Cặp vợ chồng hầu tòa vì “tranh thủ” ghi đề “kiếm thêm tiền chợ”

(PLO) -Đôi vợ chồng đã xấp xỉ tuổi 60, rón rén bước vào phòng xét xử, mặt căng thẳng, đầy lo âu và còn phảng phất nét xấu hổ. Cả một đời làm ăn lương thiện, con cái cũng đã lớn khôn, có đứa đã thành gia lập thất, không ngờ vợ chồng có lúc lại “dắt” nhau ra vành móng ngựa trong thân phận của một bị cáo vì hành vi “tổ chức đánh bạc”.
 
Tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 10 triệu đồng vì hành vi ghi lô đề
Tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 10 triệu đồng vì hành vi ghi lô đề

Vợ chồng dắt tay ra tòa

Buổi chiều, mưa như trút nước, trời lạnh căm căm. Mới 1h chiều nhưng bầu trời âm u, mờ mờ như sắp tối. Đôi vợ chồng vượt qua màn mưa trước mặt, lóp ngóp đến tòa án. Cả hai mặt mày tái ngơ tái ngắt, ngồi co ro cạnh nhau nơi hàng ghế kê sát tường. Đó là vị trí dành cho những bị cáo trong các vụ án hình sự. 

Người vợ là Nguyễn Thị Minh Trang (56 tuổi), người chồng là Phan Cảnh Thanh (57 tuổi, đều ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cả hai là đều là bị cáo trong vụ án “Tổ chức đánh bạc” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) tiến hành xét xử sơ thẩm. Cách đây mấy tháng, khi đang ghi cá độ bóng đá và ghi số đề cho nhiều đối tượng, với tổng số tiền hơn 6 triệu đồng thì đôi vợ chồng bị bắt quả tang. Cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai vợ chồng, nhưng họ được cho tại ngoại chờ ngày pháp luật phán quyết.

Chưa đến giờ xét xử nên cả hai vợ chồng vẫn ngồi co ro nơi góc tường. Vẻ mặt cả hai đều toát lên sự nôn nóng, bồn chồn, tâm trạng đầy bất an. Người vợ bảo, ngày ấy khi bị công an bắt quả tang, sau đó được gọi lên lấy lời khai rồi cho về, cứ tưởng mọi chuyện vậy là xong. Đến lúc cáo trạng của viện kiểm sát được gửi đến tận nhà, cả hai vợ chồng mới mặt mũi xám ngoét. Hôm nay đến tòa, cả hai vợ chồng đều giấu giấu giếm giếm, sợ người thân biết được thì ê mặt. 

Nhưng hơn tất cả, nỗi sợ lớn nhất đối với hai người hiện tại là nỗi lo khi đứng nơi vành móng ngựa, nỗi lo chẳng biết pháp luật sẽ xử trí họ ra sao. Một đời cần mẫn lao động, một đời lam lũ làm ăn, chẳng dè đến lúc tóc trên đầu sợi đen sợi trắng, họ lại vấp ngã, ngay chính ở bậc cửa nhà mình.

Tại phiên tòa, cả hai bị cáo đều khai nhận, vào ngày 4/1/2017, bị cáo Trang cùng chồng là bị cáo Thanh tổ chức đánh bạc bằng hình thức ghi tỷ số cá độ bóng đá và số đề, kết quả của các công ty xổ số kiến thiết thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa và miền Bắc. Đến khoảng 5h chiều cùng ngày thì bị cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Huế phát hiện bắt quả tang, thu giữ 43 tịch đề và 1 tịch cá độ bóng đá với tổng số tiền là hơn 6 triệu đồng. Trong đó xác định được 14 đối tượng đánh bạc với tổng số tiền là 2,4 triệu đồng. Bị cáo chồng ghi số đề và tỉ số cá độ bóng đá cho 12 đối tượng, còn bị cáo vợ ghi cho hai đối tượng.

Tòa hỏi bị cáo Trang tổ chức đánh bạc từ khi nào? Nữ bị cáo khai, chị tham gia ghi đề chưa được 1 tháng thì bị bắt. Người dẫn dắt chị vào “nghề”, là một người quen biết khi đi tập thể thể dục. Nghe người này rỉ tai, bảo một ngày làm 1 -2 tiếng buổi chiều, cũng kiếm dư tiền chợ. Thấy cũng đúng, rứa là chị theo.

Cả hai vợ chồng bị cáo xưa nay đều là người làm ăn lương thiện. Họ chưa từng có tiền án tiền sự. Ở địa phương cũng là một gia đình mẫu mực, vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan hiền. Người chồng làm thợ điện. Ở nhà có một tiệm sửa điện nho nhỏ. Người vợ quán xuyến cửa nhà và trông coi mấy phòng trọ cho thuê, phụ chồng nuôi 4 đứa con. Con cái hiện tại đã lớn, 2 đứa đã lập gia đình, ra riêng, đứa nhỏ nhất cũng 20 tuổi, tối ngày lo đi học, đi làm. 

Việc chợ búa, cơm nước chỉ chiếm thời gian buổi sáng, người vợ hầu như rảnh rỗi cả buổi chiều. Vì vậy, chị mới “tranh thủ” ghi đề “kiếm” thêm tiền chợ. “Sạp” đề của chị mở tại nhà, ai có nhu cầu thì đến tận nhà chị để ghi. Mỗi ngày cũng kiếm được dăm bảy chục nghìn, đủ cho buổi chợ sớm.

Tòa hỏi: “Trong hai bị cáo, ai là người làm chính?”. Người vợ hoảng hốt bảo, mình là người làm chủ yếu. Lúc nào bận, mới nhờ chồng ghi giúp. Buổi chiều hôm đó, do chị có việc ra ngoài, người chồng ngồi sửa điện ở tiệm điện trong nhà thì có người đến ghi đề, anh thay vợ làm giúp, nào có ai ngờ…

Vẫn còn may

Vị hội thẩm tham gia xét hỏi, hỏi bị cáo cáo Trang: “Khi bị cáo ghi đề, ghi cá độ, có nhận thức được đây là việc làm sai trái không?”. Bị cáo lí nhí bảo biết. “Vậy có ai nói cho bị cáo làm vậy là vi phạm pháp luật không?”. Bị cáo bảo có. Mấy chị em trong nhà khi biết bị cáo tổ chức ghi đề cũng có khuyên can. Bị cáo cũng từng suy nghĩ qua, cũng định dừng lại không làm nữa. Nhưng rồi nghĩ mỗi ngày làm một hai tiếng đồng hồ nhưng kiếm được tiền chợ, nghỉ cũng tiếc, nên dùng dằng chưa chịu dừng, không dè lại bị bắt. 

Người chồng cũng phân bua, biết việc làm của hai vợ chồng là không đúng. Nhưng cứ nghĩ nếu bị phát hiện, nhiều lắm cũng chỉ bị phạt hành chính là xong. Chứ đâu ngờ cả vợ lẫn chồng đều xử bị xử lý bằng pháp luật hình sự. Khi “trát” của tòa đưa về, hai vợ chồng đều hoảng hốt vì sợ. Cả hai đều sợ con, sợ cháu biết, sợ sau này làm sao có thể dạy dỗ được con cháu, sợ ảnh hưởng đến con cháu sau này. Mấy chục năm qua, họ cùng nắm tay nhau vượt qua những thiếu thốn, khó khăn, xây dựng cuộc sống, nuôi dạy con cái thành người. Chẳng ngờ đến lúc xế chiều, lại phạm sai lầm để đến nỗi cả hai ông bà phải “dắt tay nhau” đến trước vành móng ngựa. 

Vị hội thẩm nhắc nhở vợ chồng bị cáo: “Ở đời có biết bao cách kiếm tiền, mà bị cáo lại chọn cách sai trái này? Xưa nay cả hai bị cáo chưa từng vi phạm gì. Chỉ vì một món lợi nhỏ, mà ảnh hưởng đến uy tín, danh dự một đời gây dựng, hỏi có đáng không?”. Cả hai bị cáo lặng im, vành mắt đều rơm rớm nước.

Phiên tòa hôm ấy còn có sự hiện diện của một người phụ nữ già nua. Bà ốm nhom, mặt mũi hom hem vì răng rụng gần hết. Bà đội mưa, đội lạnh đến tòa, vì con bà là một trong những đối tượng đánh bạc trong vụ án (nhưng may mắn do số tiền đánh bạc chưa đủ để khởi tố) được tòa triệu tập đến. 

Bà lão mặt tái mét vì lạnh, lập bập tâm sự, hôm nay bà một hai bắt con trai phải chở cùng đến tòa , vì muốn được nghe tòa giáo giục con mình ra sao, sau này về còn biết mà răn đe, nhắc nhở con. Bà chỉ sợ, nếu lần này gia đình sơ sểnh, đứa con trai “có lớn mà không có khôn” lại đi vào vết xe đổ, bởi bài bạc như một thứ ma túy vô cùng nguy hiểm. Nếu thắng càng muốn thắng nhiều hơn. Nếu thua lại càng điên cuồng lao vào gỡ gạc. Cứ như thế cho đến lúc tán gia bại sản, bao nhiêu gia đình tan hoang. Bần cùng sinh đạo tặc, sinh trộm cướp, lừa đảo để có tiền “nướng” vào bài bạc, gây bất ổn cho cộng đồng, xã hội. Không ít kẻ vướng vào vòng lao lý cũng vì cờ bạc mà ra. 

Hôm nay con trai bà còn may mắn ngồi ở hàng ghế người liên quan. Khoảng cách giữa cái ghế này với ghế bị cáo quá mong manh, nếu những người như con trai bà không tỉnh ngộ. Tuy ở chung một khu vực, nhưng người mẹ già nua ấy vẫn không quên lườm nguýt và buông lời trách cứ những kẻ làm “nghề” như vợ chồng bị cáo. Như cảm nhận được những đôi mắt thiếu thiện cảm phía sau lưng, vợ chồng bị cáo như càng co rúm hơn nơi vành móng ngựa.

Bà bảo, con trai bà hôm ấy đi sửa nhà cho người dì. Được dì trả công 400 ngàn, trên đường về thì ghé ngang qua nhà bị cáo “nướng” hết tiền vào đó, không may bị công an “túm” luôn cổ. Một người thanh niên ngồi cạnh bà lão thì xuýt xoa, bảo mình lần đầu tiên tập tễnh ghi đề. Ghi có 20 ngàn chứ mấy, ai dè cũng bị “túm”. May mà ghi nhỏ, không đủ để khởi tố, nếu không thì…. Người thanh niên rụt cổ, làm ra vẻ sợ hãi.

Tại phiên tòa, cả hai bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội đồng thời xin giảm nhẹ mức án. Theo hội đồng xét xử, mặc dù người vợ là người làm cá độ chính, người chồng chỉ phụ giúp. Nhưng hôm cả hai bị bắt quả tang, người chồng ghi cho 12 người, người vợ chỉ ghi cho 2 người, nên cả hai bị cáo có trách nhiệm ngang nhau trong vụ án. Xem xét những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo theo quy định của pháp luật, sau khi nghị án, tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 10 triệu đồng. Cả hai vợ chồng mừng như bắt được vàng vì chỉ bị áp dụng hình phạt tiền. Mặt mũi cả hai lúc này mới giãn ra. 

Người chồng vui vẻ dắt tay vợ ra khỏi tòa án, không quên lắc đầu bảo đúng là “ăn khế trả vàng”, nhưng dù sao vẫn còn may chưa phải vào “trong kia” ngồi, nếu không phần đời còn lại của hai ông bà, chẳng biết phải ra sao.

Người chồng cũng phân bua, biết việc làm của hai vợ chồng là không đúng. Nhưng cứ nghĩ nếu bị phát hiện, nhiều lắm cũng chỉ bị phạt hành chính là xong. Chứ đâu ngờ cả vợ lẫn chồng đều xử bị xử lý bằng pháp luật hình sự. Khi “trát” của tòa đưa về, hai vợ chồng đều hoảng hốt vì sợ. Cả hai đều sợ con, sợ cháu biết, sợ sau này làm sao có thể dạy dỗ được con cháu, sợ ảnh hưởng đến con cháu sau này. Mấy chục năm qua, họ cùng nắm tay nhau vượt qua những thiếu thốn, khó khăn, xây dựng cuộc sống, nuôi dạy con cái thành người. Chẳng ngờ đến lúc xế chiều, lại phạm sai lầm để đến nỗi cả hai ông bà phải “dắt tay nhau” đến trước vành móng ngựa. 

Đọc thêm