Châu Á của Trung Quốc?

(PLO) - Không dễ để nhận diện đâu là chính sách thực sự, đâu chỉ là những lời ngoại giao hoa mỹ của các chính khách. Ở Trung Quốc, điều này còn đặc biệt khó khăn hơn, bởi chính phủ thường xuyên nói một đằng làm một nẻo.
Xét trên bối cảnh này, câu hỏi đáng được đặt ra là liệu khẩu hiệu “Châu Á cho người châu Á” mà các quan chức Trung Quốc rao giảng gần đây –chỉ là một chiêu bài dân tộc chủ nghĩa nhằm lôi kéo sự ủng hộ của dân chúng trong nước – hay là một dấu hiệu cho thấy bước chuyển chính sách thực chất của nước này. 

“Châu Á cho người châu Á”

Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra thông điệp “Châu Á cho người châu Á” trong một diễn văn tại Hội nghị thượng đỉnh về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á.

Trong bài phát biểu được chuẩn bị công phu này, ông Tập đã nêu ra tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự an ninh mới của khu vực – trong đó, như khẩu hiệu đã nói, trật tự mới này do người châu Á chịu trách nhiệm xây dựng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đưa ra thông điệp "Châu Á cho người Châu Á" trong sự chào đón lạnh nhạt của các quốc gia láng giềng.
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đưa ra thông điệp "Châu Á cho người Châu Á" trong sự chào đón lạnh nhạt của các quốc gia láng giềng.

Theo ông Tập, về cơ bản “chính người dân châu Á là người điều hành các công việc của châu Á, giải quyết những vấn đề của châu Á và duy trì an ninh châu Á”.

May mắn thay, ông tuyên bố, họ có đủ khả năng và trí tuệ để xây dựng hòa bình và an ninh trong khu vực thông qua hợp tác.

Tất nhiên, tầm nhìn này đòi hỏi sự thay đổi lớn trong cấu trúc an ninh châu Á hiện tại. Cụ thể là vai trò của Mỹ sẽ bị suy giảm đáng kể. Thực chất là ông Tập ngầm chỉ trích cấu trúc an ninh do Mỹ thống trị hiện nay ở châu Á.

Theo ý ông, cấu trúc hiện tại bị mắc kẹt trong tư duy Chiến tranh Lạnh, đặc trưng bởi “liên minh quân sự nhằm vào bên thứ ba” – một cấu trúc không có lợi cho việc bảo đảm an ninh chung.

Sau bài phát biểu này, các quan chức cấp thấp và giới truyền thông Trung Quốc đã liên tục nhắc lại những phát biểu tương tự.

Thoạt nhìn, tầm nhìn này có vẻ hoàn toàn hợp lý. Sau tất cả, hầu hết các nước đều muốn quản lý công việc trong nước và khu vực mà không có sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Nhưng tuyên bố của ông Tập đánh dấu một sự chuyển hướng đáng lưu ý trong quan điểm lâu nay của Trung Quốc về sự hiện diện của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Kể từ khi tái lập quan hệ Mỹ -Trung bốn thập kỷ trước, Trung Quốc vẫn bảo lưu quan điểm khá mơ hồ về vai trò của Mỹ trong bảo đảm an ninh châu Á. Những nhà lãnh đạo thực dụng của Bắc Kinh đều biết rằng sự hiện diện của Mỹ giúp kiềm chế Liên Xô (và sau đó là Nga), ngăn cản Nhật Bản tái vũ trang và bảo vệ các tuyến đường biển mở.
Mối quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản chưa có dấu hiệu ấm lên trong thời gian gần đây, mặc dù giới ngoại giao hai bên đã nhiều lần đánh tiếng về các cuộc gặp cấp cao, do mâu thuẫn về tranh chấp lãnh thổ và việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, cùng những vết thương trong lịch sử.
 Mối quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản chưa có dấu hiệu ấm lên trong thời gian gần đây, mặc dù giới ngoại giao hai bên đã nhiều lần đánh tiếng về các cuộc gặp cấp cao, do mâu thuẫn về tranh chấp lãnh thổ và việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, cùng những vết thương trong lịch sử.

Trung Quốc cũng thừa nhận rằng họ không đủ sức mạnh để thách thức trật tự an ninh do Mỹ đứng đầu hay đưa ra một trật tự thay thế khả thi.

Điều này sẽ có thể thay đổi. Mặc dù một số nhà phân tích vẫn tin rằng quan điểm “châu Á cho người châu Á” của ông Tập chỉ là một nỗ lực vô vọng để củng cố uy tín trong nước của mình, thì không ít người cho rằng khẩu hiệu này hàm ý một sự thay đổi chính sách thực sự.
Mặc dù giả thiết này chưa thực sự thuyết phục, song chúng ta cũng không nên lập tức bác bỏ nó.

Hết cứng lại xoay sang mềm

Những bằng chứng thuyết phục nhất về sự sẵn sàng của ông Tập nhằm thách thức trật tự do Mỹ thiết lập có thể tìm thấy trong lĩnh vực kinh tế.

Nổi bật nhất là việc Trung Quốc đã thành lập các tổ chức phát triển mới như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Quỹ con đường tơ lụa mới. Thông qua các quỹ này Trung Quốc sẽ chuyển hàng chục tỷ đô la hỗ trợ công cuộc phát triển của các nước trong khu vực.

Đây là thách thức rõ ràng đối với các tổ chức đa phương hiện hành do phương Tây thống trị.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh Bắc Kinh có rất ít thành tựu trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn "Châu Á cho người châu Á".

Tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dùng tàu quân sự bảo vệ, dùng tàu hải cảnh phun vòi rồng vào tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam, dùng tàu cá đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến thế giới phẫn nộ lên án.
 Tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dùng tàu quân sự bảo vệ, dùng tàu hải cảnh phun vòi rồng vào tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam, dùng tàu cá đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến thế giới phẫn nộ lên án.
Hiển nhiên, Trung Quốc sở hữu những khả năng nhất định về mặt quân sự để ngăn chặn Mỹ can thiệp vào eo biển Đài Loan hay Biển Đông. Họ cũng đã nâng cấp quan hệ hợp tác an ninh với Nga và các nước Trung Á thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Nhưng những thành tích khiêm tốn này lại bị vô hiệu hóa bởi những thất bại về mặt an ninh mà nước này đã vấp phải do hành xử hung hăng trong các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.

Thực tế, sau nhiều tháng triển khai các hoạt động quân sự ngày càng mạnh mẽ - đáng chú ý nhất là tuyên bố đơn phương về vùng xác định phòng không bao phủ một vùng rộng lớn của biển Hoa Đông, gồm cả vùng lãnh thổ đang tranh chấp - mối quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản đã rơi xuống thấp chưa từng thấy.

Và các nước Đông Nam Á có liên quan đã cầu viện đến sự hiện diện của Mỹ trong khu vực như là một đối trọng với Trung Quốc.

Phía sau khẩu hiệu "châu Á cho người châu Á" có thể là niềm tin của Bắc Kinh rằng chính Mỹ, chứ không phải hành xử của Trung Quốc khiến cho các nước trong khu vực trở nên cứng đầu hơn. Một số nhà chiến lược Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ đang sử dụng các nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, như những “con tốt” để kiềm chế Trung Quốc.

Nếu quan điểm này chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận chính sách nội bộ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả ông Tập, hẳn là đã kết luận rằng, sự hiện diện an ninh của Mỹ ở châu Á đe dọa trực tiếp lợi ích của Trung Quốc và phải được loại bỏ.

Đó sẽ là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng, dựa trên sự nhầm lẫn cơ bản về động lực an ninh châu Á. Hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc, thậm chí Bắc Triều Tiên, lo sợ một bá quyền Trung Quốc. Và nếu sự hiện diện an ninh của Mỹ bị loại bỏ, đó là chính xác những gì họ sẽ phải đối mặt: "Châu Á cho người châu Á" sẽ là "Châu Á cho Trung Quốc".

Thật khó để tưởng tượng rằng những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, nổi tiếng với sự tinh tế và thực dụng, có thể đang theo đuổi một chiến lược không những khó giành được sự ủng hộ từ những người anh em châu Á, mà còn chắc chắn châm ngòi xung đột với Mỹ. Do vậy, "Châu Á cho người châu Á" sẽ vẫn chỉ là một khẩu hiệu.
Ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc cần tăng cường quyền lực mềm để thuyết phục thế giới về một Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình nhưng hành động của chính quyền Trung Quốc với những nước láng giềng thì gần như ngược lại.
 Ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc cần tăng cường quyền lực mềm để thuyết phục thế giới về một Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình nhưng hành động của chính quyền Trung Quốc với những nước láng giềng thì gần như ngược lại.

Trong thực tế, gần đây ông Tập đã làm mềm đi mô tả của mình về những mục tiêu của Trung Quốc. Gần đây ông này đã nói với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản rằng: "Chúng ta nên tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc, đưa ra một câu chuyện Trung Quốc tốt, và truyền đạt tốt hơn thông điệp của Trung Quốc với thế giới".

Thế nhưng, cho dù chỉ là một khẩu hiệu thì "châu Á cho người châu Á" vẫn gây rắc rối cho Bắc Kinh bởi những nguyên nhân mang tính lịch sử. Trong những năm 1930, phát xít Nhật sử dụng những ý tưởng về một "Đông Á cùng thịnh vượng" như một vỏ bọc cho những tham vọng đế quốc của mình. Khẩu hiệu này đã bị nhạo báng rộng rãi, đặc biệt là ở Trung Quốc, bởi sự vô lý rõ ràng của nó.

Điều này giải thích vì sao “châu Á cho người châu Á” nhận được sự chào đón lạnh nhạt. Hành động sáng suốt nhất mà  các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm được là từ bỏ nó, một lần và mãi mãi.

Đọc thêm