Chăm sóc sức khỏe trẻ em trong trường học: Không thể xem nhẹ!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Là thành tố quan trọng trong việc ảnh hưởng, tác động đến sức khỏe nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng của học sinh, trường học và y tế học đường đóng vai trò cốt yếu trong vấn đề bảo đảm sức khỏe, sự phát triển tâm trí, cảm xúc của học sinh....
Rất nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần. (Ảnh minh họa. Nguồn UNICEF).
Rất nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần. (Ảnh minh họa. Nguồn UNICEF).

Y tế học đường phải là vị trí việc làm chuyên môn...

Chính vì thế, tháng 12/2023, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.

Công văn của Bộ GD-ĐT nêu rõ triển khai thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT đã ban hành các Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT). Trong đó, các vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, hỗ trợ phục vụ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ. Tại Phụ lục V, Thông tư số 12 của Bộ Nội vụ, quy định y tế học đường thuộc Danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ và được thực hiện theo chế độ Hợp đồng lao động.

Được biết, Thông tư số 19, Thông tư số 20 của Bộ GD-ĐT đã quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học đã được tuyển dụng trước ngày 15/2/2023. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế trường học được tuyển sau ngày 15/2/2023 phải thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động. Điều này gây khó khăn, tâm lý không ổn định cho đội ngũ này trong trường học. Sau khi ban hành các Thông tư, Bộ GD-ĐT nhận được nhiều ý kiến của các tỉnh, thành phố về vấn đề này.

Theo Bộ GD-ĐT, nhiệm vụ y tế trường học là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Nhân viên y tế học đường cũng đảm nhiệm nhiều công việc liên quan khác như thu và lập hồ sơ BHYT học sinh, công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý và hỗ trợ học sinh có những biểu hiện bất thường về tâm lý, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ để phối hợp cùng gia đình và các cơ sở y tế can thiệp kịp thời… Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục để bảo đảm chế độ, chính sách và chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ, học sinh trường học.

Trước đó, trước vấn đề cấp thiết của công tác tư vấn học đường, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến THPT được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế thì ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm. Trong bối cảnh các vấn đề tâm lý học sinh ngày càng phức tạp, tác động xã hội đến môi trường học ngày càng lớn, hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra trên cả nước gây bức xúc trong dư luận, vấn đề cần có nhân viên tư vấn học sinh càng được đặt ra bức thiết hơn.

Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT chính thức đưa nhân viên tư vấn học sinh vào danh sách vị trí việc làm được kỳ vọng sẽ giúp các em có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong trường học. Đây cũng là lần đầu tiên các trường công lập của Việt Nam có nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh. Văn bản này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh gia tăng thách thức về sức khỏe tâm thần ở trẻ em, thanh thiếu niên cũng như tăng cường ưu tiên phòng, chống xâm hại và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 03/2023/TT-BYT xác định vị trí việc làm của nhân viên công tác xã hội và tỷ lệ nhân viên công tác xã hội so với cán bộ chuyên môn khác trong các cơ sở y tế, nhằm giúp đỡ bệnh nhân trong đó có trẻ em.

Đánh giá về động thái này, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, Thông tư thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ GD-ĐT Việt Nam trong việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội cho học sinh. Đây là văn bản quan trọng lần đầu tiên quy định tất cả các trường tiểu học và THCS phải có vị trí tư vấn học sinh, là một vị trí nhân viên toàn thời gian nhằm cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ. Nhân viên tư vấn học đường cũng sẽ đóng vai trò là đầu mối cho các dịch vụ công tác xã hội và bảo vệ trẻ em trong trường học.

Có thể nói, trong ngành Giáo dục và Y tế, tư vấn tâm lý là rất cần thiết để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời cải thiện kết quả học tập của các em. Do đó, Thông tư 20/2023 TT-BGDĐT và Thông tư 03/2023/TT-BYT sẽ là tiền đề để Bộ Nội vụ ban hành thêm một chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em ở trường học. Cụ thể là điều chỉnh vị trí y tế học đường từ danh mục “hỗ trợ, phục vụ” sang danh mục vị trí việc làm “chuyên môn dùng chung” để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này.

Thì mới hóa giải được thực tế lo ngại

Cũng trong tháng 12/2023, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam đã nêu bật một thực tế đáng lo ngại: rất nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần; ngoài ra, các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, sự hỗ trợ cần thiết và các dịch vụ quan trọng liên quan đến phúc lợi tổng thể của mình. Nghiên cứu còn cho thấy, 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Kết quả Nghiên cứu cũng chỉ ra, nhiều phụ huynh gây áp lực buộc con em mình phải thành công và có những tiêu chuẩn cao khiến các em phải “học 24/24”. Một học sinh kể: “Cha mẹ không ép buộc em, nhưng họ đặt kỳ vọng cao vào em, vì vậy, khi bị điểm thấp em cảm thấy buồn vì mình đã làm họ thất vọng. Những điều đó khiến em luôn căng thẳng”.

Một em khác nói: “Em cũng thường bị căng thẳng vì điểm số do bố mẹ muốn em được điểm cao và đạt được danh hiệu Học sinh xuất sắc”. Có em cho biết: “Em không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, vì hiện tại em yếu môn Toán nên sau khi học ở trường xong bố em luôn bắt em luyện Toán”.

Một nhóm học sinh ở Điện Biên chia sẻ, các em luôn cảm thấy áp lực từ phía gia đình về kế hoạch tương lai của mình: “Em mơ ước làm được một điều gì đó và rồi cố gắng, nhưng em nhận thấy cha mẹ không quan tâm đến ước mơ của mình. Cha mẹ dẫn dắt bọn em làm những gì họ muốn để sau này được nhận vào làm việc ở những nơi mà họ quen biết, nhưng chúng em lại không thích điều này”...

Một số giáo viên, cán bộ các Sở GD-ĐT cũng bày tỏ lo lắng rằng các bậc cha mẹ thường ưu tiên công việc hoặc kinh doanh hơn là dành thời gian cho con: “Cha mẹ không có thời gian nên sẽ đưa cho chúng điện thoại, đó là nguyên nhân sâu xa khiến sức khỏe tâm thần của các cháu bị ảnh hưởng. Cần có sự đào tạo cho phụ huynh về nhu cầu sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của con cái”....

Các chuyên gia UNICEF cũng chỉ ra, sức khỏe tâm thần có vấn đề sẽ gây ra đau khổ cho trẻ em và thanh niên. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong (tự tử), bệnh tật và tàn tật. Vì vậy, cần nhận biết những áp lực, dần dần dẫn đến căng thẳng, stress của trẻ để giúp trẻ nhận diện, đối mặt và vượt qua và khi đó vai trò của y tế học đường nói chung và tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng. Do đó, vị trí việc làm của những người làm công tác này trong trường học rất cần được quan tâm đúng mức.

Bởi lẽ, một khi đã yên tâm với công việc, với chế độ đãi ngộ, các nhân sự trong lĩnh vực này sẽ chuyên tâm với công việc để phát hiện và hỗ trợ kịp thời các em có nhu cầu, đồng thời họ cũng triển khai các chương trình phòng ngừa, xây dựng mạng lưới hỗ trợ, kết nối các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt nhất cho trẻ... thay vì thực tế hiện nay như phát biểu của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH: “Nhiều trường hiện nay thiếu chuyên gia tư vấn, tham vấn tâm lý chuyên nghiệp thì sao có thể giúp đỡ được học sinh. Một giáo viên vừa kiêm nghiệm công tác giảng dạy, quản lý học sinh lại thêm tư vấn tâm lý thì chắc chắn không thể hiệu quả”.

Đọc thêm