Chế độ dinh dưỡng cho F0 cách ly tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý và tập luyện các bài tập để tăng cường chức năng hô hấp, giữ tinh thần lạc quan, nhanh chóng cải thiện sức khỏe.
Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ.

Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có hướng dẫn Chế độ dinh dưỡng và bài tập vận động cho F0 cách ly, điều trị tại nhà.

Theo đó, Bộ Y tế đánh giá việc cung cấp dinh dưỡng cho F0 nhẹ và không có triệu chứng tại nhà là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng. Khi bị nhiễm, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống, do vậy cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt dẫn tới suy dinh dưỡng.

Nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho F0 mức độ nhẹ và không có triệu chứng:

Ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường. Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi có ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi...

Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng. Tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

Để dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, an toàn, các ca nhiễm COVID-19 cần:

Đảm bảo đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng - xanh thẫm.

Không bỏ bữa, ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ; Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt; Không kiêng khem thực phẩm nếu không dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sĩ; Người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa.

Tránh đồ ăn, uống có nhiều đường, muối, rượu, bia; Thực phẩm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh; không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng; Bảo đảm vệ sinh khi chế biến thực phẩm, luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm; Sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày), nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát. Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả. Người bệnh có sốt nên uống Orezol để bù nước và điện giải.

Khuyến khích cho trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ trên 2 tuổi 500 ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày, đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).

Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.

Tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao. Theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào/ngày. Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào dưới 70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cần được tư vấn cụ thể bởi nhân viên y tế.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, F0 cách ly, điều trị tại nhà cần tập luyện giúp giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn, tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp, ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần. Các bài tập luyện dành cho F0 điều trị tại nhà như:

Hướng dẫn bài tập luyện dành cho F0 cách ly tại nhà.

Hướng dẫn bài tập luyện dành cho F0 cách ly tại nhà.

1. Tập thở

Một số kiểu tập thở gồm: thở chúm môi, thở cơ hoành, thở bụng. Nếu người nhiễm có tiết nhiều đờm dịch thì tập kỹ thuật thở chu kỳ chủ động và kỹ thuật ho.

2. Tư thế nghỉ ngơi

Nếu kết quả đo ôxy máu (SpO2) dưới 94% hoặc thấy mệt, khó thở, người nhiễm có thể áp dụng tư thế nằm sấp, nằm đầu cao, nằm nghiêng. Tiếp tục theo dõi ôxy máu khi thay đổi tư thế.

Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường: mệt, khó thở hay đau ngực tăng cần dừng tập theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên cả khi nghỉ cần báo cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.

3. Tập vận động tại giường

Người nhiễm COVID-19 từ nhẹ đến vừa được khuyến cáo nên nghỉ ngơi tại giường và vận động vừa sức. Vận động giúp hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu và giúp thư giãn.

Đọc thêm