Chàng trai 8x kể chuyện Đà Lạt qua ảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đà Lạt được mệnh danh là thành phố tình yêu, “Paris phương Đông”, nét đẹp mơ màng vốn có, những chuyện tình thơ mộng khiến nơi đây có sức cuốn hút lạ thường. Cũng vì mê mẩn Đà Lạt, chàng trai quê miền Trung Đinh Văn Biên (SN 1988, trú phường 2, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã quyết định gắn bó với vùng đất này, ôm máy ảnh đi khắp nơi để ghi lại cảnh đẹp Đà Lạt.
Đinh Văn Biên - chàng nhiếp ảnh gia “lãng du”.
Đinh Văn Biên - chàng nhiếp ảnh gia “lãng du”.

“Canh me” 4 năm để chụp 1 bức ảnh

Năm 2007, Đinh Văn Biên - cậu học trò dáng vóc thư sinh, mang hành trang từ Hà Tĩnh vào TP Đà Lạt, theo học ngành Việt Nam học ở Trường Đại học Đà Lạt. Có lẽ đây là chuyến đi định mệnh, để rồi Biên vướng vào cuộc tình kéo dài đằng đẵng với mảnh đất mù sương.

“Lần đầu bước chân đến mảnh đất này, tôi ngỡ ngàng vì sự bình yên, dịu hiền của nó, tôi tưởng như mình bước chân vào thành phố của giấc mơ vậy. Từ đây tình yêu Đà Lạt của tôi dần được nuôi dưỡng. Cho đến bây giờ Đà Lạt đã trở thành quê hương thứ hai” - Biên bộc bạch.

Trong kí ức của cậu sinh viên, “Đà Lạt không màu mè, hoa lệ, nó không cuồn cuộn, náo nhiệt như nhiều thành phố khác, nhưng chính sự đằm thắm, nhẹ nhàng đó khiến tôi si mê, nhớ nhung”. “Tôi nhớ những đĩa cơm mệnh giá 2-3 ngàn đồng, nhớ những góc phố mộc mạc, quê mùa, nhớ những tia nắng ban sớm thong dong, rọi thẳng qua từng ngóc ngách”.

Bắt đầu từ tình yêu với Đà Lạt, Biên quyết tâm ghi lại những khoảnh khắc đẹp của phố núi này, cũng chính từ nhiếp ảnh cậu sinh viên đã thỏa mãn được mong ước của mình. “Mê ảnh từ lâu, nhưng tôi chính thức cầm máy được 10 năm. Ra trường năm 2011, bắt đầu đi làm có thu nhập mới có điều kiện dành dụm để mua chiếc máy ảnh đầu tiên. Cảm giác lần đầu tiên được cầm máy và ghi lại những khoảnh khắc mình thích, đem lại cảm giác hào hứng lạ thường”, Biên chia sẻ.

Thời gian sau khi tốt nghiệp, chàng trai “8x” vừa làm nhân viên tư vấn dịch vụ vừa theo đuổi đam mê nhiếp ảnh: “Làm nhân viên văn phòng được 7 năm, tôi dần nhận ra, đây không phải công việc dành cho mình, sự lặp đi lặp lại khiến tôi gò bó, kiệt sức”, chàng trai bộc bạch. Chẳng quá khi nói Biên chính như một “nghệ sỹ lãng du” khát khao bay lượn.

Bắt đầu từ năm 2016, Biên dấn thân sâu vào nhiếp ảnh với nghề chụp ảnh mẫu, chụp ảnh quảng cáo, dịch vụ,... Đây chính là những công việc tạo điều kiện để Biên tiếp tục thực hiện đam mê ảnh phong cảnh của mình.

Theo lời Đinh Văn Biên, để có một bức ảnh đẹp phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhiều lúc phải đi cả tháng, vài tháng mới chụp được một tấm. Có những tấm thì chỉ cần một ngày, thậm chí bắt gặp một cách rất tình cờ là có được một bức ảnh như ý. Điều quan trọng của người thợ ảnh là phải chịu khó đi, chịu khó tìm kiếm.

Ảnh phong cảnh khác với ảnh nhân vật, một tấm ảnh nhân vật người ta có thể điều chỉnh, thiết kế bối cảnh sao cho mãn nhãn, nhưng với ảnh phong cảnh thì nó lại là khoảnh khắc chóng qua. Cùng một địa điểm, một góc máy nhưng mỗi lúc sẽ là một khoảnh khắc rất khác, có những khoảnh khắc phải chờ “thời cơ” đến cả mấy năm, có những khoảnh khắc chỉ bắt gặp được một lần và không bao giờ có thể thấy lại nữa.

“Săn” ảnh phong cảnh như một cuộc chạy đua với thời gian. “Khoảnh khắc” là mục tiêu đích điểm, nhưng khoảnh khắc không chờ ai cả. Biên kể, để ghi lại khung cảnh TP Đà Lạt vào sáng sớm, cậu phải leo núi Hòn Bồ từ 3-4h sáng. Địa hình núi cao và dốc, mỗi lần leo mất khoảng 15 phút, phải lên sớm để tìm một vị trí thích hợp, đồng thời phải canh thời gian thật chuẩn xác. Hay như bức ảnh cây mai anh đào bên Hồ Xuân Hương, Biên phải chờ tận 4 năm vì đào “không chịu” ra hoa.

“Nhìn vào một bức tranh phong cảnh, đập vào mắt người xem là một không gian rất rộng, khoáng đãng, nhưng ở trong khoảng mênh mông đó phải cài được ít nhất một điểm nhấn. Đó chính là chi tiết “kể”, điểm nhấn mang câu chuyện mà người thợ ảnh muốn thể hiện” - quan điểm của “nhiếp ảnh gia” 8X về một bức hình đẹp.

Bí quyết “giữ lửa” đam mê

Biên chia sẻ, có nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng của tấm ảnh, có những tấm không bắt kịp ánh sáng, ánh sáng chưa rọi đúng vị trí cần thiết, có những tấm trời đẹp nhưng lại bị mù quá, khoảnh khắc chụp bức ảnh chưa thật sự mĩ mãn,... Ngoài kỹ thuật, người thợ ảnh phải “bắt” được cái hồn của khoảnh khắc, đưa “tình” vào cảnh vật để khơi dậy cảm xúc của người xem.

Căn nhà xưa Túy Sơn - Trại Mát, một tác phẩm được đánh giá xuất sắc của “nhiếp ảnh gia” 8X.

Căn nhà xưa Túy Sơn - Trại Mát, một tác phẩm được đánh giá xuất sắc của “nhiếp ảnh gia” 8X.

Để chụp ảnh ngày càng “lên tay” trong quá trình chụp phải biết học hỏi, quan sát, từ những bức ảnh đã chụp để tìm ra những điểm còn chưa được, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân. Trong mỗi chuyến “săn tìm” người thợ ảnh phải tìm hiểu đầy đủ mọi yếu tố như: Ánh sáng, tốc độ gió, độ ẩm, dự đoán thời gian mặt trời lên,...

Để trở thành một thợ ảnh “ma mị” như hôm nay, Biên tự hào rằng mình đã thăm thú hầu hết mọi ngóc ngách ở Đà Lạt và ghi nhớ những góc máy, những khoảnh khắc đặc biệt sẽ có ở mảnh đất thi vị này. “Chụp Đà Lạt sương mù thì thường sẽ vào khoảng tháng 1 đến cuối tháng 6. Tháng 3 có mùa phượng tím, đầu tháng 10 có hoa dã quỳ, tháng 12 có hoa anh đào. Có dịp tôi lên đèo Long Lanh chụp hoa mai anh đào trong sương, loại hoa này chỉ đẹp trong hơn một tuần, trong thời gian này ngày nào tôi cũng đi, phải canh chừng để bắt được khoảnh khắc đặc biệt nhất, đẹp nhất” - Biên kể.

Để tìm cho mình những nguồn cảm hứng mới, mỗi tháng Đinh Văn Biên thường dành ra một khoảng thời gian “thong dong” trên những cung đường lạ săn tìm những góc nhìn đang tiềm ẩn. Không chỉ ở Đà Lạt, chàng trai quê Hà Tĩnh còn có những chuyến đi dài trên vùng Tây Bắc, miền Trung, Nam Bộ để tìm những trải nghiệm mới mẻ.

“Cảm xúc là thứ quyết định đam mê của người nhiếp ảnh, khi mình tìm được cảm giác “hưởng thụ”, mong mỏi thì sẽ tạo cho mình động lực để tiếp tục. Nhưng một khi cảm xúc đã “nguội lạnh”, nhìn mọi thứ trở nên nhàm chán sẽ cầm máy không được bao lâu”, kinh nghiệm được Biên chia sẻ.

Nhờ sự kì công và góc máy sáng tạo, các tác phẩm của Biên được nhiều người yêu thích, có thể kể đến như: Bình minh suối vàng, Cây mai anh đào cổ thụ bên Hồ Xuân Hương, Mùa xuân K’Long K’Lanh, Mùa cỏ tuyết,...

Đến giờ, Đinh Văn Biên đã không còn nhớ rõ mình đã chụp bao nhiêu bức ảnh về Đà Lạt nữa. Với anh, mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện “rất tình” mà anh “phiêu” cùng mảnh đất này. “Hạnh phúc nhất với tôi là được sống với những khung hình, thả hồn trong những khoảnh khắc đẹp, giữ chúng lại và chiêm ngưỡng như những điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống”.

Đọc thêm