Dân tự cứu dân là nhận định thành thực của Chủ tịch Đà Nẵng nói về cuộc cứu hộ tàu du lịch bị chìm trên sông Hàn vừa qua, ông thừa nhận rằng do các cơ quan chức năng đến chậm nên người dân đã chủ động cứu nạn kịp thời.
Thêm một minh chứng cho lời Chủ tịch Đà Nẵng, một vụ cháy lớn mới xảy ra tại ngôi nhà để hàng hóa của một tiểu thương ở Đại Lộc, Quảng Nam trong đêm. Khoảng 500 người dân đã tích cực chữa cháy song do không có phương tiện nên 3 ngôi nhà bị thiêu rụi, thiệt hại ước tính vài tỷ đồng. Lực lượng cứu hỏa tới muộn vì địa điểm xảy ra cháy cách hàng chục cây số.
Tại Hà Nội, một căn hộ trong chung cư bị cháy, lực lượng cứu hỏa tới và cứu được 2 vợ chồng và đứa con nhỏ ngoài ban công. Báo chí phản ánh lực lượng cứu hỏa đến kịp thời, phá hai lần cửa, trang bị mặt nạ phòng độc xông vào cứu người, dập lửa. Nhưng một cư dân tham gia vào việc chữa cháy này cho biết chính anh và hàng xóm đã phá cửa và làm gì có mặt nạ phòng độc, chính lính cứu hỏa đã phải mượn cái áo nhúng nước của anh và sau đó vứt lại hiện trường. Anh đề nghị báo chí cải chính việc này và viết lại cho chính xác.
Phản ứng chậm của các cơ quan cứu nạn thể hiện một cách ứng xử, một thái độ trách nhiệm với tính mạng và tài sản của người dân nhưng không thể “bắt lỗi” các cơ quan chức năng trong chuyện này. Ngược lại, có khi “dân tự cứu dân” nhưng công lại thuộc về các cơ quan chức năng. Hoặc, tai nạn xảy ra nhưng cơ quan quản lý, thực hiện chức năng chẳng hề có lỗi.
Trở lại vụ chìm tàu trên sông Hàn làm 3 người thiệt mạng thì Bí thư thành ủy nhận lỗi quản lý của mình trong khi Giám đốc Sở Giao thông phủi trách nhiệm. Tương tự như vụ cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long vào tháng 5 vừa qua khiến du khách nháo nhào nhảy xuống biển thì lỗi do chủ tàu mà thôi, cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm.
Phổ biến hơn là các trường hợp tai nạn giao thông thảm khốc thì trách nhiệm hoặc tội là do tài xế, chủ phương tiện chứ cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, kiểm định xe cộ, duy tu mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông và lớn hơn là những người có trách nhiệm, địa vị cao trong ngành giao thông... đều không có lỗi gì!. Chả thấy ai xin lỗi hoặc từ chức khi xảy ra những sự cố nghiêm trọng trong lĩnh vực mình phụ trách.
Tâm thế của các nhà quản lý theo chức năng của mình là luôn cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm, tai nạn xảy ra là “ngoài ý muốn” và đổ hết tội cho người dân. Vì vậy, đến khi sự cố đau thương xảy ra thì “dân tự cứu dân là chính” trở thành một lẽ đương nhiên!