Ghi ở thủ phủ muối
Cánh đồng muối Sa Huỳnh thuộc địa phận xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ hiện có trên 120ha với hơn 300 hộ tham gia sản xuất. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, diêm dân vẫn cần mẫn cào để gom lại từng ụ muối trắng muốt, tưởng như bất tận trên khắp cánh đồng.
Đưa tay lau vội giọt mồ hôi hòa lẫn muối đọng thành vệt trắng trên gương mặt, bà Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi, thôn Diêm Tân, xã Phổ Thạnh) than: “Thời buổi mặt hàng gì cũng lên giá mà riêng muối lại xuống thấp. Làm muối vất vả quá mà bán giá thấp nên khó khăn lắm. Chiều nào cũng vậy, vợ chồng tôi vác từng bao muối từ ruộng lên thả dọc ven đường, đợi sáng hôm sau có ô tô đến là chất lên để chở “biển” về “làng”. Có người mua trả bằng tiền mặt là tốt nhất, nhưng nếu đổi lấy lúa hay gạo cũng không sao. Người miền xuôi, miền ngược đều cần muối, đâu đâu muối cũng đến nơi, nhưng bây giờ muối đắng quá hà”.
Mấy cặp vợ chồng diêm dân gần đấy cũng than vãn vì mấy ngày nay muối rớt giá, nếm vị muối mà đắng đầu môi, cay con mắt. Hầu như nhà nào cũng mong sao muối tăng giá cho bà con đỡ nhọc nhằn. Vào thời điểm này, mỗi kilôgam muối thu mua tận đồng chỉ với giá chưa đầy 1.000đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2014 thì rớt giá mất một nửa.
Chiều đến Sa Huỳnh bắt đầu bằng việc tấp nập người khiêng, kẻ vác từng bao muối nặng từ ruộng ra xe chở. Muối nằm ngổn ngang bên đường giống như nỗi mong mỏi của diêm dân nơi này đang chờ đánh thức dậy một niềm tin, một cơ hội cho nghề truyền thống. Nhưng không biết bao giờ mới giải được bài toán cho hạt muối Sa Huỳnh vì hàng chục năm nay giá cả rất bấp bênh.
Nguyên nhân là do ngư dân trong vùng không muối cá làm mắm mà chuyển sang hấp cá phơi khô nên ít cần đến muối. Nhà nước thì chưa có hướng thu mua muối của diêm dân. Và còn những nguyên nhân khác khiến diêm dân “điêu đứng” với hạt muối do mình tạo nên. Những năm gần đây, ngày càng nhiều người bỏ ruộng hoang chuyển sang nghề khác, số người bỏ xứ vào Nam kiếm sống ngày càng nhiều bởi đơn giản, nghề muối không nuôi nổi gia đình.
“Tôi sinh ra nơi làng biển này và gắn bó với ruộng muối nơi đây như máu với thịt. Nghề này vất vả lắm, thu nhập lại không được nhiều nhưng không làm muối thì biết làm gì được, phải cố gắng thôi”, ông Trần Văn Hải-một diêm dân Sa Huỳnh chia sẻ. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài trên đám ruộng, ông chia sẻ kinh nghiệm muốn làm ra hạt muối trắng, diêm dân phải trải qua nhiều công đọan vất vả, công phu.
Bà Lê Thị Hiếu (53 tuổi), một người bám ruộng muối suốt mấy chục năm qua kể: “Hàng ngày gia đình tôi phải dậy từ 3 giờ sáng, ra đồng, làm ruộng cho sạch, sau đó cặm cụi đầm cho đất thật chắc, bằng phẳng rồi đến 8 giờ sáng dẫn nước vào ruộng. Nước vào ruộng rồi, phải liên tục dùng trang đẩy nước để đảm bảo ruộng không bị khô, nếu không hạt muối sẽ đen thui. Đến ngày thứ ba, khi muối kết tinh đủ mới bắt đầu cào thu hoạch”.
Đánh bạc với trời
Với những nghề khác, người ta làm khi trời râm mát và nghỉ ngơi khi nắng to thì nghề muối ngược lại, nắng to nhất là lúc họ phải phơi mặt ra đồng để trang nước. Bà Hiếu ngậm ngùi: “Nghịch một cái là nắng càng to, càng được muối thì mình lại càng vất vả. Cực vậy nhưng vẫn cứ cầu trời cho nắng càng to càng tốt”.
Dưới cái nắng cháy gắt của miền Trung, những diêm dân ở đây vẫn chịu đựng ngày này qua ngày khác, thậm chí, để tranh thủ cơn nắng gắt, buổi trưa họ mang cơm đi, ghé vào chòi ăn vội ăn vàng rồi lại tất tả nhào ra ruộng muối tiếp tục làm. Vất vả như thế nhưng chỉ cần một trận mưa xuống là mọi công sức của diêm dân đổ sông đổ biển hết.
Bà Trần Thị Liên (50 tuổi, ở thôn Long Thạnh) cho hay: Nhiều khi muối đã kết tinh sang ngày thứ ba rồi, một trận mưa ập xuống là coi như trắng tay, không cứu được. Lúc đó chỉ còn biết nhìn trời mà khóc. Cái nghề này như đánh bạc ấy, phụ thuộc hết vào ông trời, ông thương thì nhờ, ông ghét thì phải chịu. Sau một trận mưa như thế, có khi phải 10, 15 ngày sau mới tiếp tục làm được. Nắng mưa là chuyện của trời, nhưng nó luôn là nỗi ám ảnh của những người dân gắn đời mình với đồng muối. Chỉ cần một đám mây đen, một tiếng sấm ì ầm là người dân lo lắng, huy động hết mọi lực lượng nhanh chóng xuống ruộng cứu muối. Năm nào mùa mưa đến sớm thì thời gian trên bị rút ngắn và nguy cơ mất mùa càng tăng cao. Hết mùa muối, diêm dân Sa Huỳnh lại phải đi tìm những công việc khác để mưu sinh.
Năm nay chỉ mới đầu vụ mà giá muối giảm mạnh, chỉ còn 200- 900 đồng/kg tại ruộng. Trong khi đó, các năm trước giá muối giữ đều từ 1.500- 2.000 đồng/kg. Giá muối xuống thấp nên diêm dân Sa Huỳnh không mấy mặn mà với nghề truyền thống này nữa, kể cả những hộ đầu tư vào làm muối sạch theo chương trình khuyến diêm của ngành nông nghiệp.
Nhiều diêm dân cho biết, năm nay muối sạch cũng khó bán chứ nói gì đến muối thường. Một số hộ đã phải gánh muối đi bán dạo để lấy chỗ cho loạt vụ mới. Tình trạng ế ẩm và thương lái ép giá muối xuống thấp khiến cuộc sống của các diêm dân càng khó khăn.
Ngay cạnh cánh đồng Sa Huỳnh trước đây cũng có Nhà máy Muối tinh chất lượng cao được đầu tư 5 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động từ mấy năm nay. Nhà máy có công suất 120.000 tấn/năm từng đem đến hy vọng cũng như tạo động lực cho nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư làm muối sạch để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.
Được biết, sắp tới xã Phổ Thạnh sẽ mời các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh mua lại nhà máy để làm sao cho nhà máy tiếp tục hoạt động nhằm ổn định giá cả và thị trường tiêu thụ cho bà con. Xã cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp, đầu tư cải tạo ruộng muối để chất lượng muối cao hơn, tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm. Giá thấp ngay từ đầu vụ là điều hiếm thấy ở đồng muối Sa Huỳnh, mong rằng chính quyền địa phương sớm có giải pháp thiết thực, quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đồng muối, tìm kiếm thị trường giúp diêm dân./.