Vụ việc thiếu thống nhất gây khó khăn khi thi hành án
Vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình ông P. (người dân tộc Dao) và gia đình ông H, bà T. (người miền xuôi) kéo dài nhiều năm. Mặc dù Bản án của TAND tỉnh Yên Bái đã được tuyên, nhưng các nội dung giải quyết vẫn chưa thực sự đầy đủ, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn gay gắt giữa các bên.
Một trong những điểm khó khăn lớn là sự thiếu thống nhất trong giải quyết quyền và nghĩa vụ về cây cối trên diện tích đất thi hành án (ông P. phải thu hồi 150 cây quế nhỏ, 300 cây keo trồng dặm trên diện tích 17.398,6m²) để trả lại quyền sử dụng đất và toàn bộ cây cối trên đất cho ông H. và bà T.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn cá nhân sâu sắc giữa ông M – người được ủy quyền bởi ông H. và bà T. để giải quyết với gia đình ông P. càng khiến việc thi hành án gặp rất nhiều trở ngại.
Những bước tháo gỡ linh hoạt
Trước tình hình phức tạp của bản án, Chấp hành viên Trịnh Minh Thuận đã linh hoạt áp dụng phương châm “tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án”.
Ông đã mời ông Hoàng Văn Vinh - cán bộ tư pháp xã Động Quan, là người có nhiều kinh nghiệm và từng tham gia giải quyết tranh chấp tham gia ngay từ giai đoạn đầu. Sự tham gia của ông Vinh đã giúp kết nối và tháo gỡ nhiều nút thắt quan trọng.
Bên cạnh đó, ông Thuận đã yêu cầu tạm dừng việc ủy quyền của ông H. và bà T. cho ông M. trong khoảng thời gian ngắn. Việc này giúp hai bên trực tiếp thỏa thuận mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố trung gian.
|
Chấp hành viên thông qua Biên bản cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất ngày 05/12/2024 tại địa bàn tổ 11, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, Yên Bái |
Ngày 17/8/2021, buổi làm việc diễn ra với sự tham gia của Chấp hành viên Trịnh Minh Thuận, cán bộ tư pháp xã Động Quan, đại diện chính quyền địa phương và kiểm sát viên VKSND tỉnh đã được tổ chức.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các bên, dưới sự tác động tích cực của cán bộ tư pháp, gia đình ông H. và bà T. đã đồng ý chuyển nhượng 17.398,6m² đất cho gia đình ông P. với giá 40 triệu đồng.
Biên bản thỏa thuận được lập và chứng nhận, vụ việc thi hành án kết thúc trong niềm vui và sự đồng thuận của cả hai bên. Vụ việc không chỉ khép lại một tranh chấp kéo dài mà còn góp phần gắn kết tình cảm giữa các gia đình, đưa họ trở lại mối quan hệ hàng xóm thân tình.
Chấp hành viên Trịnh Minh Thuận đã cho thấy vai trò quan trọng của sự linh hoạt, sáng suốt và tinh thần vì cộng đồng trong công tác thi hành án.
Câu chuyện này không chỉ là một ví dụ điển hình về sự tháo gỡ khó khăn trong thi hành án dân sự, mà còn là bài học sâu sắc về sự đồng thuận và hòa giải tại những vùng có sự đa dạng văn hóa và khác biệt dân tộc.
Với phương châm “tôn trọng sự thỏa thuận”, Chấp hành viên Trịnh Minh Thuận đã chứng minh rằng một bản án không chỉ dừng lại ở văn bản pháp luật mà cần mang lại sự hài hòa, nhân văn và gắn kết cộng đồng.