[links()]Việt Nam hiện được xếp vào những quốc gia có tốc độ già hóa dân số vào loại nhanh trong khu vực và thế giới. Đây thực sự là một thách thức vô cùng lớn đối với chúng ta, trong điều kiện nguồn lực, chính sách cho người cao tuổi (NCT) còn chưa theo kịp.
|
Vì sao già hóa nhanh?
Theo TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Tổng cục Thống kê dự báo phải đến năm 2017 Việt Nam mới bước vào giai đoạn già hóa dân số, tức là tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 7%). Nhưng không ngờ chỉ sau đó 2 năm, vào năm 2011 tỷ lệ NCT ở Việt Nam trên 65 tuổi đã đạt 7%; tỷ lệ NCT từ 60 tuổi trở lên đã đạt 10%. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, hay nói cách khác dân số Việt Nam đang già.
Lý do của việc dân số nước ta già nhanh như thế, theo TS Trọng lý giải là do số lượng, tỷ lệ trẻ em ngày càng giảm xuống, trong khi đó số lượng NCT Việt Nam lại tăng lên một cách nhanh chóng, tuổi thọ ngày càng tăng cao. Trong 50 năm qua, tuổi thọ người Việt Nam tăng 33 tuổi, từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73 tuổi (năm 2010). Trong khi thế giới chỉ tăng 21 tuổi (giai đoạn 1906-2010, tương ứng 47 – 68 tuổi). Nhóm dân số từ 15-64 tuổi hiện đang trong độ tuổi lao động, trong 5-10 năm tới sẽ “đẩy lên” thành NCT, do đó lực lượng này sẽ chiếm một tỷ trọng lớn hơn rất nhiều.
“Tăng tốc” chính sách
Tốc độ dân số già quá nhanh đã và đang đẩy chúng ta vào tình thế vô cùng khó khăn. Thực tế, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho hay, hiện tại có tới gần 70% NCT sống ở nông thôn; số NCT có lương hưu chỉ chiếm khoảng 1/4, đa số sống với con cháu, phụ thuộc vào con cháu nên cuộc sống của họ rất khó khăn. Ngoài ra, không ít NCT sống đơn thân, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Ở góc độ chính sách, pháp luật, Quốc hội đã ban hành Luật NCT, Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động đối với NCT, nhiều Bộ, ngành với chức năng của mình đã ban hành các chính sách bảo vệ quyền lợi của NCT…
Tuy nhiên, theo ông Tân, nhận thức và hành vi của người dân và các Bộ, ngành về vấn đề liên quan đến NCT còn rất hạn chế (mới dừng lại ở mức chăm sóc sức khỏe NCT); quan niệm thiên lệch cho rằng NCT là gánh nặng của xã hội; hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT; nghiên cứu về vấn đề già hóa chưa nhiều, lẻ tẻ; vấn đề NCT chưa được lồng ghép vào việc hoạch định, xây dựng chính sách ở Việt Nam.
Để giải quyết được vấn đề già hóa dân số là một việc làm không đơn giản. Nếu như nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đã và đang giải quyết vấn đề này thì Việt Nam mới chỉ bắt đầu triển khai. Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Văn Tân, trước mắt chúng ta phải kìm hãm quá trình già hóa dân số bằng cách duy trì mức sinh đạt được hiện nay xung quanh mức sinh thay thế (mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con); đồng thời tìm mọi cách để thích ứng với sự già hóa dân số bằng hệ thống chính sách để phát huy vai trò của NCT, tạo việc làm phù hợp cho NCT, đặc biệt phát huy vai trò của NCT trong việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy…
Muốn vậy, phải đẩy mạnh giáo dục truyền thống, giáo dục nhận thức về vấn đề chăm sóc NCT, khuyến khích phát triển mô hình ông bà chăm sóc con cháu, đảm bảo an sinh xã hội NCT; mở rộng trợ cấp cho NCT; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe NCT; chủ động xây dựng mô hình thân thiện với NCT (thực tế hiện nay từ việc xây dựng các khu chung cư đến chỗ đi bộ sang đường chúng ta vẫn chưa tính đến đối tượng NCT); đẩy mạnh nghiên cứu để có một cơ sở dữ liệu bài bản và cụ thể về NCT…
Đoan Trang