Không học bán trú, không được nhận vào trường
Tiếp phóng viên, một số người dân thôn 2 cho biết, trường Tiểu học Thiện Hưng A nằm trên địa bàn thôn 2, xã Thiện Hưng, là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. Vì là “trường điểm” nên ai cũng muốn gửi con em mình vào trường này học.
Lẽ thông thường, trường đóng tại thôn 2 thì các em học sinh cư trú tại đây được ưu tiên vào trường trước, sau đó mới tuyển các em trái tuyến, song không hiểu sao Hiệu trưởng Bốn lại làm trái quy định.
Bà Bùi Thị Na (SN 1960, ngụ thôn 2) tố cáo: “Năm học 2014 - 2015, tôi xin cho cháu ngoại là Hồ Gia Bảo (SN 2008) vào trường thì cô Bốn yêu cầu phải học bán trú mới được nhận. Vì gia đình khó khăn, nhà lại gần nên tôi muốn để cháu nhà ăn uống cho đỡ tốn kém, song cô hiệu trưởng nói: “Nếu không có điều kiện học bán trú thì về thôn mà học”.
Nhiều lần sau, tôi đến trường trình bày hoàn cảnh khó khăn, năn nỉ hết lời vẫn không được cô ấy chấp nhận. Vì sợ trễ học, gia đình tôi buộc phải xin cho cháu vào học tại Thiện Hưng C cách nhà 3 km”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ánh Mai (SN 1982, ngụ thôn 2, mẹ cháu Trần Thị Trâm Oanh SN 2008) tố cáo: “Nhà tôi gần trường, bé Trâm Oanh vốn lười ăn, gầy gò, ốm yếu nên buổi trưa tôi muốn đón con về nhà ăn uống, ngủ nghỉ song cô Bốn cương quyết không chịu, bảo: “Không học bán trú thì vào trường thôn mà học””.
Một số phụ huynh tố cáo con em mình không được vào trường vì Hiệu trưởng làm sai quy định |
Cả hai phụ huynh cho biết, ban đầu họ tưởng quy định của nhà trường chỉ nhận những học sinh bán trú nên buộc phải tuân thủ, nhưng sau được biết rất nhiều cháu trong thôn, thậm chí nhiều cháu trái tuyến khác không học bán trú vẫn được nhận vào trường. Người dân cho rằng, đây không phải quy định của trường mà là quyết định của riêng bà hiệu trưởng nhằm “moi” tiền phụ huynh.
Chị Vũ Thị Khuyên (SN 1972, cư trú ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước) kể, gia đình chị chuyền vào Bình Phước lập nghiệp nên phải chuyển trường học cho con. Tuy nhiên, lúc xin vào trường Thiện Hưng, hiệu trưởng Bốn liên tục gây khó dễ.
Ban đầu cô Bốn nói đây là trường điểm nên học sinh xin vào phải có giấy khen mới nhận. Khi đã bổ sung giấy khen, cô Bốn lại nhùng nhằng bảo phải xem xét thêm nhưng chờ hoài không thấy quyết định cho nhập học.
Biết bà Hiệu trưởng đang muốn “vòi” tiền, không đưa thì sợ con không được nhận, chị tố cáo “phải bỏ phong bì 800 ngàn đưa cho cô Bốn mới được giải quyết”.
Bất mãn trước sự “độc tài” của cô Bốn, cảm thấy hổ thẹn với bản thân nhưng vẫn phải “tiếp tay” cho cái xấu, đó là cảm giác của phụ huynh cháu Vũ Đức Hân (SN 2006, học lớp 3A1), anh Vũ Đức Hoan. Anh chia sẻ, ban đầu, cô hiệu trưởng đón nhận rất vui vẻ, hứa sẽ sắp xếp trong thời gian sớm nhất, song đến ngày các học sinh khác rục rịch tới trường con trai vẫn chưa được xếp lớp, anh phải mua bịch trái cây giắt thêm phong bì 1 triệu mang tới nhà “biếu” thì việc trên được giải quyết.
Một giáo viên xin giấu tên trong trường cho biết, mỗi năm trường chiêu sinh khoảng 140 học sinh, trong đó có độ 50 – 60 cháu thuộc địa bàn ấp 2, còn lại là học sinh từ các nơi khác. Những học sinh trái tuyến ngoài những cháu con em cán bộ, còn lại đều phải “lót tay” cho Hiệu trưởng mới được nhận vào trường.
Bớt tiền ăn của trò để đền hợp đồng
Người dân còn tố cáo bà Bốn ngang nhiên bớt tiền ăn học sinh để “trả nợ” do vỡ hợp đồng xây dựng nhà ăn bán trú với một công ty xây dựng trên địa bàn. Theo các giáo viên, việc xây dựng, ký hợp đồng, bàn giao hợp đồng đều do Hiệu trưởng “tự biên tự diễn”, không ai được giám sát hợp đồng cho đến ngày được bà Bốn tuyên bố “vỡ hợp đồng”.
Nhà ăn bán trú gồm nhà bếp, phòng ăn được khởi công vào năm 2014 trên nền căn tin cũ trong khuôn viên nhà trường. Trước khi khởi công, Hiệu trưởng thông báo trước trường là sẽ mời một công ty phụ trách nấu ăn ở tận TP.HCM tới xây dựng và phục vụ nấu ăn cho học sinh.
Song, trong suốt quá trình xây dựng, không ai thấy chủ đầu tư mà chỉ thấy Hiệu trưởng
đứng ra chỉ đạo tất cả. Vậy nhưng ngày 15/7/2014, người này lại đưa ra biên bản thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường và công ty Samaki về việc xây một nhà bếp 45 m2 , nhà ăn 180 m2 và mua sắm toàn bộ trang thiết bị tổng trị giá lên đến 300 triệu đồng cùng tuyên bố bể hợp đồng, bởi lý do số lượng học sinh ăn bán trú không đủ 500 em như hợp đồng. Trường phải trả tiền khấu hao tài sản cho công ty mỗi năm 60 triệu đồng trong vòng 5 năm.
Hiệu trưởng Bốn: “Việc bớt khẩu phần ăn của học sinh để trả nợ cũng là… điều bình thường” |
Chưa hết, bà Bốn kiêm luôn việc quản lý nhà ăn bán trú không cho phép giáo viên trong trường vào nhà ăn nếu không được sự đồng ý của mình. Ngoài ra, lấy lí do vì học sinh không ăn bán trú đúng như dự toán của mình, Hiệu trưởng bắt học sinh cũng phải chịu một phần tổn thất bằng việc tự ý cắt bớt khẩu phần ăn hàng ngày của các em để trả nợ. Bởi thế dù vẫn đóng 22 ngàn tiền ăn nhưng các em chỉ được ăn suất cơm trị giá 12 ngàn. Phần ăn này dở đến nỗi nhiều học sinh thà nhịn đói còn hơn ăn trưa tại trường.
Ngăn cản báo chí, cho người hủy hoại đồ nghề nhà báo
Để xác minh những thông tin trên, phóng viên đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với bà Bốn để làm rõ. Bà Bốn cho biết, dù không làm gì khuất tất nhưng từ khi bị rải tờ rơi nói xấu khắp nơi, bà rất xấu hổ với mọi người. Việc không nhận 2 học sinh diện “ưu tiên” như lời tố cáo trên là do có người đứng sau “giật dây” nhằm hạ uy tín mình. Liên quan đến việc nhận tiền phụ huynh, vị Hiệu trưởng phản bác: “Không có chứng cứ”.
Nói về việc đền bù hợp đồng cho công ty xây dựng, bà Bốn ngông cuồng nói: “Hiện nay đang xã hội hóa giáo dục, gia đình, nhà trường, xã hội đều chung tay làm nên việc bớt khẩu phần ăn của học sinh để trả nợ cũng là… điều bình thường. Mình làm vỡ hợp đồng thì phải đền cho họ chứ”, bà Bốn nói.
Trong khi phóng viên vẫn đang tiếp tục thu thập thông tin các bên liên quan thì chiều ngày 19/11 bà Bốn chủ động liên hệ với các phóng viên tới trường Thiện Hưng để trao đổi, với sự tham dự của ông Phạm Văn Chiến, chủ tịch UBND xã Thiện Hưng.
Tại đây ông Chiến đã lấy luôn giấy giới thiệu của một phóng viên không chịu trả lại. Cùng lúc đó, ông Thắng (chồng bà Bốn) và một người tên Ý xông vào hành hung, giật điện thoại phóng viên ném và giẫm gãy nát. Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Bù Đốp đã mời những người liên quan về trụ sở công an để điều tra vụ việc.
Chiều ngày 22/11, ông Hà Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy huyên Bù Đốp, cho biết: “Những sai phạm của cô Bốn, chúng tôi đã nhận được đơn tố cáo của người dân và các giáo viên trường Tiểu Học Thiện Hưng A và đã chỉ đạo ủy ban kiểm tra Huyện ủy điều tra làm rõ, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Việc hủy hoại tài sản, cản trở phóng viên tác nghiệp, chúng tôi cũng đã chỉ đạo UBND huyện, Công an huyện vào cuộc. Về mặt Đảng, huyện đã gửi công văn yêu cầu Đảng ủy xã Thiện Hưng xác minh làm rõ những sai phạm của ông Chiến và bà Bốn về những hành vi trên”. /.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com