“Có vụ việc qua 5 đời Bí thư, Chủ tịch (trên 20 năm) vẫn “chuyển” do các Bộ, chính quyền địa phương không thống nhất cách giải quyết nên cần phải có giải pháp để ngăn chặn hiện tượng “chuyển” này” – ĐB Hà Sơn Nhin (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) kiến nghị khi góp ý vào dự thảo Luật Tiếp công dân chiều qua (31/5).
ĐB Đỗ Mạnh Hùng: “Nhiều khi tôi không biết chúng ta tiếp dân làm gì vì nhiều kiến nghị “cứ rơi đi đâu ấy” |
Tiếp xong lại “chuyển” nên bức xúc
Trước thực trạng “tiếp công dân chưa đối kháng nhưng có nhiều bức xúc do các cơ quan “chuyển qua chuyển lại” trách nhiệm giải quyết kiến nghị của dân nên việc tiếp công dân chưa đáp ứng yêu cầu, chưa góp phần giảm bức xúc của người dân”, ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam) kiến nghị “phải ràng buộc trách nhiệm của những người đứng đầu, chứ hiện nay, hiếm người đứng đầu tiếp công dân, thường phân công cấp phó “ù ờ” nên không thể giải quyết ngay kiến nghị của công dân”.
ĐB Hà Sơn Nhin (Gia Lai) nhấn mạnh đến sự cần thiết “chấm dứt hiện tượng “chuyển” vụ việc của công dân giữa các cơ quan chức năng” bằng các qui định cụ thể trong dự thảo Luật Tiếp công dân.
ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng nhận thấy, tiếp dân phải có kết quả, không thể chỉ tiếp, ghi chép, nhận hồ sơ sẽ làm “dân không yên lòng” nên Luật phải qui định “thành phần tham gia tiếp dân là những người có thẩm quyền giải quyết”.
Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), “việc tiếp dân ở cơ sở ở chưa thấu đáo nên dân phải vượt cấp nên cần đặt vấn đề tiếp dân để làm gì, hay chỉ để nghe ý kiến trong khi dân muốn được đến để giải quyết, chứ không phản ánh qua trung gian nên hôm nào Chủ tịch UBND tiếp thì dân đến đông hơn”.
Không xử lý kiến nghị, tiếp dân “bằng không”
Đa số ĐBQH đều nhận định, tiếp công dân là công việc phức tạp, nhạy cảm, nhất là ở những thành phố lớn và các cơ quan trung ương nên hy vọng, Luật Tiếp công dân sẽ “đem lại hiệu quả cho công tác này, giảm những việc bức xúc trong nhân dân, nhất là liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan trung ương và địa phương”.
Phân tích những vấn đề “then chốt” trong công tác tiếp công dân, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) tâm tư về thực tế tiếp dân của ĐBQH: “Nhiều khi tôi không biết chúng ta tiếp dân làm gì vì nhiều kiến nghị “cứ rơi đi đâu ấy”.
Một thực tế không hiếm ở các địa phương là “nếu vấn đề liên quan đến Bộ, ngành Trung ương thì hầu hết không được hồi âm, thời gian kéo dài, nên ĐBQH phải đưa kiến nghị sau tiếp dân vào “tập hợp kiến nghị cử tri” gửi trước kỳ họp Quốc hội mới được các Bộ, ngành trả lời”. Nên theo ĐB này, Luật tiếp công dân phải có chế tài, trách nhiệm, thời hạn xử lý các vấn đề mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân ĐBQH chuyển đến sau khi tiếp dân.
Tán thành cảnh báo của ĐB Đỗ Mạnh Hùng về nguy cơ “ngày ngày tiếp dân, nơi nơi tiếp dân, người người tiếp dân” do những qui định của dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, dự thảo Luật phải để người dân không phải đi nhiều nơi, không mất thời gian của cơ quan chức năng, đặc biệt phải lưu ý để ngăn chặn tình trạng cử tri “liên kết” với nhau lợi dụng hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH để kiến nghị, khiếu nại.
Cán bộ tiếp dân phải thương dân
Đó là đề nghị về tiêu chuẩn của cán bộ tiếp dân mà Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (ĐBQH TP.Hà Nội) đưa ra sau khi giãi bày những “điều chưa được” mà ông đã gặp về thái độ của cán bộ tiếp dân: “Cán bộ đi gặp gỡ dân nhiều nên chai sạn, khi tiếp dân không có đồng cảm với dân, chứ thấy dân ngồi như vậy tôi thương lắm. Cán bộ tiếp dân phải thương dân”… Nhưng nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại về “tiêu chuẩn người tiếp dân” vì thực tế, các cơ quan “rất bí khi bố trí cán bộ tiếp dân” như phản ánh của ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM), chứ chưa nói đến việc “cán bộ tiếp dân phải đáp ứng các điều kiện như trong dự luật”.
Một số ý kiến ĐBQH kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm tiếp dân là “phối hợp giải quyết kiến nghị”, không để khi tiếp dân, đại diện HĐND, Đoàn ĐBQH chỉ “đẹp đội hình” còn do UBND “quyết hết” như nhận định của ĐB Đỗ Mạnh Hùng. Bên cạnh đó, nếu không qui định rõ vị trí, vai trò của đại diện các cơ quan khi cùng tiếp dân với UBND thì “sẽ bị hòa tan” và kiến nghị của Đoàn ĐBQH sẽ bị “nhẹ cân” nhất là trong trường hợp, đại diện của đoàn ĐBQH chỉ là người có chức vụ thấp trong khi đại diện UBND là 1 lãnh đạo…
H.Giang