"Cha cõng con", lối đi mới của điện ảnh Việt

Vừa hoàn thành một se-ri phim Hài trong dịp Tết như Vua kiệt thiệt thân, Vua hài xài nhạc chế, Con hư tại bố… đạo diễn Lương Đình Dũng, lại tiếp tục với dự án mới của mình. Qua câu chuyện trên con đường xây dựng một dòng phim mang thương hiệu riêng, Lương Đình Dũng còn ấp ủ một hướng đi mới...

Vừa hoàn thành một se-ri phim Hài trong dịp Tết như Vua kiệt thiệt thân, Vua hài xài nhạc chế, Con hư tại bố… đạo diễn Lương Đình Dũng, lại tiếp tục với dự án mới của mình. Qua câu chuyện trên con đường xây dựng một dòng phim mang thương hiệu riêng, Lương Đình Dũng còn ấp ủ một hướng đi mới...

Đạo diễn Lương ĐÌnh Dũng và cố nghệ nhân Hà Thị Cầu khi anh làm phim Xẩm đỏ
Đạo diễn Lương ĐÌnh Dũng và cố nghệ nhân Hà Thị Cầu khi anh làm phim Xẩm đỏ.

Câu chuyện cổ tích về tình phụ tử

Bộ phim có tên “Cha cõng con”, tên tiếng Anh Father and Son kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn của chính đạo diễn Lương Đình Dũng sẽ khiến nhiều người phải xúc động bởi cái đẹp giản dị và nhân văn như một câu truyện cổ tích.

Chuyện phim kể về một cậu bé luôn mơ ước được chạm vào những đám mây, một người cha cả đời quanh quẩn với lưới đánh cá bên bờ sông, chỉ biết kể cho con nghe những câu chuyện tưởng tượng về vùng đất tràn ngập ánh sáng nhưng ông chưa bao giờ được đặt chân đến.

Nói về kịch bản phim Lương Đình Dũng thổ lộ: “Khi còn nhỏ, trong một lần trên đường về quê, tôi tận mắt chứng kiến cảnh một người con cầm gậy đánh cha mình đến gục ngã. Hình ảnh đó đã ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm. Nó là một trong những lý do làm tôi theo đuổi câu chuyện. Bây giờ đọc báo, những vụ án đau lòng, cha mẹ bạc đãi con cái, con cái đánh đập thậm chí sát hại cha mẹ càng thôi thúc tôi làm một điều gì đó thật đẹp về tình cảm gia đình”.

Những khuôn hình, những ý tưởng đã trôi lặng lẽ trong đầu anh nhiều năm. Truyện ngắn “Cha cõng con” ra đời từ đó và được chuyển thể trong suốt 2 năm và hoàn thành kịch bản phim vào giữa năm 2012.

Nhân vật trong phim là cậu bé tên Cá. Cậu lớn lên hồn nhiên như những con tôm, con cá. Hàng ngày, cậu tưởng tượng về một nơi tràn ngập ánh sáng trong những câu chuyện kể của ông Mù. Cậu mơ ước một ngày lớn lên sẽ được đến nơi tràn ngập ánh sáng ấy.

Nhưng cậu bé Cá đã không còn thời gian để đợi, không thể đợi mình lớn lên, cũng không thể đợi bố bắt đủ 850.000 con cá để chữa bệnh cho mình. Và người cha đã cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể...

Câu chuyện đẹp dung dị sẽ khẽ khàng làm cho người xem bật khóc, một câu nói day dứt cũng chính là thông điệp trong suốt bộ phim “Người nào trao cho trẻ em ước mơ. Người đó mới có quyền gặt hạnh phúc”.

Chuyện phim không nhiều kịch tính, nhưng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, từng tình tiết phim, từng góc máy, từng cảnh quay sẽ là những điểm nhấn xúc động khiến người xem chỉ biết lặng lẽ xúc động cuốn theo câu chuyện.

Nhà biên kịch nổi tiếng người Mỹ Pilar Alessandra, từng là trưởng bộ phận phân tích kịch bản Hãng Dream Works, đã khóc vì xúc động khi đọc kịch bản Cha cõng con, để rồi cô đã nhận lời tư vấn, hiệu chỉnh kịch bản cho Lương Đình Dũng trong một thời gian dài. Đến nay kịch bản đã hoàn thiện một cách trọn vẹn.

“Cha cõng con” là một bộ phim nghệ thuật”, Đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng phải là một tác phẩm với mục tiêu tạo lợi nhuận khi ra rạp. Đây là một sự khác biệt với các dòng phim Việt hiện nay.

Đã có tổ chức đồng ý hỗ trợ anh giới thiệu phim tại Mỹ và Canada sau khi bộ phim hoàn thiện và anh đang trong quá trình gấp rút tìm kiếm nhà tài trợ.

Mơ ước cho một dòng phim độc lập

Với “Cha cõng con”, Đạo diễn Lương Đình Dũng chọn hướng đi trở thành một nhà làm phim độc lập. Ấp ủ hàng chục năm cho tác phẩm này, vậy nên mọi khâu chuẩn bị đều được thực hiện hết sức kỹ lưỡng.

Hiện tại, việc lựa chọn bối cảnh, ekip, diễn viên đã gần như hoàn chỉnh và anh đang tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án để có thể khởi quay vào tháng 8 năm 2013.

Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ và mong muốn Nhà nước có Quỹ để hỗ trợ phát triển dòng phim độc lập.

Giữa lúc “cơm cao gạo kém” như giai đoạn hiện nay, việc bỏ tiền ra làm phim là cả một vấn đề lớn. Giống như Đạo diễn, nhà làm phim độc lập Phan Đăng Di từng nói: Với một nhà làm phim độc lập, việc có nguồn tài trợ và đầu tư quốc tế là yếu tố sống còn để hoàn thành một bộ phim. Còn Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thì cho rằng: Tìm tài trợ cho phim là con đường duy nhất cho những nhà làm phim độc lập.

“Tôi chỉ mong điện ảnh Việt Nam có quỹ để hỗ trợ phát triển dòng phim độc lập. Việt Nam cần nhiều hơn nữa những nhà tài trợ cho nghệ thuật. Điều đó sẽ khuyến khích các nhà làm phim độc lập sáng tạo và cống hiến những tác phẩm điện ảnh cho điện ảnh Việt Nam”, Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

Còn hiện tại anh cũng như nhiều nhà sản xuất phim độc lập khác chỉ có cách bỏ tiền túi và kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ mới có cơ hội thực hiện các dự án của mình.

Ngọc Linh

Đọc thêm