Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn

(PLVN) - Tại Hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh (MTKD) và năng lực cạnh tranh, kết quả, bài học và định hướng giai đoạn 2021-2025” diễn ra hôm 21/1, nhiều ý kiến cho rằng MTKD của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn chưa mạnh mẽ, quyết liệt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn nhiều tồn tại

Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức.

Điểm lại kết quả quá trình thực hiện chuỗi Nghị quyết 19-02 của Chính phủ, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban MTKD và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, hầu hết các chỉ số của Việt Nam đều tăng điểm và có nhiều chỉ số cải thiện đáng kể.

Trong đó chỉ số xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam liên tục được cải thiện; hiệu quả logistics được cải thiện rõ nét… Các nỗ lực cải cách về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được ghi nhận. Đến hết năm 2019, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 50% trong tổng số khoảng 6.000 ĐKKD được thống kê trước đó. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ số không cải thiện nhiều về thứ hạng toàn cầu, do các nước khác cũng tiến hành cải cách. Có những chỉ số 5 năm không có sự cải thiện như chỉ số về bảo vệ quyền tài sản, chỉ số về lĩnh vực tư pháp cũng chậm cải tiến, nhất là thủ tục giải quyết thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp (DN)… 

Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cắt giảm ĐKKD chưa mạnh mẽ, quyết liệt. “Tuy thống kê là đơn giản hóa và cắt giảm 50% ĐKKD nhưng trong đó phần lớn là đơn giản hóa, số cắt giảm chỉ khoảng 10%. Đánh giá kết quả cải cách phải nhìn vào kết quả mà người dân và DN được hưởng lợi, còn nếu chỉ nhìn kết quả theo báo cáo thì chỉ là cải cách trên tivi, cải cách trên bàn họp” - ông Tuấn thẳng thắn.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng nhấn mạnh, việc kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều thách thức, cải cách tư pháp còn nhiều khó khăn, việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương vẫn còn lúng túng, chỉ số gia nhập thị trường có tăng nhưng chưa có sự đột phá...

Trưởng ban Pháp chế VCCI đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các địa phương: “Sự năng động và động lực cải cách từ địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Đã có nhiều mô hình mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn được triển khai và mang lại kết quả tích cực như mô hình Trung tâm hành chính công, Cafe doanh nhân, Đối thoại chính quyền - doanh nghiệp…”.

Đề xuất lập tổ chuyên trách

Khẳng định chuỗi các nghị quyết của Chính phủ ban hành đầu năm trong nhiều năm qua đã thực sự đi vào cuộc sống, được cộng đồng DN, xã hội ghi nhận và đánh giá cao, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng vẫn cần thêm áp lực thực hiện.  “Cải cách MTKD Việt Nam thời gian tới có lẽ phải nâng cấp lên, không chỉ tháo gỡ rào cản nữa mà cần phải tạo ra một MTKD minh bạch” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đó, ông Tuấn kiến nghị phải đổi mới quy trình, tăng cường chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, giảm chồng chéo, có sự chuyên nghiệp hơn. Các cơ quan cấp phép thì không nên chủ trì trực tiếp quá trình soạn thảo văn bản, quy phạm pháp luật, bởi ban hành văn bản pháp luật có thể tạo ra những chi phí thực thi, kể cả cho DN, xã hội và trong bộ máy rất lớn. Việc ra một văn bản pháp luật là phải tính toán đầy đủ các chi phí này.

TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi, các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục thường xuyên và đủ mạnh…”.

Chuyên gia này đề nghị cần tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, gia tăng, gia cố an toàn trong đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo thuận lợi, dễ dàng cho đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các quy định về ĐKKD; thay đổi cơ bản phương thức quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tháo bỏ mọi rào cản dưới mọi hình thức hạn chế.

Về việc triển khai các nghị quyết của Chính phủ, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị phải đánh giá độc lập, phải xác định được vấn đề vướng mắc của MTKD, đề xuất được giải pháp, chất liệu bổ sung hoàn thiện cho các nghị quyết tiếp theo.

Ông cũng lưu ý đánh giá độc lập phải gắn liền với Ban soạn thảo để được tiếp thu cao nhất: “Hy vọng Thủ tướng thành lập Tổ chuyên trách cải cách thể chế và MTKD với thành viên là các chuyên gia độc lập, tư vấn trực tiếp. Có như vậy mới thành công, thiết thực” - chuyên gia này bày tỏ.

Đọc thêm