[links()]Có những người kiểm lâm dù biết nguy hiểm cận kề vẫn nhất quyết không rời vị trí, có anh công an viên bám đến cùng vụ việc, quyết không nương tay với những đối tượng côn đồ, nhưng khi chết đi, các anh vẫn chưa được cơ quan chức năng công nhận là liệt sỹ. Có phải vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cơ quan xét duyệt?.
Gia đình một kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ |
Thiệt mạng khi làm nhiệm vụ vẫn “chưa đủ điều kiện”
Ngày 4/2/2011 (mùng Hai Tết Tân Mão), tại Quốc lộ 32, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái xảy ra một vụ tai nạn giao thông khiến 2 thanh niên điều khiển xe tử vong tại chỗ. Công an thị xã đã chỉ đạo Công an phường Trung Tâm (đơn vị Thiếu tá Trần Duy Nghĩa đang công tác) tăng cường lực lượng phân luồng giao thông, bảo vệ hiện trường phục vụ cho công tác khám nghiệm.
Nhận được tin báo, đồng chí Nghĩa và đồng đội đã khẩn trương có mặt tại hiện trường. Trong lúc bộ phận pháp y đang khám nghiệm, Thiếu tá Nghĩa làm nhiệm vụ phân luồng giao thông vị trí đầu rào chắn. Lúc này, đồng chí Nghĩa phát hiện xe môtô do Nguyễn Văn Thắng chở theo 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm và đều trong trạng thái say rượu di chuyển với tốc độ cao vào khu vực đang được bảo vệ.
Nhận thấy nguy cơ tai nạn xảy ra với đồng đội, đồng chí Nghĩa đã dùng gậy giao thông, đèn pin ra tín hiệu cảnh báo nguy hiểm đề nghị giảm tốc độ. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thắng vẫn đâm thẳng vào người khiến Thiếu tá Nghĩa tử vong.
Sau vụ tai nạn, các cơ quan chức tỉnh Yên Bái đã làm các thủ tục xác nhận trường hợp hy sinh của thiếu tá Trần Duy Nghĩa. Lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái đề nghị truy tặng bằng khen ghi nhận tinh thần tận tụy với công việc và xả thân cứu đồng đội của thiếu tá Nghĩa.
Ngày 13/2/2012, Bộ Công an đã có Công văn số 342/BCA-X11 gửi Bộ LĐTB&XH xin ý kiến xét công nhận thiếu tá Trần Duy Nghĩa là liệt sỹ: “... Bộ Công an đề nghị vận dụng xét công nhận liệt sĩ đối với đồng chí Trần Duy Nghĩa theo quy định tại khoản 4, điều 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP”.
Ngày 17/8 vừa qua, tại trụ sở Cục Người Có công, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh đã chủ trì cuộc họp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xem xét việc công nhận liệt sỹ với Thiếu tá Nghĩa.
Tại cuộc họp, sau khi xem xét và so sánh với các quy định của nhà nước, đại diện các cơ quan thống nhất cho rằng, trường hợp của đồng chí Trần Duy Nghĩa không đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ.
Chống tội phạm đến cùng vẫn chưa dũng cảm!?
Để bảo vệ an ninh trật tự cho địa bàn dịp chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, tối 23/6/2007, đồng chí Phạm Đức Ninh (Công an viên xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình, huyện Bù Gia Mập) được UBND xã Phú Trung giao nhiệm vụ tiến hành tuần tra kiểm soát trên tuyến đường liên huyện.
Khoảng 21h cùng ngày, tổ tuần tra nhận được tin báo có đám thanh niên đang gây gổ tại một đám cưới trên địa bàn xã. Anh Ninh được giao nhiệm vụ xuống phối hợp với ông Ngô Văn Nho (Thôn phó thôn Phú Bình) để giải quyết. Khi đã hòa giải xong thì một người đi xe máy đến, anh Ninh phát hiện dưới yên xe máy người này có một cây mã tấu nên yêu cầu giao nộp hung khí và giao cho ông Nho giữ để anh lập biên bản và kiểm tra giấy tờ tùy thân của đối tượng.
Lúc đang lập biên bản thì một đối tượng khác chạy tới xin lại mã tấu nhưng anh Ninh kiên quyết không cho, liền bị chúng xông vào uy hiếp.
Khi các đối tượng nhào vào đánh anh Nho, buộc anh Ninh phải đưa roi điện ra ngăn chặn, chúng liền bỏ chạy ra ngoài. Sau đó các đối tượng rủ thêm người và cầm hung khí bất ngờ quay lại tấn công anh Ninh. Bị tấn công bất ngờ, anh Ninh gọi ông Nho chạy vào chốt bảo vệ nông trường Nghĩa Trung cách đó chừng 20m để huy động lực lượng.
Do trời tối, vừa chạy vừa tránh hung khí của chúng nên anh Ninh đã vấp ngã. Liền đó, các đối tượng này đã lấy chén đựng mủ cao su đánh vào đầu, vào mặt anh Ninh, khiến anh ngất xỉu và tử vong sau ba ngày cấp cứu.
Ngày 22/8/2007, UBND xã Phú Trung và Công an huyện Phước Long (nay là Công an huyện Bù Gia Mập) đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết chế độ liệt sỹ cho đồng chí Ninh. Ngày 22/12/2008, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị công nhận liệt sỹ và cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho đồng chí Ninh.
Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Phước đã hai lần có công văn kèm hồ sơ liên quan gửi lên Cục Người có công yêu cầu công nhận danh hiệu liệt sĩ cho anh Ninh, nhưng cả hai lần đều nhận được văn bản trả lời: Căn cứ vào tiêu chuẩn đã quy định tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP thì trường hợp chết của đồng chí Phạm Đức Ninh “chưa đủ điều kiện để xác nhận liệt sĩ”, hay “đồng chí Ninh chưa thể hiện sự dũng cảm khi trấn áp tội phạm”.
Đến nay đã 5 năm sau ngày ngã xuống, đồng chí Phạm Đức Ninh vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước gặp gỡ bà con thôn Phú Bình (xã Phú Trung) lấy ý kiến tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Ninh.
“Xuống nước” vì... công luận
Đêm 14, rạng sáng ngày 15/12/2009, sau khi có tin xe ôtô của lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép sẽ đi qua địa bàn Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ đã cử tổ công tác gồm ba đồng chí, trong đó có anh Lê Văn Phượng, kiểm lâm viên đi làm nhiệm vụ.
Đến 0h25 ngày 15/12/2009, tại ngã ba xã Phú Thịnh, tổ công tác phát hiện chiếc ôtô chở gỗ đi đến, anh Lê Văn Phượng đã bật đèn pin và cờ hiệu ra tín hiệu dừng xe. Nhưng do trên xe đang chở gỗ trái phép, để tránh bị xử lý, lái xe Ngô Hồng Sơn đã đạp ga tăng tốc bỏ chạy, dù phát hiện anh Phượng mặc trang phục kiểm lâm ra tín hiệu dừng xe đang đứng phía trước. Sơn đã không chấp hành mà điều khiển ôtô đâm vào người anh Phượng, làm anh Phượng tử vong sau đó.
Sau khi vụ án xảy ra, cùng với việc thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân, tỉnh Thái Nguyên cũng hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Người có công đề nghị truy tặng danh hiệu Liệt sỹ cho anh Phượng vì nạn nhân đã dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng.
Tiếp đó, ngày 2/3/2011, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng ký Công văn số 554/BNN-TCLN, gửi đích danh Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giải quyết chế độ liệt sỹ đối với anh Lê Văn Phượng. Ngày 9/3/2010, Chủ tịch Nước đã ra Quyết định 274/QĐ/CTN truy tặng Huân chương Dũng cảm cho người kiểm lâm này “vì đã dũng cảm hy sinh khi thi hành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng”.
Tuy vậy, Cục Người có công vẫn không công nhận danh hiệu liệt sỹ đối với anh Phượng vì lý do: đây chỉ là một vụ tai nạn và anh Phượng không hề ra tín hiệu dừng xe nên chưa đủ dũng cảm để nhận danh hiệu cao quý này.
Chỉ khi công luận và dư luận lên tiếng khá mạnh mẽ, cuối cùng Bộ LĐTB&XH và các cơ quan chức năng mới xem xét lại vụ việc này. Và ngày 19/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 75 tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Lê Văn Phượng vì đã hy sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vân Anh