Mô hình này thực chất là mối quan hệ đặc biệt giữa chính phủ và các công ty tư nhân nhằm tạo ra một môi trường chính phủ can thiệp tích cực vào hoạt động của các công ty. Sự can thiệp và hỗ trợ của Seoul trong mô hình này là động lực hình thành các Chaebol, đồng thời đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế phát triển nhất nhì châu Á.
Hàn Quốc có khá nhiều Chaebol, song quyền lực và giàu có nhất vẫn là "bộ tam" Hyundai, LG và Samsung, cùng những tên tuổi có tiếng khác như Hanjin, Kumho, Lotte and SK Group. Theo sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, bốn đại gia Chaebol là Hyundai, LG, Samsung và SK Group thậm chí đóng góp đến 50% giá trị thị trường cổ phiếu của “xứ Kim chi”.
Tuy nhiên, đằng sau mỗi câu chuyện thành công luôn là những góc khuất và cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra hồi đầu năm 2017 là minh chứng rõ nét nhất cho thấy Chaebol là một mô hình phát triển dù “lắm tài”, nhưng cũng rất “nhiều tật”.
“Cây đũa thần” hậu chiến tranh
Chaebol có nghĩa là tài phiệt. Cội nguồn sự phát triển của Chaebol, chúng ta phải kể đến sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên hồi năm 1950-1953 khi Hàn Quốc nhanh chóng xóa bỏ hậu quả chiến tranh, từ một nước nông nghiệp trở thành một quốc gia công nghiệp vào những thập niên 1970.
“Chiếc đũa thần” kinh tế này chính là vai trò then chốt của những tập đoàn công - kỹ nghệ như Hyundai, Samsung với việc tạo ra hàng triệu việc làm. Để vực dậy nền kinh tế vốn dựa vào nông nghiệp, những năm 1960 và 1970 của thế kỷ trước, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ để biến một số công ty lớn do gia đình quản lý thành các tập đoàn kinh tế khổng lồ.
Vai trò của các tập đoàn Chaebol trong phép lạ kinh tế đó là thực tế khó phủ nhận. Ví dụ như trên thị trường cổ phiếu, các Chaebol chiếm đến 77% giá trị tài sản. Những tập đoàn này phát triển công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, tiêu biểu là Samsung, Hyundai, Daewoo...
Nhờ những lợi thế sẵn có và các chính sách ưu đãi của chính phủ, các Chaebol đã phát triển rất nhanh, là biểu tượng của ngành nghề mà họ hoạt động cũng như chiếm lĩnh thị trường trong nước, áp đặt sự thống trị lên nền kinh tế và thậm chí có thể kiểm soát được cả khu vực tài chính.
Chỉ tính riêng tập đoàn Samsung đã có thể đem lại 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho nền kinh tế Hàn Quốc, bao trùm nhiều lĩnh vực từ TV, điện thoại thông minh, chip điện tử cho đến thời trang và khách sạn sang trọng.
|
Những tập đoàn công - kỹ nghệ như Samsung đã tạo ra hàng triệu việc làm |
Lợi bất cập hại từ sự độc quyền vô lý…
Tuy nhiên, có lẽ chính bởi sự “lớn nhanh như thổi” này mà không phải lúc nào các Chaebol cũng nhận được sự kính trọng từ người dân. Những vụ bê bối trốn thuế và nghi vấn tham nhũng đã khiến Chaebol thường xuyên trở thành mục tiêu cho nhóm thù địch.
Một số nhà kinh tế lập luận rằng sự tồn tại và chi phối của Chaebol đã “hút” những khoản tiền đáng lẽ thuộc về người dân vào tay các gia đình giàu có và quyền lực, từ đó tạo ra sự oán hận kéo dài đến ngày nay.
Cùng với đó, sự tiếp tay của chính phủ trong các chính sách về lao động đã cho phép những “gã khổng lồ” này tận dụng lợi thế độc quyền để mở rộng đế chế kinh doanh sang những khu vực mới, mà không phải chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ tiềm năng ở nước ngoài. Thậm chí, một bộ phận người dân Hàn Quốc còn tin rằng sự giàu có và thành công của Chaebol được đánh đổi bằng lợi ích của người dân đất nước này.
Không thể phủ nhận những đóng góp mang tính quyết định của các Chaebol đối với nền kinh tế Hàn Quốc, tuy nhiên vấn đề "gai góc" chính cũng đến từ việc các tập đoàn này có ảnh hưởng mạnh và làm "lũng đoạn" giới cầm quyền bằng cách sử dụng sức mạnh tiền bạc và quan hệ chính trị để chi phối mọi chính sách kinh tế trong suốt thời gian qua.
… cho đến những vụ bê bối tài chính
Nhận thức rõ được điều này, trong giai đoạn từ năm 1998-2003, chính quyền Hàn Quốc đã cố gắng làm trong sạch chế độ và chấm dứt tình trạng móc ngoặc giữa các đại tập đoàn và chính giới. Trong số các Chaebol, Hyundai và Daewoo cùng với 14 tập đoàn khác đã chấp nhận đổi chủ. Tuy nhiên, nhiều gia đình thừa kế vẫn tiếp tục chi phối ban quản trị qua một hệ thống "chân rết" tinh vi.
Hậu quả là kể từ đầu năm đến nay, chính trường Hàn Quốc đã chao đảo với vụ tai tiếng gây chấn động bộ máy Nhà nước Hàn Quốc, mà hệ quả là nữ Tổng thống Park Geun-hye bị truất phế và tống giam khi ở 2/3 nhiệm kỳ. Liên đới trực tiếp trong sự kiện này chính là việc người thừa kế của tập đoàn Samsung Lee Jae Yong bị kết án tù 5 năm vì các tội hối lộ, biển thủ và một số tội khác dẫn đến việc phế truất cựu Tổng thống Park Geun-hye.
Các công tố viên cho biết Phó Chủ tịch Lee Jae-yong đã cấu kết với các quan chức khác trong tập đoàn, trong đó có người đứng đầu văn phòng chiến lược của Samsung Choi Gee-sung để hối lộ bà Park và bạn thân là bà Choi Soon-sil đổi lấy việc nhận được sự ủng hộ đối với việc kế nhiệm của ông này cũng như việc sáp nhập trên.
Bản án đối với ông Lee được coi là một cú đánh giáng mạnh vào hình ảnh của tập đoàn kinh tế số một Hàn Quốc Samsung, đồng thời đặt dấu hỏi về vai trò quá lớn của các tổ hợp Chaebol đã từng tạo ra phép lạ kinh tế Hàn Quốc.
|
Người thừa kế của tập đoàn Samsung Lee Jae Yong bị kết án tù 5 năm vì các tội hối lộ, biển thủ |
Mối liên hệ quá chặt chẽ giữa các Chaebol và chính phủ là căn bệnh trầm kha cần phải được giải quyết của nền kinh tế Hàn Quốc. Đây là lý do mà tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi vừa lên cầm quyền đã đưa ra một chiến lược ba hướng có tên là “J-nomics”, trong đó hướng đi thứ ba chú trọng vào cuộc cải tổ hệ thống Chaebol, với mục tiêu hạn chế ảnh hưởng của các tập đoàn gia đình trị đang thao túng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Để đạt được mục đích này, Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ phân định rạch ròi kinh tế và chính trị, cụ thể là loại bỏ “kim bài miễn tử” vốn dành cho giới lãnh đạo những tập đoàn lớn. Hơn thế nữa, ông cũng lên kế hoạch đề ra hệ thống bỏ phiếu bầu chọn ban lãnh đạo tại các tập đoàn này để trao cơ hội cho các cổ đông nhỏ và từng bước xóa bỏ cái gọi là lề thói “cha truyền con nối” vốn tồn tại bấy lâu nay.../.