Vừa qua, chồng của một Thư ký tòa án tại TP HCM bị bắt quả tang khi nhận từ đương sự tám mươi lăm triệu tiền “chạy án” với thỏa thuận sẽ được nhận án treo. Cuối năm trước, một Thư ký tòa cũng tại TP HCM đã phải nhận mức án 7 năm tù giam cũng từ một vụ “chạy án”. Trước đó, một nữ Thư ký tòa án huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) cũng bị kết án nhiều tháng tù trong một vụ “chạy án” với giá 5 triệu đồng cho một vụ dân sự.
Các vụ “chạy án” bị phanh phui phần nhiều là do Thư ký tòa nhận và sau đó sự việc bại lộ do người đưa tố giác, công an bắt quả tang và đều bị truy tố và xét xử về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chứ không phải bản chất là của vụ việc là hối lộ.
Điều này đã giải thích vì sao không thể nào phát hiện được một đường dây “chạy án” mà dư luận xôn xao, bàn tán. Không bao giờ người ta đi sâu hơn, tìm rõ ngọn nguồn, lần theo đầu mối mà chặt đứt ngay mắt xích đầu tiên dẫn ra đường dây đó.
Không ít các vụ án này, bị cáo kêu oan, cho là mình chỉ là người “nhận hộ”, “bị thí tốt”, hơn nữa, còn chỉ ra các Thẩm phán, Kiểm sát viên đã thỏa thuận và yêu cầu mình như thế nào. Song, mọi chuyện bị bỏ qua và do không đủ thẩm quyền giải quyết công việc mà họ nhận giúp như án treo, giảm hình phạt, thắng kiện, tại ngoại,... nên họ bị buộc vào tội lừa đảo, vì không bị xử về tội hối lộ nên thanh danh của ngành Tòa án không hề bị nhiễm bẩn và các vụ “chạy án” vẫn tiếp tục xảy ra nhưng chỉ là dị nghị, chứ “chứng cứ đâu”!
Dư luận rất bất bình trước các vụ án “rất nghiêm trọng” nhưng bản án tuyên lại rất nhẹ, điển hình như vụ xử “trùm giang hồ” ở Bắc Ninh vừa qua.
Trong khi đó, 3 anh nông dân trộm 3 con vịt để nhậu nhận 13 năm tù hay lũ trẻ con chơi đùa giật mũ của nhau mà trở thành tội cướp, vướng vào vòng lao lý, mất hết cả tương lại.
Sự khoan hồng như phạm tội lần đầu, không vụ lợi, già cả, đau ốm, nhân thân tốt,... để không cần thiết phải xử lý hình sự hầu như chẳng bao giờ những trẻ em, nông dân, người yếu thế trong xã hội được hưởng.
Pháp luật chỉ giữ được ý nghĩa thực sự của nó khi công bằng và nghiêm minh. Còn tình trạng “nén bạc đâm toạc tờ giấy” thì mọi cố gắng cải cách tư pháp sẽ còn gặp nhiều trở ngại rất lớn.
“Chạy án” – một tổn thương khó lành cho hoạt động Tư pháp nước nhà và kéo theo nó là một hệ lụy không nhỏ về tính nghiêm minh của kỷ cương pháp luật và cả đạo lý, nhân cách, sự công bằng xã hội.