Ngân hàng Nhà nước đã quyết định cắt giảm trần lãi suất huy động xuống 12% từ ngày 11/4, kỳ vọng kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống khoảng 14-16%. Tuy nhiên, đối với phần đa doanh nghiệp, con số phần trăm này vẫn vẫn còn cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận hiện nay.
Ảnh minh họa. |
Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai trong vòng một tháng. Trước đó, NHNN đã điều chỉnh giảm trần lãi suất từ 14 xuống 13%. Tuy nhiên, sau gần một tháng áp dụng trần huy động mới 13%/năm, mức tăng trưởng tín dụng không những không tăng mà còn giảm. Theo NHNN, trong quý I/2012, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 2,13% so với cuối năm trước.
Ông Mã Thanh Ca, Giám Đốc Công ty TNHH Dệt may Lương Thông (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, mặt bằng lãi suất kỳ vọng giảm xuống còn 14-16%/năm so với mức 20-24%/năm như trước đây thì quả là hấp dẫn đối với người đi vay, nhưng so với thực lực của DN vào thời điểm này, thì vẫn khó lòng tiếp nhận được nguồn vốn. Ông Ca phân tích, một mặt DN không dám vay vì lợi nhuận từ sản xuất hiện nay rất thấp, mặt khác khi mà DN đang trong tình trạng “ốm yếu” thì dễ gì ngân hàng đã đồng ý cho vay.
Bà Phạm Thị Thương, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Hoàng Long (quận Tân Bình, TP.HCM) bức xúc, giảm lãi suất huy động nhưng thực chất lãi suất cho vay chưa giảm nhiều. Mục đích của việc giảm lãi suất là để cứu DN nhưng trên thực tế lãi suất cho vay của ngân hàng (đặc biệt các ngân hàng nhỏ) vẫn còn quá cao so với sức chịu đựng của DN, cụ thể vẫn nằm ở mức 20-22%.
Việc cắt giảm lãi suất tác động gì đến nền kinh tế vĩ mô?. Ông Paul Gruenwald, chuyên gia phân tích tài chính Ngân hàng ANZ nhận định, chính sách cắt giảm lãi suất này là kết quả của mức tăng trưởng GDP thấp hơn so với dự đoán trong quý 1 (4.0%, mức thấp nhất từ quý 1 2009), điều này cũng dẫn đến dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn trong cả năm nay.
Chuyên gia của ANZ tin rằng, lạm phát giảm chắc chắn là nhân tố ảnh hưởng đến quyết định này. Vào tháng 3 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm xuống 14.2%, so với mức cao nhất là 23.0% vào tháng 8 năm ngoái. Với đà chậm lại, dự báo rằng lạm phát sẽ vẫn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Theo ông Paul Gruenwald, GDP sẽ tăng 5.5% trong năm 2012 và lạm phát sẽ giảm xuống dưới 10.0% trong quý 3. Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong thời gian vừa qua cũng là một trong các nhân tố quyết định việc cắt giảm lãi suất lần này. Điều này sẽ giúp hạ thấp chi phí vốn so với mức lãi suất còn tương đối cao khoảng 16% - 20% vào tháng 2 vừa qua.
Một chuyên gia phân tích tài chính khác lại dự báo, việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay của NHNN có thể sẽ khiến lạm phát lại tăng trở lại và sẽ có thể gây khó khăn cho việc duy trì mức lạm phát trong tầm kiểm soát như hiện nay. Thứ hai, lạm phát suy giảm gần đây chủ yếu là do giá cả thực phẩm giảm, trong khi là giá cả của các mặt hàng phi thực phẩm, xăng dầu vẫn tương đối cao. Điều này cho thấy sức ép tăng giá đối với người dân vẫn không dịu lại, mặc dù đã được giảm nhẹ do tăng trưởng chậm lại.
Mị Na