Chào cờ và lễ chùa đầu xuân ở Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -
Diễu binh đầu năm ở Trường Sa.
Diễu binh đầu năm ở Trường Sa.

Đại đức Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa, trước đây đã từng có 2 năm trụ trì chùa trên đảo Phan Vinh, huyện Trường Sa. Với tinh thần tự nguyện, mong muốn góp công sức cùng quân dân trên đảo xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc, từ cuối năm 2016, Đại đức Thích Nhuận Đạt đảm nhận trụ trì chùa Trường Sa lớn. Đại đức chia sẻ, không chỉ thờ Phật, các chùa ở huyện đảo Trường Sa đều có ban thờ các anh hùng liệt sĩ - những người đã hi sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quân và dân trên đảo đến chùa với nhiều mục đích khác nhau nhưng tựu chung lại, ai cũng mang tấm lòng thành kính, hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu, tin tưởng mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mong cho đất nước thanh bình và phồn thịnh…

Các Chùa ở Trường Sa đều có chính điện hướng về Thủ đô Hà Nội.

Các Chùa ở Trường Sa đều có chính điện hướng về Thủ đô Hà Nội.

Bao đời nay, ở đâu có người Việt an cư, lạc nghiệp, ở đó có đình, có chùa, điểm tựa tâm linh, nơi người Việt gửi gắm niềm tin, khát vọng bình an. Với quân, dân Trường Sa, vãn cảnh chùa vào ngày đầu năm mới không chỉ để cầu may, tìm sự bình an, mà còn hướng về cội nguồn dân tộc. Tìm hiểu về phong tục đi lễ chùa đầu năm ở Trường Sa, tôi còn biết rằng, đồ lễ đến chùa ngày Tết của người dân trên đảo chỉ đơn giản là đĩa hoa quả, cặp bánh chưng, gói bánh ngọt… Những đồ lễ mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây nhưng gửi gắm trong đó biết bao mong ước của quân và dân trên đảo, mong sao cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống bình yên, ngày càng phát triển.

Theo Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Phật giáo là một trong những tín ngưỡng tâm linh phổ biến của người Việt Nam. Người dân đến chùa lễ Phật đầu năm cầu mong cho thân tâm an lạc, gia đình yên vui. Những ngôi chùa ở Trường Sa không những là điểm tựa tâm linh của cư dân trên đảo, của những ngư dân đang đánh cá ngoài khơi xa mà còn là cột mốc chủ quyền thiêng liêng, thể hiện tâm nguyện về một cuộc sống yêu hòa bình, hướng thiện.

Nghe những tâm sự của Đại tá Lê Đình Hải, tôi nhớ mãi lần được ra thăm Trường Sa ngày giáp Tết cách đây gần 3 năm, được nghe tiếng chuông chùa vang vọng cả một vùng đảo thanh bình, được chứng kiến đất trời Trường Sa chộn rộn sang xuân mà lòng lâng lâng khó tả.

Hiện ngoài chùa Trường Sa, ở huyện đảo Trường Sa còn có chùa trên các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Phan Vinh, Nam Yết. Điều đặc biệt, tất cả các ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa, chính điện đều hướng về Thủ đô Hà Nội, như tấm lòng của mọi người Việt hướng về trái tim của cả nước, thể hiện khát vọng về một đất nước độc lập, thống nhất, trường tồn bao đời nay của người dân Việt.

Đại đức Thích Nhuận Đạt tiếp chuyện người dân đến lễ chùa.jpg

Đại đức Thích Nhuận Đạt tiếp chuyện người dân đến lễ chùa.jpg

Là một trong những hộ dân nhiều năm sống trên đảo Trường Sa lớn, vào ngày mùng một Tết âm lịch, anh Thái Nhật Trường thường cùng gia đình lên chùa từ rất sớm. Khi vợ thắp hương, làm lễ, anh chơi với các con trong sân chùa. Anh Trường cho biết, các hộ dân thường lên chùa thắp hương vào ngày mồng một, ngày rằm và những dịp đầu xuân năm mới. Ở ngoài đảo xa xôi, cách xa đất liền, chùa là nơi dân đảo lui tới thắp hương, thực hành tín ngưỡng, giúp cho thân tâm thanh tịnh, nhất là khi được nghe tiếng chuông chùa vọng vang giữa mênh mông trùng khơi sóng vỗ mà như trên đất liền giúp cho lòng nhẹ nhõm, bình an.

Cũng như tổ ấm của anh Thái Nhật Trường, các thành viên trong gia đình chị Lữ Thị Kim Cúc, trú tại đảo Sinh Tồn thường đến chùa thắp hương vào ngày đầu xuân mới, cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình, họ hàng cũng như quân dân trên đảo được ấm no, hạnh phúc, trời yên biển lặng. Chị chia sẻ, vui nhất là ngày giáp Tết, được quây quần xem bộ đội mổ lợn, chia cho quân dân trên đảo ăn Tết. Sáng sớm ngày 28 tháng Chạp, các gia đình trên đảo cùng bộ đội gói bánh chưng. Đêm đến, người lớn, trẻ nhỏ ngồi quây quần bên bếp lửa hồng đàn hát đến tận khuya. Chiều 30 Tết, mọi người cùng bày soạn mâm cúng tất niên, mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Mùa Xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa, giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc.

Mùa Xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa, giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc.

Nhưng thiêng liêng nhất là lễ chào cờ trên các điểm đảo. Đầu xuân năm nào cũng vậy, sau khi đi lễ chùa thắp hương, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các điểm đảo đều trang trọng tổ chức lễ chào cờ đầu xuân năm mới, nghe đọc thư chúc Tết của Chủ tịch nước và của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân. Phần cuối buổi lễ đặc biệt này là phần diễu binh, diễu hành của lực lượng hải quân, dân quân tự vệ lần lượt bước đều quanh khu vực trung tâm, đi qua cột mốc chủ quyền của đảo. Sau đó diễn ra các cuộc thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thi gói bánh chưng... Các hoạt động này từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của quân và dân nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Quả thật, mùa Xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa, giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Một mùa xuân mới đang tràn về khắp quần đảo Trường Sa. Giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, trong huyết quản của mỗi người lính đảo đang trào dâng niềm tự hào, xúc động. Các anh tự hào bởi được canh trời, giữ biển cho đất liền vui xuân, đón Tết, bởi được nhân dân trao gửi tất cả niềm tin.

Không chỉ đi lễ chùa đầu năm cầu mong cho những điều tốt đẹp, đời sống ấm no, hạnh phúc, trời yên biển lặng; trên đảo Trường Sa còn có những tục lệ đầu xuân thật đẹp, thật ý nghĩa, trong đó thiêng liêng nhất là lễ chào cờ trên các điểm đảo…

Đọc thêm