Lợi thế thổ nhưỡng, thời tiết
Trước đây, nhắc đến các vùng miền núi như Nhôn Mai, Hữu Khuông hay Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An), người ta chỉ biết đó là những vùng đất biệt lập vì giao thông cách trở, đói nghèo, cuộc sống khó khăn. Thế nhưng khoảng hơn 2 năm trở lại đây, từ khi cây chanh leo được đưa về trồng thử nghiệm và phát triển diện tích lớn đã giúp đời sống bà con từng bước được nâng cao, chanh leo được xem là cây mũi nhọn phát triển kinh tế và từng bước giúp dân thoát nghèo.
Sau nhiều nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thì cây chanh leo được chọn đưa về trồng thử nghiệm tại bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Khí hậu ở đây có nhiều nét tương đồng với vùng Tri Lễ thuộc huyện Quế Phong, nơi đang phát triển cây chanh leo trên quy mô lớn. Chẳng hạn lượng mưa trong năm khá, phần lớn các tháng đều có mưa với lượng tương đối là điều kiện thuận lợi để cây Chanh leo sinh trưởng. Thổ nhưỡng có độ PH đất nằm trong khoảng 5,7 - 6,8 là mức thích hợp cho cây chanh leo sinh trưởng và phát triển. Thuận lợi nữa là đất đai trong khu vực triển khai dự án có cấu tượng tương đối tơi xốp. Vùng triển khai dự án nắm trong khoảng độ cao từ 500 - 1200m so với mực nước biển là độ cao thích hợp cho cây chanh leo sinh trưởng và phát triển…
Chỉ sau thời gian áp dụng các biện pháp khoa học trong điều kiện có thể, cây phát triển xanh tốt. Vụ thu hoạch đầu tiên vượt qua sự mong đợi của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân nơi đây. Phấn khởi bên những gốc chanh leo trĩu quả, ông Và Bá Ca trú tại bản Thằm Thẩm, chia sẻ “Mấy mươi đời nay, người dân bản chỉ biết trồng lúa rẫy, trồng mấy củ khoai, củ sắn bán không ai mua vì nhà ai cũng có, từ khi chanh leo có quả bán thì thu nhập của nhân dân cũng bớt khổ đi nhiều hơn, con em trong xã cũng không phải đi làm ăn xa mà chăm sóc cây chanh leo mà thu nhập ổn định hơn…”, ông Ca nói. Gia đình ông có gần 3ha trồng chanh leo đã đến thời kỳ thu hoạch, mỗi năm bình quân cho thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng.
Hay như gia đình ông Và Ga Xua trú tại bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, năm 2017 gia đình đầu tư trồng 1,5ha chanh leo, khi thu hoạch đã thu được gần 80 triệu đồng. Số tiền lớn mà trước kia gia đình không làm gì để có thể có được. Nhờ thế, cuộc sống gia đình từng bước được nâng cao.
|
Diện mạo mới vùng quê nghèo
Sau hơn 2 năm triển khai dự án trồng cây chanh leo trên địa bàn các xã miền núi như Nhôn Mai, Tam Hợp, Hữu Khuông, Mai Sơn, huyện Tương Dương, thu nhập của người dân nơi đây tăng lên đáng kể. Trong những ngày qua, dù thời tiết có nhiều khắc nghiệt khi đối phó với nước lũ từ thượng nguồn thủy điện đổ về nhưng tại các xã như Nhôn Mai, Hữu Khuông, Mai Sơn, nơi trồng chanh leo lại không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Cây chanh leo vẫn phát triển tốt tươi và chuẩn bị cho ra những đợt quả mới…
Năm 2017, sau thành công của mô hình thí điểm tại Nhôn Mai, huyện Tương Dương đã nhân rộng mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn lên đến 53ha ở các xã Nhôn Mai, Tam Hợp, Hữu Khuông.
Riêng xã Nhôn Mai người dân mở rộng diện tích lên đến 48 ha ở bản Huồi Cọ và Thằm Thẩm. Tại bản Huồi Cọ, năng suất bình quân luôn đạt từ 12 - 15 tấn/ha, với giá thu mua khá ổn định trung bình 8.000 đồng/kg, bà con thu hoạch xong đều được phía công ty đến thu mua hết. Theo số liệu thống kê, diện tích trồng chanh leo của toàn xã thời điểm năm 2016 chỉ có 3ha, nhưng đến nay (tính đến tháng 8/2018) đã mở rộng diện tích lên đến hơn 50ha, cho thu hoạch 500 đến 550 tấn, giá trị thu được trên dưới 6 tỷ đồng/năm.
Năm 2018 tổng diện tích chanh leo trồng mới trên toàn huyện là 73 ha, nâng tổng số chanh leo trên địa bàn lên đến hơn 128,3 ha. Được biết, theo kế hoạch thì đến năm 2020, Tương Dương sẽ trồng mới 230ha cây chanh leo, với giá cả ổn định như hiện nay thì việc tăng thu nhập của bà con là điều khả quan.
Đặc biệt, với việc phát triển diện tích cây chanh leo tạo thu nhập cho bà con, nâng cao đời sống người dân huyện Tương Dương có các chương trình dự án, chính sách hỗ trợ bà con trên 5 tỷ đồng, bao gồm tiền giống, làm giàn, xử lý đất… Cùng với đó là chương trình đào tạo, tập huấn kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm của cán bộ chuyên môn phòng nông nghiệp để người dân chủ động chăm sóc. Chính vì thế, địa phương đã chọn cây chanh leo là một hướng đi mới để phát triển kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, chanh leo đang bước vào mùa thu hoạch chanh trồng năm 2017, ước tính sản lượng thu hoạch vụ hè thu đạt 700 tấn, doanh thu gần 10 tỷ đồng và ước cả năm 2018 từ 1.668 đến 1.925 tấn (bình quân từ 13-15 tấn/ha), doanh thu trên 20 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm mới cho trên 500 lao động tại địa bàn xã Nhôn Mai, Hữu Khuông và có thu nhập bình quân từ 180-250 ngàn đồng/người/ngày.
Theo ông Vi Mỹ Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cây chanh leo có thể được xem là một cây giúp giảm nghèo tốt cho bà con sau vài năm trồng thử nghiệm và đưa vào sản xuất đồng loạt. Để đảm bảo ổn định giá cả cho bà con yên tâm sản xuất huyện cũng có nhiều đề xuất với phía công ty thu mua đảm bảo giá thu mua nhằm đảm bảo thu nhập và đầu ra cho bà con.
Với những thành công trước mắt, cây chanh leo đang được người dân các huyện vùng núi như Tương Dương đón nhận. Ai nấy đều hy vọng trong thời gian ngắn tới đây, bộ mặt của những vùng đất nghèo khó sẽ nhanh chóng “thay da đổi thịt”./.