Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửỉ. Hiện tại dự luật quy định sẽ chỉ bảo hiểm đối với tiền Việt Nam, nhưng một số đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý trong tình hình hiện nay.
|
Đại biểu quốc hội phát biểu trong phiên họp |
Bảo hiểm ngoại tệ cũng là cách để chống "đô la hóa"
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) phân tích, nếu chỉ bảo hiểm tiền gửi VNĐ thì sẽ có những bất cập, chưa phù hợp. Bởi, theo đại biểu này, nhà nước đã cho phép dân gửi vàng, ngoại tệ tại ngân hàng, thì ngân hàng phải có trách nhiệm khi nhận vàng, tiền của người gửi.
Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, loại tiền được bảo hiểm nếu chỉ là VNĐ là chưa hợp lý. Đại biểu Hải nói: “Nếu lấy lý do hạn chế đô la hóa thì các ngân hàng thương mại càng có nhiều cơ hội để huy động ngoại tệ nhiều hơn. Nếu coi đây chính là biện pháp hạn chế đô la hóa thì sẽ không hợp lý, vì khi lượng đô la nằm trong dân càng nhiều, tiêu dùng bằng đô sẽ càng tăng, và do đó hiện tượng đô la hóa càng mạnh hơn”.
Đại biểu Touneh drong Minh Thắm (Đak nông) đề nghị bảo hiểm vàng, vì theo bà, hiện nay tâm lý và thói quen của người dân là giữ giữ vàng. Vậy nên nếu có quy định bảo hiểm vàng, sẽ thu hút người dân đến gửi ngân hàng.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà nội) đưa ra quan điểm: Việc chỉ bảo hiểm tiền giử bằng đồng Việt Nam chưa bảo đảm được mục đích của hoạt động bảo hiểm tiền gưỉ. Mục đích của nó là bảo vệ người gửi tiền. Do đó người gửi ngoại tệ cũng cần được bảo vệ. Hơn nữa, bảo hiểm tiền gửi còn một mục đích nữa là để bảo đảm an toàn hệ thống, trong khi không dưới 20% tiền gửi trong ngân hàng là ngoại tệ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (VĨnh Phúc) cho ý kiến: Các ngân hàng phải có trách nhiệm quy đổi vàng, ngoại tệ đó ra VNĐ để bảo hiểm cho nguời dân.
Bảo hiểm tiền gửi là quan hệ hành chính hay kinh tế?
Các đại biểu quốc hội cũng đề nghị xem xét lại quy định về khiếu nại tố cáo trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Ông Nguyễn Mạnh Cường đại biểu tỉnh Quảng Bình nói: “Về khiếu nại bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Điều 36. Khiếu nại được quy định ở đây có phải là khiếu nại hành chính không? Nếu không thì nó thuộc loại nào? Trong khi thủ tục giải quyêt nó cũng giống như thủ tục hành chính.” Quan điểm của đại biểu Cường là trong bảo hiểm y tế thì những mâu thuẫn kiểu này là tranh chấp kinh tế, chứ không quy định là quan hệ hành chính như dự thảo bảo hiểm tiền gửi.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền – Hà Nội cho rằng khiếu nại tố cáo chỉ liên quan đến hành vi hành chính. Quan hệ kinh tế sao lại liên quan đến hành chính? Phải được điều chỉnh theo luật kinh tế, luật dân sự….
Tính minh bạch của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, mô hình tổ chức, quy định về hạn mức chi trả bảo hiểm, phí bảo hiểm tiền gửi… cũng là vấn đề được các đại biểu hết sức quan tâm.
Hôm nay (ngày 24/5), trong buổi sáng, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Buổi chiều, các tổ sẽ thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Cuối ngày làm việc hôm nay, các tổ sẽ tiếp tục lấy ý kiến về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.
Vân Tùng