Thêm chậm trễ, thêm bệnh tật, thêm người chết trẻ
Việt Nam hiện có khoảng 15,3 triệu người hút thuốc lá, xếp hạng thứ 15 về mức độ tiêu thụ thuốc lá theo thống kê từ Bộ Y tế. Mỗi năm, có khoảng 104.300 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó khoảng 84.500 người chết vì hút thuốc chủ động, và 18.800 người chết vì hít khói thuốc thụ động những người không hút nhưng vẫn bị ảnh hưởng.
Những người ra đi vì thuốc lá phần lớn khi đang là trụ cột gia đình, đang nuôi con ăn học, đang cống hiến cho xã hội. Cái chết đến không ồn ào, không rùm beng như tai nạn giao thông, nhưng xét về số lượng, thuốc lá cướp đi sinh mạng nhiều hơn gấp nhiều lần.
Trong khi đó, giá một bao thuốc lá nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam khoảng 0,9 USD, đứng thứ 15, gần thấp nhất trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Với mức giá bán lẻ này, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp, trẻ em và trẻ vị thành niên. Điều này khiến cho các đối tượng khó có động lực để bỏ.
Tăng thuế sẽ làm tăng giá, và khi giá tăng, theo logic kinh tế cầu sẽ giảm. Đặc biệt, người trẻ và người có thu nhập thấp là hai nhóm nhạy cảm nhất với giá tức là dễ từ bỏ nhất nếu thuốc lá đắt lên. Nhưng nếu không tăng thuế, thì thị trường vẫn duy trì mức giá “dễ chịu” cho thuốc lá và số người hút mới vẫn cứ tăng, vòng xoáy bệnh tật vẫn tiếp diễn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng tính toán rằng nếu mỗi quốc gia tăng 10% thuế thuốc lá, mức tiêu dùng sẽ giảm trung bình 4% ở các nước thu nhập cao và 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Với Việt Nam, con số đó có thể lên đến 8%. Nếu tăng chậm hoặc không tăng, chúng ta có thể đang bỏ qua một cơ hội giảm bệnh tật với chi phí cực kỳ thấp.
Hệ lụy kinh tế kéo dài
Không tăng thuế thuốc lá không chỉ là bỏ lỡ cơ hội giảm hút thuốc. Đó còn là chấp nhận tiếp tục “rỉ máu” ngân sách và mất mát về nguồn lực phát triển.
Báo cáo mới nhất của WHO (2024) cho biết, tổng thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá gây ra bao gồm chi phí y tế, chi phí mất năng suất lao động, tử vong sớm vào khoảng 108.700 tỉ đồng, tương đương 1,14% GDP (số liệu năm 2022). Trong khi đó, tổng thu ngân sách từ thuế thuốc lá chỉ khoảng 22.000 tỉ đồng. Nghĩa là: thu không đủ chi, và xã hội đang gánh thay hậu quả cho một hành vi có thể điều chỉnh được bằng chính sách.
Về lâu dài, nếu không tăng thuế và không có biện pháp quyết liệt, chúng ta sẽ phải chứng kiến một loạt hệ lụy: Tăng chi phí y tế công như điều trị các bệnh mãn tính liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch…); Giảm chất lượng dân số vì bệnh tật do thuốc lá thường âm ỉ, kéo dài, khiến người bệnh suy giảm năng suất và sức lao động; Thiếu hụt nguồn lực cho phát triển bởi tiền chi cho thuốc lá (khoảng 49.000 tỉ đồng mỗi năm) lẽ ra có thể dùng để cải thiện đời sống gia đình, giáo dục, dinh dưỡng hoặc tái đầu tư cho kinh tế địa phương.
Đặc biệt, nếu không tăng thuế để kiểm soát thuốc lá sớm, nhóm dễ bị tổn thương nhất chính là trẻ em và người nghèo. Trẻ lớn lên trong gia đình có người hút thuốc không chỉ bị ảnh hưởng về sức khỏe mà còn có nguy cơ cao hơn đó là trở thành người hút thuốc trong tương lai. Người nghèo do thu nhập thấp thường phải dành một phần không nhỏ để mua thuốc lá, trong khi lại có ít khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế nếu chẳng may mắc bệnh.
Tăng thuế không phải là biện pháp duy nhất, nhưng chắc chắn là biện pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất và dễ triển khai nhất trong số các chính sách kiểm soát thuốc lá. Điều này đã được chứng minh tại nhiều quốc gia từ Philippines, Pháp đến New Zealand. Ở đó, tăng thuế đi kèm với lộ trình rõ ràng, chống buôn lậu hiệu quả, và nguồn thu tăng lên được tái đầu tư cho các chương trình y tế cộng đồng.
Việt Nam đang có cơ hội lớn khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó đề xuất tăng thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối. Cụ thể, có 2 phương án được đưa ra:
Theo phương án 1, giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung thuế tuyệt đối. Cụ thể, từ năm 2026, mỗi bao thuốc lá sẽ chịu thêm 2.000 đồng thuế tuyệt đối. Từ năm 2027 đến 2030, mức thuế này sẽ tăng thêm 2.000 đồng mỗi năm, đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Còn với phương án 2, cũng giữ nguyên thuế suất 75%, nhưng ngay từ năm 2026 sẽ áp dụng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau sẽ tăng thêm 1.000 đồng/bao, đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/bao.
Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2 vì cho rằng việc tăng thuế tuyệt đối ngay từ năm 2026 sẽ tạo sự chuyển biến rõ rệt trong giảm tiêu thụ thuốc lá.
Phân tích kỹ hơn, Bộ Tài chính cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trên các sản phẩm thuốc lá sẽ làm tăng giá bán, từ đó khuyến khích người tiêu dùng cân nhắc lại thói quen sử dụng các sản phẩm này. Bộ Tài chính khẳng định, khi giá thành của thuốc lá tăng lên, số lượng người tiêu dùng, đặc biệt là những đối tượng có thu nhập thấp và giới trẻ, sẽ giảm dần, góp phần làm suy giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm có hại này. Đồng thời, nguồn thu bổ sung từ việc tăng thuế sẽ được sử dụng để tài trợ cho các chiến dịch giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá cũng như các chương trình phòng, chống bệnh tật.
Nếu chính sách này không được thông qua sớm, hoặc bị trì hoãn vì lo ngại chưa đầy đủ, chúng ta sẽ tiếp tục đánh mất thời gian và cũng có nghĩa là tiếp tục đánh mất sức khỏe và sinh mạng người dân.
Không thể có “thời điểm hoàn hảo” để tăng thuế. Nhưng mọi sự trì hoãn đều đi kèm một cái giá. Và trong trường hợp này, cái giá đó là thêm nhiều người bệnh, thêm nhiều người chết sớm, thêm nhiều tốn kém cho ngân sách nhà nước mà lẽ ra, chỉ cần tăng vài ngàn đồng mỗi bao thuốc cũng có thể tăng khả năng phòng tránh bệnh tật một cách tốt hơn.