“Sai một ly, đi một dặm...”
Bản án, quyết định của Tòa án chỉ có hiệu lực thực sự khi nó được thi hành trên thực tế. Tuy nhiên, chỉ cần sai sót một từ cũng dẫn đến những khó khăn cho THADS. Bản án số 06/2012/KDTM-ST ngày 21/3/2012 của TAND thành phố H. và Bản án số 196/2012/KDTM-PT ngày 17/12/2012 của Tòa Phúc thẩm tại Hà Nội. Theo đó, tài sản thế chấp đảm bảo thi hành án là “Quyền sử dụng đất và nhà xưởng xây dựng trên diện tích 192 m2 tại thôn Hương Mỹ, xã Mỹ Đồng, huyện T. mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 143/QSDĐ/HP-TN-MĐ do UBND huyện T. cấp ngày 16/8/1999 cho chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Văn Tuấn”. Nhưng thực tế Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 143 cấp ngày 10/8/1999 là: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn. Sau khi kê biên tài sản, THADS đã có văn bản đề nghị Tòa án xem xét, giải thích vì khó thi hành.
Hay Bản án số 18/HSST ngày 03/5/2000 của Tòa án nhân dân tỉnh T.; Bản án số 378/HSPT ngày 12/7/2000 và Bản án số 227/HSPT ngày 01/4/2002 của Tòa án nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng tuyên Lê Tiến Định, Lê Đình Phước và đồng bọn phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”. Về dân sự buộc Lê Tiến Định, Lê Đình Phước và đồng bọn nộp lại 22,8kg vàng chất lượng 77,5% để sung công quỹ nhà nước. Lý do khó thi hành: Số vàng yêu cầu truy thu đối tượng đã sử dụng, quá trình giải quyết vụ án không thu hồi được. Bản án không định giá số vàng trên ra thành đồng Việt Nam nên không có cơ sở để truy thu bằng tiền hoặc tổ chức cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án.
Tương tự, còn những dạng án tuyên kiểu giao nhà nhưng không có lối đi vào, nhầm giữa quyền sở hữu, quyền sử dụng hay di chuyển hàng cây, bức tường… làm thi hành án “không biết thi hành thế nào”. Tại Hà Nội, riêng trong việc thi hành án tín dụng, ngân hàng, Cục THADS cũng chỉ ra rằng, vẫn còn những bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành; không tuyên cụ thể nghĩa vụ đảm bảo (gốc, lãi phát sinh đến thời điểm xét xử) của các tài sản thế chấp của bên thứ ba (Hợp đồng thế chấp có xác định phạm vi bảo đảm bằng một phần giá trị tài sản- mức bảo đảm tối đa) cho một Hợp đồng tín dụng nên khó khăn trong tổ chức thi hành và ủy thác. Trong các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước, có trường hợp, bản án tuyên kê biên tài sản, nhưng tài sản kê biên thuộc diện tài sản chung của bị án với người khác hoặc việc kê biên trong giai đoạn tố tụng còn nhiều nội dung khó thi hành án…
Tuyên án chính xác là vấn đề số 1
Thời gian qua, do thực hiện nhiều giải pháp, các chương trình phối hợp giữa các ngành nội chính, trong đó có Tư pháp và ngành Tòa án nên đã hạn chế rất nhiều tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành. Các vụ việc cần giải thích, nhiều vụ Tòa giải thích đã kịp thời hơn. Tính đến cuối năm 2016, đã có 12 tỉnh không còn bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành. Chất lượng bản án được nâng cao phù hợp với thực tế cũng góp phần giúp hệ thống THADS hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, kết quả rà soát, lập danh sách các bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, có sai sót do Tổng cục Thi hành án, Bộ Tư pháp thực hiện cho thấy vẫn còn đến hơn 500 bản án, quyết định tòa án tuyên không rõ, khó thi hành. Số bản án, quyết định TAND tuyên không rõ, khó thi hành tập trung nhiều tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có lượng án phải thi hành lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bạc Liêu, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Mặc dù con số đã giảm nhiều so với trước đó song đáng chú ý là khi cơ quan THADS ban hành văn bản yêu cầu đính chính, giải thích hoặc kiến nghị xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. nhưng tỷ lệ văn bản phúc đáp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí nhiều vụ cơ quan THADS chưa nhận được trả lời hoặc trả lời rất chậm trễ.
Quá trình kiểm sát công tác THADS, VKSNDTC cũng chỉ ra rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm như: Tòa án, Công an, Viện kiểm sát... đôi khi còn thiếu chặt chẽ; những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời. Tình trạng bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa rõ ràng, việc giải thích bản án, quyết định còn chậm, cá biệt có trường hợp Tòa án không giải thích hoặc không trả lời cơ quan THADS theo qui định.
Luật THADS quy định rõ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS có quyền yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành. Khoản 1 Điều 179 Luật cũng qui định trách nhiệm của Tòa án khi ra bản án: “Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế”; khoản 2 Điều luật này cũng qui định trách nhiệm của Tòa án: “Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan THADS. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu”.
Tuy nhiên, với thực tế đã chỉ ra ở trên cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong việc ban hành các bản án, quyết định của Tòa án. Bởi lẽ, nếu án tuyên thiếu chính xác không những gây khó khăn cho cơ quan THADS mà còn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, dễ phát sinh khiếu nại. Do đó, tăng cường công tác phối hợp để giải thích kịp thời các bản án tuyên không rõ, khó thi hành là việc làm cần thiết nhưng quan trọng hơn, cần nâng cao chất lượng các bản án, quyết định được ban hành.