn tiếp tục đi xin việc tại một doanh nghiệp khác với giấy chứng nhận sức khỏe mới và bộ hồ sơ mới.

Lý giải về tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng do công tác quản lý của lực lượng chức năng và doanh nghiệp vận tải chưa chặt chẽ, đồng thời việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe hiện vẫn còn bất cập. Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện quản lý lái xe, cập nhật thông tin về lái xe vào hồ sơ lý lịch lái xe và cung cấp thông tin thông qua phần mềm quản lý lái xe của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, việc này vẫn đang được thực hiện thủ công, đối phó, không có tính kết nối và chia sẻ để phục vụ công tác quản lý.

Đề xuất xây dựng dữ liệu sức khỏe lái xe

Theo Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất quy định Bộ Y tế quản lý điều kiện sức khỏe của người lái xe tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.

Còn theo Bộ Giao thông Vận tải, cơ sở dữ liệu sẽ ghi nhận lịch sử hành nghề của lái xe từ khi bắt đầu lái xe kinh doanh vận tải đến khi kết thúc. Các dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng lái xe, từng đơn vị kinh doanh vận tải để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng lao động lái xe và đào tạo nâng hạng cấp giấy phép lái xe. Đây sẽ là kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp vận tải tham khảo trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lái xe.

Bên cạnh việc sớm hoàn thiện kết nối dữ liệu sức khỏe người lái xe còn cần điều chỉnh thời hạn giấy khám sức khỏe của người lái xe theo từng độ tuổi và tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất phát hiện việc lái xe sử dụng ma tuý và các chất kích thích khác. Doanh nghiệp vận tải cần tổ chức khám tập trung theo từng đợt có sự giám sát của chủ doanh nghiệp và sự giám sát của Sở Giao thông Vận tải, không để lái xe tự đi khám. Nếu lái xe không tuân thủ quy định về khám sức khỏe định kỳ thì cần có biện pháp mạnh như tước giấy phép lái xe, doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị tước giấy phép kinh doanh.

Đọc thêm