Chế độ cho vận động viên - có thực mới vực được đạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Muốn vận động viên (VĐV) đến với những sân chơi lớn như ASIAD hay Olympic, vấn đề đầu tiên của ngành thể thao nước nhà là bảo đảm cho họ một cuộc sống tốt và một tương lai hứa hẹn kể cả sau khi giải nghệ. Tuổi đời của VĐV rất ngắn, nên cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt.
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh. (Ảnh minh họa: Gia Bảo)
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh. (Ảnh minh họa: Gia Bảo)

Chuyện VĐV chúng ta ăn uống đạm bạc, bị cắt giảm, thu giữ lại một phần tiền thưởng khi giành huy chương đã được phản ánh. Nhằm chấm dứt tình trạng đó và nâng cao đời sống của VĐV, mới đây, Cục TDTT đã ban hành Công văn số 1196/CTDTT-KHTC gửi các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (TTHLTTQG) về việc tăng cường quản lý thực hiện chế độ, chính sách cho VĐV, HLV các đội tuyển quốc gia. Việc ban hành công văn này nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực TDTT.

Chuyện chính sách cho VĐV từ lúc tập luyện, thi đấu và giải nghệ luôn là vấn đề đau đầu của cấp quản lý. Chính sách lương, thưởng đã có quy định của nhà nước, nhưng mức thưởng đó vẫn rất hạn chế với những đóng góp của họ với thể thao nước nhà. Và khi vấn đề đời sống không bảo đảm, nhiều VĐV tài năng sẽ chọn con đường khác hơn là thi đấu.

Khi nói về vấn đề này, Cục trưởng Đặng Hà Việt chia sẻ: “Thực tế hiện nay cũng như nhiều năm qua, bài toán về chế độ tiền lương, tiền công dành cho VĐV đỉnh cao còn khá hạn hẹp, để lo cho cuộc sống gia đình và định hướng cho tương lai sau khi giải nghệ, nhiều VĐV đã phải bỏ tiền túi ra đi học (học đại học, thạc sĩ, hay các công việc chuyên môn khác). Làm thế nào để hỗ trợ cho VĐV có được chế độ đãi ngộ tốt nhất, giúp họ yên tâm thi đấu tập luyện trong thời gian còn thi đấu đỉnh cao và sau giải nghệ là bài toán mà toàn ngành TDTT đã và đang tiếp tục tìm cách tháo gỡ”.

Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết thêm, đã có nhiều doanh nghiệp đồng hành với VĐV cũng như chính sách của từng địa phương đã có tiến bộ, nhưng như vậy vẫn chưa đủ khi đối tượng VĐV đang hăng say tập luyện, thi đấu rất lớn và họ vẫn trông chờ vào chính sách của Nhà nước: “Gần đây cũng đã có nhiều tổ chức doanh nghiệp, các trường đại học đã có các chương trình ký thỏa thuận hỗ trợ, hợp tác cho VĐV đỉnh cao (trao các suất học bổng, tạo điều kiện việc làm sau khi giải nghệ...). Tuy nhiên, vẫn còn khá khiêm tốn. Hay gần đây nhất, Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc hỗ trợ, chế độ ưu đãi đối với những VĐV giành vé tham dự Olympic (hỗ trợ tiền công và tiền lương trong 4 năm VĐV đạt vé và giành thành tích tốt tại các kỳ Olympic), qua đó giúp VĐV có được tâm lý vững tâm, thỏa sức cống hiến với đam mê thể thao mang thành tích tốt nhất (bởi mức lương + chế độ ưu đãi đặc thù đã bảo đảm khá tốt cuộc sống hàng ngày). Việc làm tiên phong như Hà Nội rất cần được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước, điều này chắc chắn góp phần đưa Thể thao Việt Nam có những bước tiến đột phá trên đấu trường châu lục và thế giới”, ông Việt nhấn mạnh.

Theo Công văn số 1196/CTDTT-KHTC nói trên, Cục TDTT giao trách nhiệm “Thủ trưởng các đơn vị nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi và theo quy định của pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước được giao tại đơn vị.

Thường xuyên rà soát, xây dựng, hướng dẫn, công khai quy trình, thủ tục, định mức… liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến VĐV, HLV, người lao động như: tiền lương, tiền hỗ trợ, các khoản đóng góp theo lương, tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền thực hiện chế độ dinh dưỡng (mức ăn hàng ngày, thực đơn), thực phẩm chức năng, trang thiết bị cấp phát cho VĐV, HLV mỗi khi được triệu tập theo quyết định…”.

Công văn cũng nhấn mạnh: “Nghiêm cấm các trường hợp chi sai nguồn khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; nghiêm cấm thực hiện các khoản chi ngoài dự toán, các khoản chi trái quy định của pháp luật, sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định. Nghiêm cấm việc không hạch toán, bỏ ngoài sổ sách kế toán và báo cáo tài chính năm các khoản thu, chi từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và các nguồn thu khác (các khoản thu cho thuê, kinh doanh, dịch vụ, thu hộ, chi hộ; kinh phí tài trợ, viện trợ …)”.

Sự ra đời của công văn này nhằm chấn chỉnh lại những sự kiện đáng tiếc đã xảy ra trong ngành Thể thao, đồng thời bảo đảm chính sách, nâng cao mức sống, thu nhập cho VĐV.