Tạt axit trả thù người “quỵt nợ”
Vợ chồng Lê Thị Lan (SN 1958, ngụ Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam) cùng buôn bán ở bến xe Thạnh Mỹ từ năm 1990, có ba người con. Chỉ qua vài năm lăn lộn cạnh tranh giữa môi trường sống xô bồ, Lan dù người nhỏ thó vẫn có tiếng đàn chị “đầu gấu”, đốp chát. Ngoài thu mua hàng hóa, người phụ nữ này còn tổ chức đánh bạc lấy tiền “xâu”, cho phụ xe vay tiền lấy lãi.
Đầu năm 1998, anh Lê Văn Thành (SN 1975, ngụ Thạnh Mỹ) làm phụ xe khách chạy tuyến Đà Nẵng - Nam Giang mượn tiền của Lan để đánh bài. Mâu thuẫn trong việc tính lãi, Lan chửi bới “con nợ” thậm tệ, còn uy hiếp gọi đàn em tới “xử lý”.
Trong khi đó, anh Thành cho rằng đã trả hết nợ, thậm chí “đàn chị” còn đang nợ 70 ngàn tiền đi xe khách của mình. Lời qua tiếng lại, Lan bị anh Thành ném đá gây rách đầu.
Sau khi đi bệnh viện về, Lan tìm mua can axít tính kế trả thù. Ngày 12/4/1998, biết anh này xuống bến xe Đà Nẵng, đối tượng liền đi theo, khi thấy anh đang sắp xếp khách thì Lan lao đến giằng kéo, lôi ra bên ngoài “nói chuyện”.
Cả hai lao vào nhau ẩu đả. Khi đó, chuyện cãi vã ở bến xe là bình thường, nhiều phụ xe và hành khách chứng kiến cũng lờ đi không quan tâm. Nhưng một lúc sau, mọi người thất kinh phát hiện Lan lấy một ca a xít đã chuẩn bị sẵn, tạt vào mặt khiến nạn nhân gào thét đau đớn.
Vì quá khiếp sợ, ai nấy chôn chân tại chỗ cho đến khi các lực lượng chức năng tại bến xe đến đưa nạn nhân đi cấp cứu. Anh Thành được xác định bị bỏng 31%, mặt biến dạng hoàn toàn.
Phần Lan, bỏ trốn khỏi nơi cư trú ngay trong đêm. Sau này bị bắt, đối tượng khai đã tìm tới ẩn náu ở Bình Phước do có người quen đi kinh tế mới ở khu vực này. Lan chọn vào xã miền núi sâu nhất, còn thưa vắng người, là Lập Thành (Lộc Ninh), cách trung tâm Bình Phước hơn 100km. Ở nơi heo hút, đi lại khó khăn, đối tượng bắt đầu bắn tin cho chồng con bán hết tài sản vào theo. Gia đình Lan tuyệt đối giữ bí mật chuyện này, ngay cả với người thân quen cũng chỉ thông báo “đi tìm kế mưu sinh do kinh tế khó khăn”.
Thời điểm trên, công tác quản lý địa phương còn lỏng lẻo, hơn nữa ở Lập Thành đa phần dân từ nơi khác đến nên một số mất giấy tờ tùy thân, chính quyền tạo điều kiện cho làm lại và nhập khẩu tại đây luôn. Ở địa phương cũ, Lan cũng cắt đứt mọi mối quan hệ. Với vỏ bọc tạo ra khá hoàn hảo, đối tượng và chồng con yên tâm với cuộc sống mới.
Trốn nã, còn chém người
Thời gian trôi qua, gia đình đối tượng trốn nã sống tạm ổn với công việc phát nương rẫy. Duy nhất Lan không cho các con đến trường do sợ công an phát hiện tung tích.
Hơn 10 năm, quá khứ tội lỗi của người phụ nữ này tưởng như đã chôn vùi. Nhưng đầu năm 2009, do con trai Lan gây mâu thuẫn với hàng xóm khiến người này sang nhà to tiếng, “máu giang hồ” trong Lan trỗi dậy. Thay vì dàn xếp với nhau bằng lời, đối tượng vác dao, rựa ra “chiến đấu” và một lần nữa gây tội ác, dùng rựa phát rẫy chặt vào đầu ông hàng xóm gây trọng thương, chết não.
Lan bị bắt, bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt sáu năm tù, thụ án tại Bình Long (Bình Phước). Con trai Lan bỏ trốn, tới năm 2013 bị bắt, chấp hành án cùng với mẹ.
Lẩn trốn đến vùng đất mới, bà Lan thậm chí đã làm mới Chứng minh nhân dân, nhiều năm qua mặt cơ quan chức năng. |
Đầu tháng 9/2014, Lan rời trại giam mới biết trong lúc mình chịu cảnh tù tội, chồng đã bán nhà theo người phụ nữ khác. Các con còn lại thì bỏ đi tứ xứ. Buồn chán, đối tượng không về Lộc Ninh mà phiêu dạt lên TP.HCM mưu sinh, thi thoảng có tiền lại vào trại thăm con trai đang chịu án.
Ở TP.HCM, đối tượng xin vào làm giúp việc nhà cho nhiều gia đình khác nhau. Do biết vẫn còn “cõng” án truy nã về hành vi “Cố ý gây thương tích” từ năm 1998, có thể bị Công an Đà Nẵng ráo riết lần tung tích nên Lan tinh quái chọn ở mỗi quận một thời gian. Đặc biệt, đối tượng làm giúp việc cho nhà nào cũng “ở lì” trong nhà, hiếm khi ra ngoài. Khi được chủ hỏi, Lan viện lý do cá nhân ngắn gọn và giấu nhẹm quá khứ.
Trở lại với CQĐT, sau khi Phòng truy nã (PC52, Công an TP.Đà Nẵng) được thành lập (năm 2010), vụ án của Lan vẫn được nhắc đến, dù manh mối gần như không còn, ngoài tờ lệnh truy nã với thông tin sơ sài. Trích xuất hình ảnh chứng minh nhân dân của Lan từ kho dữ liệu Công an tỉnh Quảng Nam, trinh sát nhận thấy hàng chục năm qua, đối tượng đã thay hình đổi dạng, có thể tên tuổi đã thay đổi, khả năng bắt là rất thấp.
Mãi đến tháng 6/2015, tình cờ một lần tham gia phá án ở Bình Phước, các trinh sát PC52 nghe được câu chuyện về “hoàn cảnh éo le” của một nữ phạm nhân quê ở Đà Nẵng. Khi chắp nối những tình tiết về đối tượng truy nã Lê Thị Lan, PC52 đặt nghi vấn và cho lật lại hồ sơ vụ việc.
Qua nhiều lần ngược xuôi vào Bình Phước tìm hiểu vụ án hai mẹ con chém người, tổ công tác đã tiếp cận, làm việc với con của Lan. Nhờ đó, các trinh sát ghi nhận được nhiều manh mối, trong đó có việc đối tượng đang đi giúp việc nhà, khả năng thời gian tới sẽ ra Huế.
Đầu tháng 9/2015, Lan được một gia đình ở Huế thuê chăm sóc con nhỏ. Thấy Lan có vẻ hiền lành, chịu khó, không bao giờ xin ra ngoài đi chơi nên người chủ lại thương. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng truy nã biết chính xác nơi ở của Lan. Khi tổ công tác tìm đến gọi to tên Lan, đọc rõ quê quán, tội danh, người phụ nữ này lủi thủi cúi đầu bước ra, chịu tra tay vào còng, kết thúc hành trình 17 năm chui lủi trốn nã./.