Chạnh lòng khi “sao” Thái, Ấn gây "sốt" trên màn hình Việt

(PLO) - Phim Hàn, phim Trung Quốc giảm lượng khán giả đáng kể, phim thần tượng Đài Loan cũng không còn quá nhiều sóng, thay vào đó, thời gian qua người xem chứng kiến cuộc “đổ bộ” mạnh mẽ của phim Ấn Độ, Thái Lan, Philippines vào màn ảnh Việt.
Cảnh phim Ấn Độ Cô dâu 8 tuổi.
Cảnh phim Ấn Độ Cô dâu 8 tuổi.
Phim Hàn thất thế, phim Ấn, Thái lên ngôi
Thời điểm này, nhắc đến hai bộ phim truyền hình “Tình yêu và định mệnh” và “Cô dâu 8 tuổi”, có lẽ ít khán giả truyền hình không biết. Dù được phát sóng trên các khung giờ vàng liên tục từ năm 2014 đến nay, với số tập “khủng” (trên 1.000 tập), hai bộ phim này vẫn còn nhiều sức nóng. Các phim Ấn Độ khác trên sóng truyền hình quốc gia và các kênh địa phương (chủ yếu là phía Nam) như: “Mối tình kì lạ”, “Trái tim mỹ nhân”… cũng đang được đánh giá là có rating cao ngất, là “niềm hy vọng” của các nhà đài.
Trên hàng loạt kênh truyền hình cáp và đài địa phương, người ta thấy sự vắng bóng hẳn của dòng phim truyền hình Hàn Quốc đã “làm mưa làm gió” suốt một thời gian dài. Giờ đây, ngoài phim Ấn Độ giữ vị trí hàng đầu, xếp sau đó là phim truyền hình của các nước lân cận như Thái Lan, Philippines. Suốt một thời gian dài, những bộ phim như “Vì sao lạc” (Thái Lan); “Trái tim bé bỏng”, “Đối thủ”, “Chỉ một mình em”, “Sóng tình đảo thiên đường” (Philippines)… trở thành món giái trí yêu thích của khán giả Việt. 
Một thói quen xem truyền hình mới đã hình thành từ hai năm nay. Thay vì bàn tán đến các bộ phim Hàn, phim thần tượng Đài Loan ăn khách, nay nhà nhà đón chờ khung giờ vàng dành cho các phim truyền hình Ấn Độ, Thái Lan, Philippines. Phim Hàn Quốc, Trung Quốc đã không còn là “con gà vàng” của các nhà đài nữa bởi lượng người xem giảm sút, độ tương tác thấp, không có tiếng vang…
Cùng với việc phim Ấn, Thái, Philippines liên tục chiếm sóng của các đài truyền hình, cơn sốt hâm mộ diễn viên các quốc gia này cũng dần lớn mạnh không kém cạnh cơn sốt “thần tượng Hàn”, “thần tượng Đài Loan” trước kia. Sau khi “Mối tình kì lạ” được phát sóng ở Việt Nam, những cái tên Barun Sobti, Sanaya Irana, Abhass Mehta… trở nên quen thuộc và bắt đầu trở thành thần tượng của khán giả truyền hình Việt. 
Một bộ phim khác là “Cô dâu 8 tuổi”, ảnh hưởng của phim mạnh mẽ đến mức cuối năm 2014, Avika Gor, nữ diễn viên chính của bộ phim đã sang Việt Nam giao lưu trong sự chào đón nồng nhiệt của khán giả Việt, với lịch trình giao lưu dày đặc. 
Trong cơn sốt này, cặp kim đồng – ngọc  nữ của phim truyền hình Philippines là Marian Rivera và Dingdong Dantes cũng trở thành những thần tượng mới của khán giả Việt, với độ hot không kém cạnh các sao Hàn nổi đình nổi đám trước kia.
Cảnh phim Thái Lan Cuộc chiến tình nhân.
Cảnh phim Thái Lan Cuộc chiến tình nhân. 
Đi tìm nguyên nhân của sự “đổi ngôi”
Đi ngược dòng thị hiếu phim truyền hình, có thể thấy dòng phim nào cũng chỉ có “một thời”: Thời của phim cổ trang Trung Quốc, phim kiếm hiệp và TVB Hồng Kông, thời của phim Nhật Bản, phim thần tượng Đài Loan, phim gia đình Hàn Quốc, và giờ đây là đến dòng phim dành cho bà nội trợ của Ấn Độ, Thái Lan… Phải chăng đó là một tất yếu lên xuống của thị trường. 
Tuy nhiên, có nhiều cách lý giải khác cho sự thay đổi trong thói quen xem truyền hình của khán giả. Về phía các nhà đài và đơn vị nhập khẩu phim, lý giải cho sự thay thế của dòng phim này đối với phim Hàn Quốc đã chiếm lĩnh thị trường nhiều năm qua trên sóng truyền hình, các đại diện cho rằng đó là sự cạnh tranh quá lớn giữa các đài và các kênh phim online. Hầu hết các bộ phim Hàn vừa mới xuất hiện và được  chú ý trên truyền hình, ngay lập tức đã xuất hiện trên mạng, trọn bộ, khiến người xem không phải chờ theo dõi từng tập nữa. Đây là lý do khiến đài mất lượt xem.
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả nguyên nhân. Với người xem, cái quan trọng nhất vẫn là sức thu hút của bản thân dòng phim, từng bộ phim. Các nhà sản xuất phim truyền hình của các quốc gia nói trên đã làm rất tốt hai yếu tố: chất lượng phim và cách thức kinh doanh. 
Ngày nay, đối tượng xem phim truyền hình chính không còn là giới trẻ nữa, mà đó là thành phần nội trợ, trung niên, là những đối tượng chưa có thói quen coi phim trên mạng và vẫn trung thành với truyền hình. Xác định được đối tượng, dòng phim nói trên tập trung mọi nội dung, cách thức thể hiện, cách thức tiếp thị cho đối tượng mục tiêu này. 
Vẫn có nội dung khá lê thê, tình tiết rối rắm và không ít điều bất hợp lý, nhưng cái hay của dòng phim này là đánh vào tâm lý của các bà nội trợ: nội dung rất gay cấn, dàn diễn viên đẹp mê ly, rất nhập vai. Đặc biệt, phim Ấn Độ được nhiều người đánh giá cao còn bởi cách thể hiện đặc sắc, lồng cả những nét đẹp của phong tục, tập quán Ấn Độ vào nên rất thu hút người xem.
Một điều nữa cần nói là các nhà làm phim Việt khá “e dè” với dòng phim này, vì nếu vô tình phim Việt phát trùng thời điểm, chắc chắn lượt xem sẽ chênh lệch đến mức chạnh lòng. Không chỉ “tấn công” thị trường Việt Nam, phim Ấn, Thái, Philippines đã bắt đầu “làm mưa làm gió” ở thị trường nhiều nước trong khu vực, mang về cho nền công nghiệp điện ảnh các nước này nguồn doanh thu khổng lồ và cơ hội quảng bá đất nước – con người.
Trông người mà nghĩ đến ta – thấy chạnh lòng cho phim truyền hình Việt! 

Đọc thêm