Giá lên, mới dừng mua tạm trữ
Theo báo cáo của Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lượng muối đang tồn trong dân tính tới tháng 6/2015 tại các địa phương có sản xuất muối đáp ứng điều kiện để có thể mua tạm trữ là gần 400 ngàn tấn. Riêng 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận còn tồn trên 200 ngàn tấn muối công nghiệp nhưng số muối trên lại không thuộc đối tượng để mua tạm trữ.
Như PLVN đã thông tin, trước thực trạng khó khăn do được mùa mất giá, ảnh hưởng đến đời sống diêm dân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ NN&PTNT chỉ đạo Vinafood 1 mua tạm trữ muối niên vụ 2015 của diêm dân.
Trao đổi với PLVN, ông Trần Xuân Chính, Phó Tổng Giám đốc Vinafood 1 cho biết, việc mua tạm trữ lần này nhằm hỗ trợ diêm dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, bình ổn giá của thị trường, qua đó ổn định đời sống diêm dân.
“Việc mua muối tạm trữ sẽ thực hiện theo nguyên tắc chỉ mua của diêm dân, muối được sản xuất trong niên vụ năm 2015. Mua muối theo giá thời điểm thị trường và tập trung mua tại các vùng muối lớn trọng điểm có lượng muối dồn ứ lớn” - ông Chính nói.
Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc giải phóng muối tồn đọng trong dân, Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam (thuộc Vinafood 1) đã lên kế hoạch mua muối tạm trữ 2015. Cụ thể ở miền Bắc, địa phương có lượng muối trong dân tồn nhiều là Nghệ An; miền Trung tập trung ở các địa phương Nam Trung bộ như Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, ngoài ra sẽ khảo sát và tính đến một số địa phương như Quảng Ngãi và 2 tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận muối diêm dân sản xuất trong tháng 7/2015; khu vực miền Nam: TP.Hồ Chí Minh (huyện Cần Giờ), Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu là những điểm “nóng” cần được giải cứu.
Ông Chính khẳng định: “Mục tiêu mua là bình ổn giá, hỗ trợ khó khăn cho diêm dân trong khâu tiêu thụ nên giai đoạn đầu sẽ triển khai mua từ 40-50 ngàn tấn (tùy từng địa phương mà xác định lượng mua thích hợp). Giai đoạn 2 mua khoảng 30-40 ngàn tấn, khi có biểu hiện giá muối nhích lên, dân tiêu thụ dễ dàng thì dừng mua tạm trữ”.
Cấp vốn “giải cứu”
Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, Vinafood 1 được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn nhà nước tại công ty mẹ để thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2015. Theo đó, Tổng Cty đã giao cho Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tạm trữ muối từ nguồn vốn nhà nước nêu trên.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi duyệt nguồn vốn, để kịp thời triển khai công tác thu mua, Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam xin tăng vốn để giải quyết tình thế trước mắt. Theo đó, Cty này đề nghị Tổng Cty cấp 28 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho cty theo kế hoạch đã được duyệt; đồng thời đề nghị cho vay ưu đãi tại Quỹ Bình ổn giá, giải ngân theo tiến độ thu mua. Trước mắt, cho vay 15 tỷ đồng do đặc thù mua muối trực tiếp của diêm dân phải trả ngay bằng tiền mặt.
Theo đại diện Vinafood 1, do vụ muối năm 2015 được mùa, sản lượng sản xuất cao gấp rưỡi những năm bình thường nên việc tiêu thụ số muối gặp nhiều khó khăn, nhất là muối ở Bình Định, Phú Yên... chất lượng muối xấu, rất khó tiêu thụ nên thời gian tạm trữ có thể sẽ phải kéo dài tới 12 tháng.
“Trước tình hình như vậy, cùng với việc Tổng Cty còn phải tự chịu trách nhiệm về tiêu thụ, hiệu quả kinh doanh và có trách nhiệm hoàn trả lại nguồn vốn nhà nước dùng để sử dụng vào mục tiêu dự trữ lưu thông nên phương án tiêu thụ được chúng tôi tính toán khá kỹ để làm sao hài hòa giữa nhiệm vụ được giao và bảo toàn được nguồn vốn nhà nước.”- Phó Tổng Giám đốc Trần Xuân Chính nói.
Theo Vinafood 1, từ 25-30/07 sẽ thực hiện khảo sát tại các địa phương mua muối tạm trữ. Từ 01-10/08 triển khai các công việc chuẩn bị mua muối tạm trữ (làm việc với các địa phương, các đầu mối, ký kết các hợp đồng...) và sau đó sẽ tiến hành thu mua. Dự kiến giá mua là 1.100.000 – 1.200.000 đ/tấn (muối miền Bắc); đối với muối miền Trung và miền Nam, xê dịch từ 700.000 – 800.000 đ/tấn.