Thụt lùi sau cổ phần hóa
Lấy Đà Nẵng làm điểm phân định ranh giới kinh doanh và khai thác, hai năm trước 2 Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV.
“Quan điểm của cơ quan chủ quản các đơn vị này khi đó muốn phân ra như thế để các “ông” bám địa bàn kinh doanh cho nó hiệu quả. Theo đó, “ông” Hà Nội có phạm vi hoạt động từ Đà Nẵng trở ra còn từ Đà Nẵng trở vào, sẽ do “ông” Vận tải đường sắt Sài Gòn phụ trách”, một cán bộ ngành Đường sắt nói với PLVN.
Tiếp đó, thực hiện công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, 2 Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã chính thức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần từ đầu năm 2016, với tổng số lao động lên tới gần 8.000 người.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian hoạt động, mô hình “2 công ty 2 đầu” bắt đầu lộ rõ những bất ổn, khi cho rằng sự tồn tại cùng lúc của 2 doanh nghiệp kinh doanh cùng một sản phẩm vận tải trên thị trường khiến cho tỷ suất khai thác toa xe không cao, công tác đầu tư và dự trữ vật tư bất hợp lý, phân tán nguồn lực...
Đáng nói, trong khi hầu hết các doanh nghiệp sau khi chuyển sang mô hình cổ phần thường ăn nên làm ra, thì 2 doanh nghiệp cổ phần vận tải của ngành Đường sắt không những không có bước tiến mà tiếp tục thụt lùi như hình ảnh thường thấy của ngành Hỏa xa trong suốt mấy chục năm qua.
Cụ thể, chỉ sau một năm tái cơ cấu, 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã bị sụt giảm cả về sản lượng, doanh thu và thị phần vận tải. Thu nhập, tiền lương và đời sống của người lao động đi xuống...
Không thay đổi dịch vụ, lương của nhân viên đường sắt khó giữ được mức như hiện nay |
Về chung “ một nhà”
“Ba tháng đầu năm 2017, doanh thu của ngành Đường sắt đang đi xuống. Nếu mà không có giải pháp thì còn tiếp tục đi xuống nữa! Và đến lúc đó, thì sợ không thể duy trì nổi lương cho người lao động như hiện nay”, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Vũ Anh Minh khát quát “bức tranh” của ngành này sau vài tháng được tổ chức điều về đây này nắm quyền.
Cũng theo vị này, do xung đột lợi ích, dẫn tới cạnh tranh nội bộ - khiến cho năng lực cạnh tranh tại 2 công ty nói trên gần như bị triệt tiêu và không đuổi kịp các phương thức vận tải khác.
Do đó, Tổng công ty ĐSVN đã có Tờ trình gửi Bộ GTVT xin chủ trương hợp nhất 2 công ty này để tăng cường năng lực và sức cạnh tranh đối với lĩnh vực vận tải hàng không cũng như đường bộ, thông qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành trong năm 2017, sẽ hợp nhất 2 Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn và Hà Nội thành Công ty CP Vận tải đường sắt, có chức năng tổ chức kinh doanh vận tải hành khách, hành lý và các dịch vụ gia tăng trong nước và liên vận quốc tế; sở hữu toàn bộ toa xe khách, toa xe hàng, các phương tiện thiết bị khác nhằm phục vụ hành khách, cứu viện và sữa chữa phương tiện vận tải…
Doanh nghiệp hợp nhất sẽ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vận tải hành khách, đồng thời thành lập một Công ty TNHH MTV Kinh doanh vận tải hàng hóa (nắm giữ 100% vốn), để quản lý và khai thác toàn bộ toa xe hàng, trang thiết bị và phương tiện phục vụ vận tải hàng hoá; cứu viện đường sắt, các trạm khám chữa toa xe...
Giai đoạn kế tiếp, dự kiến hoàn thành từ 2019 - 2020, sau khi ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng hiệu quả, ngành Đường sắt sẽ cổ phần hóa Công ty TNHH MTV kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt theo hình thức Công ty CP Nhà nước không chi phối.
Như vậy, cũng như lần trước, khi Công ty Vận hàng hóa đường sắt được tổ chức thành 2 đơn vị đóng ở 2 đầu đất nước, ĐSVN khi đó cũng đủ lý lẽ chứng minh chủ trương này là đúng, nhưng thực tế nó đã thất bại. Còn giờ, khi hợp nhất 2 đơn vị này lại, ngành Hỏa xa cũng có những lý lẽ khẳng định điều này là cần thiết, nhưng thực tế phía trước ra sao, thì chưa ai biết.
Kéo được hành khách quay lại thì sẽ tăng lương
“Để cải thiện bộ mặt, dịch vụ của ngành Đường sắt, chúng tôi đã lựa chọn nhóm đại diện cho ngành, có sự tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với khách hàng đó là Đoàn Tiếp viên và Ban máy (tài xế lái tàu - PV) để tăng lương, nhằm tạo cú hích.
Sau đó, khi hành khách đã quay về với Đường sắt và doanh thu lên thì sẽ xem xét tính chuyện tăng lương ở những bộ phận khác. Nếu không làm là được như thế, không thay đổi được diện mạo, không thay đổi được chất lượng dịch vụ thì không thể kéo được hành khách quay trở lại”, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Vũ Anh Minh.