Cây sưa “báo thù”

Sau khi đốn hạ và cưa cây sưa ở bán đảo Linh Đàm làm hai khúc đem bán, đường dây “sưa tặc” phải nhận "quả báo": Tiền bán gỗ “của thiên trả địa”, tất cả lún sâu vào vòng lao lý...
Sau khi đốn hạ và cưa cây sưa ở bán đảo Linh Đàm làm hai khúc đem bán, đường dây “sưa tặc” phải nhận "quả báo": Tiền bán gỗ “của thiên trả địa”, tất cả lún sâu vào vòng lao lý...

Hôm qua - 27/10, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử băng nhóm “sưa tặc” gồm các bị cáo Đinh Văn Tươi (23 tuổi, ở huyện Thường Tín, Hà Nội), Nguyễn Công Long (20 tuổi) và Nguyễn Kim Hùng (23 tuổi, đều ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) về tội “Trộm cắp tài sản”. Liên quan đến vụ trộm cắp cây sưa này, các bị cáo Lê Duy Anh (34 tuổi, ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín), Nguyễn Bá Mạnh (26 tuổi) và Nguyễn Văn Lâm (44 tuổi, ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh) cũng phải hầu tòa về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Chặt cây sưa bán cho "con buôn" nước ngoài

Theo cáo trạng, ngày 14/5/2011, nhân viên Công ty TNHH Nhà nước một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị phát hiện một cây gỗ sưa tại lô cây xanh CX 13 bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị cưa trộm.

Cơ quan công an xác định thủ phạm vụ đốn hạ cây sưa trên gồm có Đinh Văn Tươi, Nguyễn Công Long và Nguyễn Kim Hùng. Ba thanh niên này quen biết nhau trong những ngày cùng đi làm thuê cho một xưởng tiện gỗ ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Đầu tháng 5/2011, Tươi và Long phát hiện tại bán đảo Linh Đàm có cây gỗ sưa nên bàn với nhau sẽ cưa trộm cây gỗ quý này để kiếm tiền ăn chơi. 21h ngày 13/5, Long dùng xe máy chở Tươi đến chỗ có cây sưa. Trong lúc chờ thời cơ ra tay, Tươi và Long bàn bạc với nhau về phương án cất giữ, tiêu thụ gỗ sưa. Sau đó, chúng gọi điện cho Nguyễn Kim Hùng thông báo về phi vụ này, đồng thời xin gửi gỗ sưa tại nhà Hùng và được Hùng đồng ý.

23h cùng ngày, khi đường sá đã vắng người qua lại, Tươi và Long dùng chiếc cưa tay đốn hạ cây sưa cao khoảng 5 mét, có đường kính khoàng 20cm, sau đó cưa thân cây thành 2 khúc, mỗi khúc khoảng 1,8 mét. Số gỗ sưa này được chúng dùng xe máy chở về nhà Hùng tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Nhận hàng, Hùng cất của gian trong phòng ngủ của vợ chồng hắn.
Các bị cáo cúi gằm mặt vì mang nỗi nhục nhã cho gia đình.
Các bị cáo cúi gằm mặt trước tòa.
Thời gian làm thuê tại xã Nhị  Khê (huyện Thường Tín), Tươi, Hùng biết rõ tại đây có nhiều đầu nậu săn tìm gỗ sưa - loại gỗ đã trở thành hàng quốc cấm, bị Nhà nước cấm buôn bán từ năm 2006. Vì thế, ngay ngày hôm sau - 14/5, hai tên này đã dễ dàng bán được 2 khúc gỗ sưa cho Lê Duy Anh - chủ một xưởng mộc - với giá 97,5 triệu đồng. Số tiền này Tươi và Long mỗi người hưởng 47 triệu đồng, Hùng được 2,9 triệu đồng, còn lại chúng ăn chơi hết.

Ba ngày sau, Duy Anh đem bán số gỗ sưa này cho Nguyễn Bá Mạnh (ở cùng thôn) với giá 146 triệu đồng. Hôm sau, Mạnh liên hệ với Nguyễn Văn Lâm và biết Lâm đang tìm mua gỗ sưa giúp một người Trung Quốc tên là A Hoàng (chưa rõ tung tích cụ thể). Biết Mạnh có gỗ sưa, A Hoàng lập tức ngỏ ý mua lô hàng này, nhờ Lâm phiên dịch. Mạnh ra giá 206 triệu đồng nhưng Lâm lợi dụng A Hoàng không biết tiếng Việt nên “hét” 212 triệu đồng. A Hoàng đồng ý ngay rồi mang gỗ sưa về Trung Quốc tiêu thụ. Ngoài ra, lái buôn này vui vẻ “bo” thêm cho Lâm 2 triệu đồng.

Ngày 9/6/2011, cơ quan định giá tài sản đưa ra kết luận: Giá trị của cây gỗ sưa bị đốn hạ tại thời điểm Tươi, Long, Hùng cưa trộm là 150 triệu đồng.

Cây sưa “báo thù”, các bị cáo nhận án phạt đích đáng

Phiên tòa hôm qua - 27/10 có sự tham dự đông đủ của người thân, bạn bè của các bị cáo. Chia sẻ với phóng viên, những người sinh thành ra Tươi, Long, Hùng đều cho biết trước sau họ vẫn không thể tin rằng những đứa con vốn ngoan ngoãn, hiền lành của họ lại có ngày phải hầu tòa về hành vi trộm cắp.

Trong mắt cha mẹ, Nguyễn Công Long là đứa chăm chỉ và “hiền như bột”. Long mới lấy vợ và có con nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Hàng ngày, hai vợ chồng Long đi chợ mua bán cá để nuôi gia đình nhỏ. Người cô ruột của Long cho biết: “Hôm hay tin Long bị bắt vì tội trộm cắp, cả nhà tôi cứ tưởng thiên hạ đùa mình. Thường ngày thằng Long lành lắm chứ không nghịch phá như thằng em nó. Do hoàn cảnh, cháu tôi (tức Long - PV) phải ở rể nhưng tính nó dễ chịu lắm nên mẹ vợ nó quý và coi nó như con ruột”.

Ngồi thu mình trong một góc phòng xử là ông Tứ - bố Đinh Văn Tươi. Trong suốt phiên tòa, người đàn ông vận bộ quần áo lao động cũ kỹ, chân đi ủng lấm lem bùn đất ấy chỉ chăm chú lắng nghe, gương mặt thất thần như thể biến cố mới xảy ra với ông chứ không phải đã nửa năm rồi. Hỏi ra mới hay, Tươi bị bệnh tim bẩm sinh, nhà lại không mấy khá giả nên đến năm 2007, bố mẹ Tươi mới dành dụm đủ tiền cho Tươi đi mổ tim. Thời gian gây ra vụ trộm, Tươi vẫn đang phải thuốc thang điều trị theo định kỳ sau mổ. Tươi đã có vợ, vậy mà lại vụng nghĩ để làm cái việc dại dột này khiến bố Tươi vô cùng thất vọng...

Còn Nguyễn Kim Hùng, trong thời gian gây ra vụ trộm thì hắn đang làm công nhân trong một gara ô tô. Hùng có vợ và một con nhỏ 2 tuổi. Dù không trực tiếp tham gia trộm cây sưa và cũng chỉ được chia một phần tiền rất nhỏ (2,9 triệu đồng) nhưng Hùng lại có hành vi thông đồng với Long và Tươi, tham gia cất giấu và tiêu thụ tài sản trộm cắp, do đó Hùng cũng bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”.

Theo phán quyết cuối cùng của HĐXX, Tươi và Long mỗi bị cáo lĩnh 4 năm 6 tháng tù giam, Hùng bị xử phạt 3 năm tù giam. Các bị cáo Duy Anh, Mạnh bị xử phạt 42 tháng tù giam. Riêng bị cáo Lâm chịu 3 năm tù nhưng được hưởng án treo.

Toàn bộ số tiền bất chính thu được từ phi vụ chặt trộm gỗ sưa của các bị cáo đã bị cơ quan công an thu hồi. Cây gỗ sưa quý hiếm ở bán đảo Linh Đàm đã chết, còn tàn tích của nó là hai khúc gỗ giờ cũng đã bị đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tựu trung lại, các bị cáo đã tàn phá tài nguyên quý hiếm của quê hương đất nước mình để rồi không nhận được lợi ích gì mà còn sa vào vòng lao lý và gây tiếng xấu để đời cho bản thân, gia đình...
Ngọc Điệp

Đọc thêm