Chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội: Cần phân biệt rõ hành vi, số tiền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, các cơ quan chuyên môn cần làm rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng, cố tình trốn đóng, cũng như trách nhiệm pháp nhân, chế tài mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Ảnh PV.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Ảnh PV.

Thưa bà, tại đợt làm việc thứ nhất của Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi (dự thảo Luật) đã được trình Quốc hội (QH). Bà có cho rằng những đề xuất tại dự thảo Luật sẽ tạo thêm cơ hội được tham gia BHXH cho nhiều người?

- Dự thảo Luật lần này đã bổ sung các nội dung lớn như bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; vấn đề hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH…

Trong đó, cử tri rất quan tâm tới nội dung ở lần sửa đổi Luật này là giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu. Theo tôi, điều này phù hợp với chủ trương của Đảng đã nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW là “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Đặc biệt, tại Điều 64 dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động (NLĐ) khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Theo tôi, quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục…, đồng thời cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu...

Tuy nhiên, với cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp NLĐ nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp. Đây là điều mà nhiều đại biểu và cử tri còn băn khoăn. Vì vậy, tôi kiến nghị xem xét thiết kế mức đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập của NLĐ và cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Dù các ngành đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tỉ lệ nợ BHXH tại các doanh nghiệp vẫn còn rất cao. Thông qua giám sát cũng như quá trình lấy ý kiến về dự thảo Luật, chúng ta cần thực hiện quyết liệt vấn đề này ra sao, thưa bà?

- Theo tôi, trước hết cần tăng cường sự quản lý Nhà nước về BHXH của UBND các cấp, đồng thời phát huy hết trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan BHXH trong quản lý đóng BHXH, thu hồi nợ. Cần chuẩn hóa, số hóa dữ liệu này một cách đồng bộ, liên thông với quản lý doanh nghiệp, lao động, thuế… Căn cứ vào cơ sở dữ liệu đã có để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình lao động, phân loại nợ theo tuổi nợ, đối tượng nợ để trên cơ sở đó quản lý, thu hồi nợ. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện bằng nhiều cách như qua văn bản, email, kể cả công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, công khai qua kênh trực tuyến đến từng NLĐ.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả trong việc giảm nợ BHXH và BHYT, cần có sự tăng cường chỉ đạo, trao đổi thông tin liên ngành để có thể xác định được những doanh nghiệp có khả năng chi trả, từ đó tập trung ưu tiên kiểm tra, nhất là những doanh nghiệp có số nợ lớn; cần có quy chế và biện pháp phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế, Công an, UBND địa phương trong quản lý, thu hồi nợ, công khai đến NLĐ và các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp nợ BHXH.

Tôi cho rằng, giải pháp căn cơ nhất chính là hoàn thiện pháp luật cho đồng bộ để xử lý được hành vi chậm, trốn đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Hiện nay, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội danh chậm, trốn đóng BHXH nhưng vì các dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội chưa đủ, khó làm rõ thế nào là trốn đóng. Đây cũng là “điểm nghẽn” khiến chưa vụ nào bị xử lý hình sự dù cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố 328 vụ từ năm 2018 đến 2022.

Tôi cho rằng, khi sửa đổi Luật BHXH, các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thế nào là hành vi chậm đóng, trốn đóng, cố tình trốn đóng, cũng như trách nhiệm pháp nhân, chế tài mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Cử tri Bình Dương kiến nghị pháp luật cần phân biệt rõ hành vi, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp chỉ dựa trên số tiền mà doanh nghiệp phải đóng cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Riêng số tiền của lao động mà doanh nghiệp thu hộ nhưng không đóng phải cho đó là hành vi chiếm dụng BHXH của NLĐ, cần quy định rõ thời gian, dấu hiệu nhận biết và chế tài của các hành vi cụ thể.

Xin cảm ơn bà!

Về vấn đề rút BHXH một lần, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, dự thảo Luật cần thiết kế chính sách sao cho NLĐ có quyền lựa chọn rút hay không rút BHXH một lần. Các chính sách, chế độ BHXH như thai sản, hưu trí, ốm đau, tử tuất… cần gia tăng quyền lợi, tinh giảm thủ tục, minh bạch và phục vụ tận tâm cho NLĐ. Đồng thời, cần thiết kế những chính sách tài chính hỗ trợ từ Quỹ BHXH khi NLĐ gặp khó khăn; đưa vào chế độ trợ cấp trẻ em và các đối tượng yếu thế khác trong gia đình...

Đọc thêm