Pháp luật về BTNN trong THADS còn nhiều bất cập
Thời gian qua, công tác BTNN trong hoạt động THADS đã từng bước đi vào nền nếp, các cơ quan THADS có trách nhiệm bồi thường đã kịp thời thụ lý, xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo bản án tuyên của Tòa án theo đúng quy định pháp luật. Số lượng vụ việc BTNN giải quyết dứt điểm ngày càng tăng lên, một số vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm đến nay đã được giải quyết dứt điểm, góp phần khôi phục, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác BTNN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Thực tiễn cho thấy các vụ việc phát sinh trách nhiệm BTNN thường là những vụ việc phức tạp, từ quá trình tổ chức thi hành án cho đến quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm, đòi hỏi phải định giá lại toàn bộ vụ việc để xác định hành vi và mức độ sai phạm và xác định lỗi của người gây thiệt hại. Điều này khiến việc kiểm tra, xác minh lại hồ sơ thi hành án rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình giải quyết bồi thường và thẩm định hồ sơ giải quyết bồi thường.
Cùng với đó, pháp luật về BTNN trong hoạt động THADS còn nhiều bất cập, khó khăn trong quá trình áp dụng để giải quyết, xử lý các vụ việc thực tiễn phát sinh. Hiện vẫn chưa có quy định xử lý đối với các trường hợp yêu cầu bồi thường không phù hợp, không hợp tác với cơ quan giải quyết bồi thường; chưa có quy định về việc thu hồi tiền để hoàn trả ngân sách nhà nước trong trường hợp có người thứ ba được hưởng lợi; quy định về mức hoàn trả của công chức có hành vi trái pháp luật chưa đảm bảo tính răn đe nhằm nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, hạn chế làm phát sinh trách nhiệm BTNN để thi hành án.
Công tác BTNN trong THADS là lĩnh vực mới, phức tạp, trong khi đó công chức, cán bộ chịu trách nhiệm tham mưu về công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường, bảo đảm tài chính của đương sự trong một số vụ việc chưa cao, chưa chủ động xác minh, làm việc, thương lượng với bên yêu cầu bồi thường dẫn đến kéo dài quá trình giải quyết, đương sự khiếu kiện kéo dài. Việc xem xét, xác định và đôn đốc thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người có hành vi sai phạm chưa được chú trọng, thậm chí còn bị buông lỏng, dẫn đến hạn chế tác dụng răn đe. Cùng với đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về BTNN của một số người dân còn hạn chế, vẫn tồn tại việc chống đối, cố tình không tuân thủ pháp luật về BTNN mặc dù đã được các cơ quan nhà nước vận động, thuyết phục và giải thích.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ
Để công tác BTNN trong hoạt động THADS thời gian tới có nhiều chuyển biến tích cực, nhanh chóng và hiệu quả hơn, các cơ quan THADS cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế sai phạm phát sinh trách nhiệm BTNN. Theo đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong toàn bộ hoạt động của hệ thống THADS, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp công chức có hành vi sai phạm.
Nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là nghiệp vụ tổ chức thi hành án đối với đội ngũ chấp hành viên nhằm đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, hạn chế thấp nhất những vi phạm xảy ra trong quá trình tổ chức thi hành án. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; tổng kết thực tiễn sai phạm để rút kinh nghiệm chung trong toàn hệ thống, giải quyết kịp thời, hạn chế hậu quả thiệt hại phải bồi thường.
Mỗi cơ quan THADS cần tăng cường quản lý và thực hiện tốt hơn công tác dự báo, hạn chế thấp nhất các vụ việc có thể xảy ra bồi thường trong THADS, thường xuyên kiểm tra, rà soát các quyết định, hành vi thực thi công vụ trong hoạt động THADS có thể dẫn đến vi phạm, phải bồi thường để tổ chức rút kinh nghiệm, phòng tránh. Tổng cục THADS chủ động kiểm tra, theo dõi, đôn đốc kịp thời các vụ việc BTNN phát sinh, tập trung tham mưu giải quyết, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường, nhất là các vụ việc bức xúc, kéo dài trong nhiều năm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết bồi thường của các cơ quan THADS, tránh tình trạng kéo dài, làm phát sinh thêm số tiền phải BTNN.
Các cơ quan THADS có trách nhiệm bồi thường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong việc thu hồi khoản tiền phải hoàn trả ngân sách nhà nước trong trường hợp người có lỗi gây ra thiệt hại chuyển nơi sinh sống hoặc chuyển công tác. Đối với những vụ việc có khả năng xảy ra bồi thường, các cơ quan THADS có công chức gây sai phạm phải chủ động khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại, tổ chức tiếp xúc người bị thiệt hại với thái độ cầu thị nhằm giảm bức xúc của người dân đối với cơ quan THADS