Châu Á có thể đóng vai trò đầu tàu vượt khỏi khủng hoảng toàn cầu hậu đại dịch

(PLVN) - Các nhà lãnh đạo châu Á nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh để phối hợp các chính sách tài chính, thương mại, y tế công cộng và an ninh lương thực - các chuyên ra đưa ra sáng kiến này trong báo cáo có tên "Chiến lược phục hồi và tái thiết châu Á giai đoạn hậu Covid-19".

Các tác giả của bản báo cáo là một nhóm các chuyên gia kinh tế và cố vấn chính phủ từ Úc, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Nhiều người trong số họ đã giữ chức vụ cao trong các cơ quan điều hành của đất nước họ. Dự án này được thực hiện dưới sự điều phối của các trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Úc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, tham gia hội nghị thượng đỉnh phải có các đối tác đối thoại ASEAN theo định dạng ASEAN + 6, bao gồm Úc, Ấn Độ và Trung Quốc. Nỗ lực phối hợp của các nước châu Á là chìa khóa để đưa nền kinh tế thế giới vào con đường phục hồi sau khủng hoảng do đại dịch. Các tác giả của báo cáo cho rằng, hội nghị thượng đỉnh nên được dành riêng cho việc mở rộng cơ chế hoán đổi tiền tệ song phương để phòng ngừa rủi ro tài chính, và để duy trì và mở cửa các thị trường cho các sản phẩm y tế và thực phẩm.

Nên tiến hành những nỗ lực bổ sung ở cấp cao nhất để phối hợp thực hiện thủ tục nối lại các liên hệ thương mại quốc tế, và để ký kết Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa các nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN ký hiệp định FTA. Theo các nhà nghiên cứu, tất cả điều này sẽ cho phép tránh những hành động vì lợi ích vị kỷ của một số quốc gia, điều gần như chắc chắn đẩy thế giới tới một cuộc suy thoái kinh tế sâu hơn và lâu hơn.

Công nhân tại một nhà máy ở Hồ Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Một trong những tác giả của báo cáo, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, lưu ý rằng, bản báo cáo đã được chuẩn bị để tìm cách giải quyết các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hậu quả của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu, sự gia tăng liên tục của các rủi ro địa chính trị, ưu thế của chủ nghĩa dân túy trong quan hệ quốc tế. Ý kiến của ông được công bố trên trang web https://www.nsd.pku.edu.cn/sylm/xw/503288.htm. 

Đồng thời, chuyên gia cho rằng, Hoa Kỳ đã mất hứng thú và sức mạnh trong sự hợp tác đa phương. Cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng sẽ hạn chế khả năng của hai nước đóng góp mang tính xây dựng hơn cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Hợp tác quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, chuyên gia Trung Quốc nhận xét. Trong những điều kiện này, các quốc gia châu Á nên đoàn kết lại để đối phó với những thách thức trong lĩnh vực y tế công cộng quốc tế và để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.

"Nếu các nước châu Á lắng nghe và hưởng ứng lời kêu gọi của các tác giả báo cáo, thì hậu quả của cuộc khủng hoảng có thể ít kịch tính hơn so với dự đoán của các nhà khoa học chính trị và kinh tế chỉ một tháng trước", chuyên gia Alexander Salitsky từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) nói trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

Chuyên gia Nga giải thích tại sao châu Á có thể đóng vai trò đầu tàu trong quá trình vượt khỏi khủng hoảng toàn cầu hậu đại dịch: “Điều này là dễ hiểu, bởi vì trong 3-4 tháng đầu năm nay nền kinh tế châu Á không chìm quá sâu vào khủng hoảng, khác với các nền kinh tế của Hoa Kỳ và Châu Âu. Hơn nữa, ở Mỹ và châu Âu quý thứ hai thậm chí tồi tệ hơn nhiều so với quý I năm nay. Và ở châu Á, tình hình không tệ lắm so với họ. Ở nhiều nước, sự tăng trưởng vẫn tiếp tục. Ngoài ra, các nền kinh tế châu Á đã phải đối mặt với dịch bệnh sớm hơn Mỹ và châu Âu, và do đó, họ có thể sớm vượt khỏi cuộc khủng hoảng do các biện pháp kiểm dịch gây ra."

Đương nhiên, ở các quốc gia này sẽ xuất hiện xu hướng đẩy tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu tác động tích cực đến các trung tâm công nghiệp cũ ở châu Âu và Hoa Kỳ. Trên thực tế, khu vực kinh tế châu Á đang phục hồi đã trở thành trung tâm mới của nền kinh tế toàn cầu, có tính đến sự đóng góp của Trung Quốc, ASEAN và Hàn Quốc. Đại dịch đã làm tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế của Đông Á và Đông Nam Á đối với nền kinh tế thế giới”.

 Công nhân một nhà máy quần áo ở thành phố Đông Quan của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

"Nói cụ thể về vai trò của Trung Quốc, nước này có thị trường nội địa đầy tiềm năng, có đủ khả năng tài chính và tổ chức để chiếm vị trí hàng đầu trong nỗ lực chung của các nước châu Á để thoát khỏi khủng hoảng", chuyên gia Alexander Salitsky nói.

Ông Salitsky phân tích, người Trung Quốc đang có tâm trạng tốt. Họ hy vọng rằng, trong nửa cuối năm nay các hoạt động ngoại thương sẽ hồi phục. Vào tháng Tư họ đã đạt được kết quả tốt, bao gồm cả lượng nhập khẩu, bằng cách này Bắc Kinh hỗ trợ các nước láng giềng bởi vì thị trường Trung Quốc là rất quan trọng đối với nhiều nước.

Ngoài ra, trong năm nay sẽ tổ chức Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 3. Đây là một sự kiện phi thường trong nền kinh tế toàn cầu, khi một quốc gia mời các nhà xuất khẩu nước ngoài tham gia cuộc triển lãm trên lãnh thổ của mình. Phía Trung Quốc cũng có ý muốn dành một số dự trữ ngoại hối để kích thích tăng trưởng kinh tế của các nước láng giềng.

"Để không bỏ lỡ những cơ hội quý báu, các đối tác kinh tế của Trung Quốc nên hưởng ứng và giới thiệu khả năng của mình. Trong mọi trường hợp, năm nay thị trường Trung Quốc trông hấp dẫn hơn thị trường Mỹ, và đây là một động lực cho sự phát triển hợp tác trên các sàn giao dịch của Trung Quốc” - ông nói.

Báo cáo “Chiến lược phục hồi và tái thiết châu Á giai đoạn hậu Covid-19” nhận định rằng, nếu các nước châu Á tận dụng cơ hội tăng cường hợp tác và điều phối phát triển kinh tế, họ có thể được coi là tấm gương sáng và điển hình cho Hoa Kỳ và châu Âu.

Đọc thêm