Chấn động “bê bối” Đan Mạch giúp Mỹ theo dõi các chính trị gia châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo chí Đan Mạch và châu Âu cáo buộc tình báo Đan Mạch từng giúp Mỹ theo dõi các chính trị gia hàng đầu châu Âu, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trụ sở Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tại Fort Meade, Maryland.
Trụ sở Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tại Fort Meade, Maryland.

Đài phát thanh Đan Mạch (DR) hôm 30/5 đưa tin, trong các năm từ 2012-2014, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã lợi dụng quan hệ đối tác với Cơ quan Tình báo quân sự và đối ngoại Đan Mạch (FE) để do thám các chính trị gia hàng đầu châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo hãng truyền thông nhà nước DR của Đan Mạch, NSA đã lợi dụng sự hợp tác tình báo với FE để thực hiện việc do thám, bao gồm việc truy cập vào các nội dung tin nhắn SMS, các cuộc gọi điện thoại và truy cập Internet, trong đó có nội dung tìm kiếm, nội dung chat và các dịch vụ nhắn tin của quan chức các nước Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Pháp.

Cũng theo DR, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen, người nhậm chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng quốc gia Bắc Âu từ tháng 6/2019, đã được thông báo về hoạt động này từ tháng 8/2020.

“Việc nghe lén đồng minh thân cận một cách có hệ thống là không thể chấp nhận, bà Bramsen nói.

DR đã công bố thông tin trên sau một cuộc điều tra phối hợp với kênh truyền thông SVT (Thụy Điển), NRK (Na Uy), báo Le Monde (Pháp) cùng các kênh NDR, WDR và báo SZ của Đức.

Theo DR, trong số các quan chức bị do thám ở Đức có Thủ tướng Angela Merkel, Ngoại trưởng Đức khi đó là ông Frank-Walter Steinmeier và chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Peer Steinbruck.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong số các chính trị gia châu Âu bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám.
 Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong số các chính trị gia châu Âu bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám.

Kế hoạch do thám được nêu chi tiết trong báo cáo nhóm làm việc nội bộ tối mật mang mật danh “Chiến dịch Dunhammer” và được trình giới lãnh đạo chóp bu của FE hồi tháng 5/2015.

DR cho hay họ lấy tin từ 9 nguồn là những người có quyền truy cập vào thông tin mật của FE, cho hay một số nguồn độc lập cũng xác nhận những thông tin này. Cả FE và giám đốc của cơ quan này khi đó là Lars Findsen, đều chưa lên tiếng trước thông tin.

Việc Mỹ theo dõi và nghe lén đồng minh, nếu được xác nhận, diễn ra trong và sau vụ bê bối năm 2013 khi cựu nhân viên Cục tình báo Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ hàng nghìn tài liệu mật cho thấy Mỹ đã theo dõi trên diện rộng sau vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Nhiều tài liệu khác cho thấy chính phủ Mỹ đã theo dõi công dân nước mình và mở rộng phạm vi ra toàn cầu, bao gồm điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel. Hồi tháng 11/2020, DR đưa tin Mỹ sử dụng hệ thống đường truyền Internet của Đan Mạch để do thám ngành công nghiệp quốc phòng của Đan Mạch và châu Âu từ năm 2012 tới 2015.

Chính phủ Liên bang Đức dường như cũng chưa có nhiều thông tin về vụ việc trên. Một phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho biết vụ việc chỉ được Thủ tướng Merkel biết tới thông qua thông tin điều tra của các hãng truyền thông, trong khi Tổng thống Steinmeier cũng cho biết “không hề hay biết” về nguy cơ bị cơ quan mật vụ Đan Mạch giám sát.