'Chạy nước rút' cùng ngư dân gỡ 'thẻ vàng'

(PLVN) - Lực lượng biên phòng đã “bám dân, bám tàu, bám biển, bám sát đối tượng”, nỗ lực ngăn chặn khai thác IUU, nhất là trong 180 ngày cao điểm, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 trong tháng 6/2023 nhằm gỡ “thẻ vàng”.

Ý thức là chìa khóa mấu chốt “gỡ thẻ”

Tại khu vực Tây Nam, Cà Mau là địa phương có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254km, vùng biển rộng khoảng 80.000 km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia nên công tác phòng chống IUU luôn được các ngành chức năng chú trọng thực hiện. Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền vận động chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; đảm bảo đầy đủ thủ tục giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật và thiết bị giám sát hành trình khi ra biển...

Tính đến 28/2/2023, tại Cà Mau có hơn 4.000 phương tiện, trong đó 1.588 phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động xa bờ. Hiện 100% tàu cá trên địa bàn Cà Mau đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và các thủ tục giấy tờ, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển. Ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của ngư dân đã được nâng lên, việc vi phạm IUU giảm rõ rệt.

Lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát trong thời điểm "chạy nước rút" 180 ngày gỡ "thẻ vàng"

Ông Đỗ Quốc Lượm - Đội trưởng Đội Tàu an toàn tại khu vực Đồn Biên phòng Sông Đốc (trú tại khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết: Để tháo gỡ, rút “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, Đồn Biên phòng Sông Đốc (BĐBP tỉnh Cà Mau) đã nhiều lần tuyên truyền cho người dân thực hiện đúng quy định đánh bắt hải sản. Thông qua đó, người dân dần nhận thức được tầm quan trọng và nâng cao ý thức chung tay tháo gỡ “thẻ vàng". Người dân cố gắng cùng các lực lượng thực hiện tốt chính sách của Nhà nước đề ra, với mục tiêu đến giữa năm 2023 gỡ được thẻ để sản phẩm của mình được mở rộng ra thị trường nước ngoài, giúp ngư dân có thu nhập tốt hơn.

Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Ông Lượm cho biết thêm, trong các buổi họp định kỳ hàng tháng của Đội tàu an toàn, lực lượng biên phòng luôn chú trọng phổ biến các thông tin cho thành viên trong đội để mở rộng thông tin. Đồng thời, các thành viên trong đội thường xuyên tuyên truyền trên máy điện đàm, trao đổi với các ngư dân khác không đánh bắt vùng biển nước ngoài, xâm phạm lãnh hải vùng biển.

Tại Kiên Giang, công tác tuyên truyền phòng chống IUU cũng được đẩy mạnh thực hiện. Thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã độc lập và phối hợp cùng các lực lượng, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con ngư dân và các chủ tàu. Trong đó, đơn vị đã tuyên truyền tập trung 28 cuộc cho 5.517 ngư dân, chủ tàu. Khi làm thủ tục cho tàu cá ra, vào cửa sông, cửa biển, các đồn, trạm Biên phòng thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho 2.688 thuyền trưởng, phát 2.150 tờ rơi, 500 thư kêu gọi của Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, 2.500 cuốn tài liệu tuyên truyền về chống khai thác IUU, tặng 650 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân...

Hướng dẫn ngư dân kiểm tra hộp đen

Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh Kiên Giang thường xuyên phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển và chống khai thác IUU. Đơn vị đã tổ chức 66 cuộc cho 282 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia; kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở gần 400 thuyền trưởng, chủ tàu cá; xử lý 5 vụ/5 chủ phương tiện...

Phối hợp liên ngành xử lý vấn đề kịp thời

Mặc dù ý thức người dân đã dần được nâng cao, phối hợp tích cực với các ngành chức năng để khắc phục “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu, tuy nhiên vẫn còn một số cá nhân vì lợi ích kinh tế trước mắt tiếp tục vi phạm IUU, cá biệt vẫn còn một số ít vi phạm vùng biển nước ngoài. Trước tình trạng này, với vai trò chủ lực, lực lượng biên phòng đã tăng cường tuyên truyền cho ngư dân với nhiều hình thức như “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hỗ trợ từng chủ tàu thực hiện kiểm soát, quản lý tàu cá khai thác trên biển, giúp ngư dân không vi phạm khi khai thác hải sản. Trên khu vực biển, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển luôn sẵn sàng hỗ trợ khó khăn với ngư dân 24/24h.

Kiểm tra máy giám sát hành trình của ngư dân

Theo Đại úy Đỗ Văn Lanh – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc (BĐBP tỉnh Cà Mau), trong công tác xử lý vi phạm lãnh hải, để xác định được ranh giới hoặc phương tiện mất kết nối thì lực lượng biên phòng cần xác minh và phối hợp liên ngành. Đồn Biên phòng Sông Đốc thường xuyên phối hợp với Cảng cá Sông Đốc, Đội Thanh tra liên ngành tổ chức giám sát trên máy giám sát hành trình tàu cá, cũng như mời chủ phương tiện và thuyền trưởng vào làm việc để xác định hành vi chủ quan và khách quan đối với thuyền trưởng.

Lực lượng biên phòng kêu gọi ngư dân không vi phạm IUU

Đối với các phương tiện mất kết nối 10 ngày, Đại úy Đỗ Văn Lanh cho biết đã phối hợp với liên ngành tổ chức điều tra xử lý, báo cáo kịp thời. Đồn Biên phòng Sông Đốc chủ động phối hợp với Văn phòng đại diện IUU tại Cảng cá Sông Đốc mời chủ phương tiện để làm việc cụ thể về thời gian mất kết nối. Nguyên nhân các phương tiện mất kết nối trong thời gian qua đa phần do các thiết bị giám sát hành trình tàu cá có sóng yếu, thời tiết xấu dẫn đến mất kết nối, hoặc trong quá trình đánh bắt, chủ phương tiện chưa đảm bảo được đóng phí nên bị ngắt kết nối.

Phối hợp đồng bộ đa địa phương

Nhằm góp phần phát triển nghề cá có trách nhiệm, khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản trên ngư trường và khắc phục gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu thì công tác phối hợp đồng bộ các địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin, để quản lý hoạt động khai thác thủy sản nói chung, quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài IUU nói riêng, những năm qua, Cà Mau không chỉ phối hợp với Kiên Giang mà đã ký kế hoạch phối hợp với 8 tỉnh khu vực ven biển ĐBSCL.

Trao cờ cho ngư dân

Cà Mau đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp phối hợp, định kỳ hàng năm đều có tổ chức sơ kết đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các nội dung phối hợp. Qua thời gian phối hợp với các tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng đây là một bước đi đảm bảo sự quản lý Nhà nước về khai thác thủy sản, không chỉ trên địa bàn của mỗi địa phương mà từng địa phương có thể quản lý phương tiện của mình khi đang hoạt động ở vùng biển địa phương khác. Thông qua quy chế phối hợp, việc quản lý hoặc cư trú của các phương tiện ở các địa phương khác vẫn có thể quản lý được.

Công tác phối hợp đồng bộ các địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong gỡ “thẻ vàng”

Tình hình phòng chống IUU trong hơn 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hạn chế. Để sớm khắc phục điều này hướng tới chung tay gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, không chỉ lực lượng biên phòng mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương ven biển với sự quyết liệt, đảm bảo lợi ích quốc gia và người dân.

Đọc thêm