Đây là Chiến lược nhằm hướng tới hoạt động ổn định, dài hạn của công tác tư pháp trong bối cảnh đất nước có nhiều chuyển biến nên thu hút được sự quan tâm của các thành viên tham dự.
4 nhóm mục tiêu phát triển
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (đơn vị được giao chủ trì soạn thảo Chiến lược) Nguyễn Văn Hiển cho biết: Trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có những chuyển biến quan trọng và có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của ngành Tư pháp thì mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành Tư pháp phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và đủ năng lực thực hiện tốt các chức năng được giao, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.
Để thực hiện mục tiêu tổng quát trên, Dự thảo Chiến lược dự kiến 4 nhóm mục tiêu phát triển chính cùng các giải pháp triển khai. Cụ thể là, ngành Tư pháp có vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thông qua việc phát triển các tư tưởng về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam; phát huy vai trò chủ động, tích cực của ngành Tư pháp với vị trí là cơ quan của Chính phủ có nhiệm vụ gắn kết việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp cũng sẽ củng cố và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực quản lý cốt lõi của ngành Tư pháp về xây dựng và thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, thi hành án và các dịch vụ công do ngành quản lý.
Đồng thời thiết kế hợp lý, khoa học tổ chức, bộ máy của ngành, đảm bảo vận hành thông suốt, hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc, phát triển đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp toàn diện về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng chuyên nghiệp, ứng xử đúng mực và có đạo đức tốt.
Nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện
Ủng hộ sự cần thiết xây dựng Chiến lược, các đại biểu tham dự cuộc họp đã góp nhiều ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện Dự thảo Chiến lược. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế Dương Đăng Huệ, nếu khẳng định Bộ Tư pháp giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người thì phải phân tích xem Bộ Ngoại giao hay có Bộ nào khác làm không, tại sao Bộ Tư pháp làm tốt nhất để được giao lĩnh vực này.
Ông Huệ cũng cho rằng, cuộc sống vận động sẽ kéo chức năng, nhiệm vụ vận động theo nên Chiến lược phải dự báo đến năm 2030 ngành Tư pháp sẽ làm nhiệm vụ nào tốt hơn hoặc có thể không còn làm nhiệm vụ gì.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan nhận xét, Dự thảo hiện nay giống kế hoạch phát triển hơn là Chiến lược tổng thể, nếu như vậy nên chăng tham khảo Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính. Chiến lược cần làm rõ vai trò của Bộ Tư pháp trong hệ thống các cơ quan nhà nước, thậm chí “có cần Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng không”, hay trong hoàn thiện thể chế thì vai trò phải như thế nào.
“Bộ Tư pháp cần hội nhập sâu hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội hơn là chỉ thuần túy về pháp luật” – ông Phan mong muốn.
Đến từ VKSNDTC, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi đánh giá cao việc xây dựng Chiến lược của ngành Tư pháp vì ngành KSND mới chỉ có Chiến lược về công tác cán bộ, Chiến lược về công tác đào tạo nhưng chưa tiến hành nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển tổng thể của ngành.
Bà Chi chia sẻ, ở các nước, Bộ Tư pháp “thống lĩnh” các cơ quan tư pháp, song ở Việt Nam, Bộ Tư pháp giống như Bộ Pháp luật, do đó hiện tại và thời gian tới cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ hiện hành, phát triển đội ngũ cán bộ, còn trong tương lai có vươn ra quản lý các lĩnh vực tư pháp, có đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp hay không rất cần tính đến…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường yêu cầu phải tận dụng tối đa trí tuệ xây dựng Chiến lược mang tính nền tảng cho tất cả các lĩnh vực khác của ngành, sử dụng nhiều hơn nữa kết quả nghiên cứu của các nhánh đề tài trước đây.
Cũng theo Bộ trưởng, Chiến lược phải bám sát hơn nữa tình hình phát triển kinh tế - xã hội và dự báo được tình hình vận động của xã hội Việt Nam, của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tác động đến bộ máy nhà nước, trong đó có Bộ Tư pháp ra sao để báo cáo Chính phủ, các cơ quan có liên quan...
Đặc biệt, “đến hết giai đoạn 2016 – 2020, nước ta cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật thì Chiến lược đi về đâu, từ đó xác định không phải lĩnh vực nào cũng phát triển, sẽ có lĩnh vực cần thu hẹp lại” – Bộ trưởng nêu vấn đề.