Chặn đứng tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản

(PLO) - Lo ngại lớn trong hoạt động đấu giá tài sản đó chính là tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá, gây thất thoát tài sản của Nhà nước cũng như bất an cho người tham gia đấu giá, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội lần này đưa ra nhiều cơ chế mới nhằm khắc phục tồn tại nói trên. 

Chặn đứng tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản
Chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát việc đấu giá
Sau 04 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản (ĐGTS), Chính phủ cho biết hoạt động ĐGTS đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ĐGTS đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, bất cập được “điểm danh” đầu tiên đó là chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát việc đấu giá, nhất là ĐGTS nhà nước.
Đặc biệt, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá đối với tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm còn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng người mua được tài sản đấu giá ngay tình chịu nhiều rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng do không nhận được tài sản trúng đấu giá. 
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS đôi lúc, đôi nơi còn buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thực hiện thường xuyên; chế tài và việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao.
Hạn chế tình trạng tham gia đấu giá “ảo”
Dự thảo Luật ĐGTS đã quy định rõ một số nguyên tắc ĐGTS bao gồm bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên, cuộc đấu giá phải do đấu giá viên tiến hành. Để đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, doanh nghiệp ĐGTS, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản, Dự thảo Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên và doanh nghiệp ĐGTS.
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc đấu giá, hạn chế tình trạng đối tượng tham gia đấu giá “ảo” nhằm mục đích trục lợi, gây khó khăn cho cuộc đấu giá, Dự thảo Luật quy định người tham gia đấu giá phải nộp một khoản tiền đặt trước từ 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá thay cho mức từ 1% đến 15% như hiện nay. Tiền đặt trước được nộp vào tài khoản riêng của doanh nghiệp đấu giá mở tại tổ chức tín dụng hoặc các bên có thể thỏa thuận thay thế nộp tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng, góp phần minh bạch hóa và tăng cường quản lý đối với khoản tiền đặt trước. 
Để đảm bảo cuộc đấu giá được khách quan, minh bạch, thu hút nhiều người tham gia đấu giá để bán được tài sản với giá cao nhất, Dự thảo Luật quy định các doanh nghiệp ĐGTS không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài các điều kiện mà pháp luật quy định, đồng thời quy định cụ thể thời gian, nội dung niêm yết việc ĐGTS; những trường hợp không được đăng ký tham gia ĐGTS; việc xử lý khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá.  
Đồng thời, nhằm minh bạch hóa, công khai hóa hơn nữa quá trình ĐGTS, khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để thông đồng dìm giá và tình trạng người tham gia đấu giá bị tác động, khống chế khi trả giá, ngoài hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói như quy định của pháp luật hiện hành, Dự thảo Luật bổ sung hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu, đấu giá trực tuyến và các hình thức khác. Bên cạnh đó, ngoài phương thức trả giá lên theo quy định của pháp luật hiện hành, Dự thảo Luật bổ sung phương thức đặt giá xuống nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc sở hữu của mình xử lý tài sản đó một cách nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiêm cấm đấu giá viên thực hiện các hành vi sau đây:
a) Cho thuê, cho mượn hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình để hành nghề đấu giá;
b) Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên của mình nhằm trục lợi cho bản thân;
c) Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá;
d) Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá;
đ) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Nghiêm cấm doanh nghiệp ĐGTS thực hiện các hành vi sau đây:
a) Cho tổ chức khác sử dụng tên, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức mình để hành nghề ĐGTS;
b) Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá;
c) Cản trở người tham gia đấu giá mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá hoặc tham gia cuộc đấu giá;
d) Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận;
đ) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
            (Điều 8 Dự thảo Luật Đấu giá tài sản)

Đọc thêm