Chấm dứt tình trạng lãnh đạo “trắng” lịch tiếp công dân

(PLO) - “Tiếp công dân là trách nhiệm thường xuyên của các cơ quan, tổ chức; trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu” là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Tiếp công dân được Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong buổi thảo luận chiều qua (28/10).
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.
Đừng để người dân “mòn mỏi chờ được lãnh đạo tiếp”
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phản ánh, thực tế cho thấy nếu cán bộ lãnh đạo quan tâm nhiều đến công tác tiếp công dân sẽ giải quyết kịp thời những bức xúc của công dân.
Nhưng từ thực trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp hiện nay thì một trong những nguyên nhân là do thiếu sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc tiếp công dân, có trường hợp lãnh đạo “trắng” lịch tiếp công dân” dù luật qui định 2 ngày/tháng, có cán bộ tiếp công dân “nghe điện thoại, hút thuốc, có thái độ thờ ơ khi công dân đang trình bày vụ việc”... đều khiến cho công dân thêm bức xúc. Vì thế, cần có qui định xử lý trường hợp người đứng đầu khi không thực hiện việc tiếp công dân, chứ không chỉ qui định trách nhiệm tiếp công dân của họ.
ĐB Thúy cho rằng, Dự thảo Luật phải qui định “thông báo ngày tiếp công dân thay thế nếu không thực hiện được lịch tiếp công dân đã qui định mới đảm bảo quyền được người đứng đầu tiếp của công dân, không còn tình trạng “người dân mòn mỏi chờ được người đứng đầu tiếp, còn người đứng đầu thì không bố trí được lịch mà không thông báo lại”.
Tránh được khiếu nại, tố cáo đông người
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, về nguyên tắc, người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sẽ được tiếp để giải quyết theo từng vụ việc cụ thể. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì có điểm đặc thù hơn do cùng tính chất, nội dung vụ việc. Vì vậy, Dự thảo Luật đã có quy định riêng đối với trường hợp này.
Đối với các trường hợp tụ tập đông người khác, Luật đã quy định trách nhiệm của người phụ trách Ban tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan như Công an, chính quyền địa phương để bảo đảm an ninh, trật tự tại nơi tiếp công dân theo quy định chung của pháp luật. 
Cũng theo một số ĐBQH, cần có sự thống nhất hơn về qui trình giải quyết yêu cầu của công dân trong quá trình tiếp công dân, không để tình trạng “dân gửi đơn đến cơ quan địa phương thì chuyển lên Trung ương, gửi đơn đến cơ quan Trung ương thì lại yêu cầu địa phương giải quyết” dẫn đến “dồn nén bức xúc mà thành khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp”. 
ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) thấy vẫn thiếu một số qui định quan trọng để công tác tiếp công dân hiệu quả hơn nên đề nghị bổ sung qui định “cấm người có trách nhiệm tiếp công dân đùn đẩy trách nhiệm tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân xúi giục người dân cung cấp giấy tờ, thông tin không đúng sự thật” làm cho công tác tiếp công dân thêm phức tạp, mất lòng tin của người dân. 
Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam:
Tránh tình trạng người nước ngoài thường trú là gánh nặng cho xã hội
Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trình bày tại Quốc hội chiều qua (28/10) khẳng định, quy định người được cấp Thẻ thường trú định kỳ 10 năm phải đổi thẻ một lần tại cơ quan cấp thẻ (Pháp lệnh năm 2000 quy định 3 năm) trong Dự thảo nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính; khắc phục được sơ hở mà người nước ngoài lợi dụng việc miễn thị thực để cư trú dài hạn tại Việt Nam khi hết hạn cư trú để lao động, kinh doanh; đồng thời qui định điều kiện người nước ngoài được xem xét cho thường trú phải có chỗ ở hợp pháp, thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam, tránh tình trạng người nước ngoài thường trú là gánh nặng cho xã hội, trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, đông dân… 

Đọc thêm