Chi 'bộn tiền' để tảo mộ 'online' dịp Tết Thanh minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, số ca mắc cao nhất kể từ khi dịch bùng phát trong 2 năm qua, cùng với đó là các lệnh cấm nghiêm ngặt nhằm duy trì chiến lược “Zero COVID-19”, người dân được yêu cầu hạn chế đi lại. Cũng chính vì vậy mà “Tết Thanh minh” năm nay ở quốc gia này cũng khác hơn rất nhiều.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hình thức tảo mộ online tăng mạnh

Tết Thanh minh là một dịp quan trọng tại Trung Quốc, Chính phủ nước này từ năm 2007 coi Tết Thanh minh là ngày lễ chính thức với kỳ nghỉ lễ dài cùng các hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nước. Tết Thanh minh thường bắt đầu từ ngày 5/4 dương và kết thúc ngày cuối là 19/4 dương, ngày 20/4 dương đã chuyển sang tiết Cốc Vũ vì thế năm nay Tết Thanh minh bắt đầu từ ngày 05/3 âm đến ngày 20/3 âm và sang ngày 21/3 âm là ngày đầu của tiết Cốc Vũ.

Vào dịp này, người dân Trung Quốc tưởng nhớ tổ tiên, các thành viên gia đình quá cố và các anh hùng liệt sĩ quốc gia. Thế nhưng thay vì đi tảo mộ trực tiếp để chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng thành kính, hiếu thuận như mọi năm, hình thức online được nhiều người lựa chọn và tăng gấp gần 300%.

Tờ Global Times dẫn thống kê của Bộ Nội vụ Trung Quốc (MCA) cho thấy, có tới 6,95 triệu hoạt động tảo mộ trực tuyến được tổ chức trong Lễ Thanh minh năm 2022, hay còn gọi là Lễ Tảo mộ, đánh dấu mức tăng thường liên lên tới 275,7%. Trong khi đó, người dân đến các nghĩa trang để thương tiếc người đã khuất giảm 69,8% so với năm ngoái do đại dịch COVID-19, MCA cho biết.

Cũng theo cơ quan này, hơn 18.000 cơ sở dịch vụ tang lễ đã phải đóng cửa do làn sóng bùng phát COVID-19 mới trên khắp đất nước. Các nhà chức trách Trung Quốc đã thiết lập 2.304 nền tảng tảo mộ trực tuyến, đồng thời kêu gọi công chúng tảo mộ và tưởng nhớ người đã khuất theo cách an toàn và văn minh, bao gồm đặt hoa hoặc tham dự các buổi lễ tưởng niệm trực tuyến.

Giới chức Trung Quốc cũng đã kêu gọi công chúng tham gia Lễ Thanh minh một cách nhanh gọn hơn, bao gồm đặt hoa hoặc tham dự các buổi lễ tưởng niệm trực tuyến và đã giúp thiết lập 2.304 nền tảng tảo mộ trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Theo đài truyền hình quốc gia CCTV, tại tỉnh Giang Tây phía Đông Trung Quốc, chính quyền địa phương cũng xây dựng các đài tưởng niệm trực tuyến để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hi sinh. Ngoài ra, một số nghĩa trang và cơ sở tổ chức tang lễ đã triển khai các dịch vụ tảo mộ, nhằm hạn chế số người đến nghĩa trang trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Tại Thượng Hải, nơi đang thực hiện lệnh phong tỏa, cư dân ở nhiều khu vực trong thành phố cũng sẽ không thể tới nghĩa trang để tảo mộ, do họ vẫn được yêu cầu ở yên trong nhà để phòng dịch. Một nghĩa trang quy mô lớn ở ngoại ô thành phố Thượng Hải có tên Hai Wan Yuan cũng đang cho triển khai gói dịch vụ quét dọn mộ thay mặt người thân và họ hàng. Theo thông báo chính thức trên tài khoản WeChat, mức phí sẽ dao động từ 35 nhân dân tệ (5,5 USD) cho tới 1.000 nhân dân tệ (157 USD) tùy thuộc vào số lễ vật dâng cúng và mức độ phức tạp của lễ cúng. Các thành viên trong gia đình có thể quan sát chi tiết quá trình nhân viên nghĩa trang thay mặt dọn dẹp mộ người thân qua livestream hoặc nhận ảnh chụp.

Hay như tại thành phố Thâm Quyến, dù lệnh phong tỏa kéo dài một tuần đã đươc gỡ bỏ, nhưng hoạt động viếng mộ vẫn hoàn toàn bị cấm. Thay vào đó, người dân “quét mộ” và dâng lễ cúng trực tuyến.

Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc vừa công bố, từ ngày 3/4 đến 5/4, lưu lượng giao thông đường bộ dự kiến đạt 46,34 triệu lượt khách, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm 2021; đường thủy ước đạt 650.000 lượt khách, giảm 77%; trong khi đường hàng không ước đạt 562.000 lượt khách, giảm 87% so với cùng kỳ.

Chi bộn tiền cho “tảo mộ online”

Ý tưởng tảo mộ online không còn là điều mới mẻ ở Trung Quốc. Bởi sau khi dịch COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện ở đất nước tỷ dân vào năm 2020, ý tưởng thay thế truyền thống có từ hàng trăm năm bằng hình thức quét mộ trực tuyến đã xuất hiện. Và sau 2 năm, ý tưởng này càng được ứng dụng rộng rãi hơn, do nhiều thành phố đã cho đóng cửa các nghĩa trang buộc người dân chỉ còn cách tảo mộ online.

Tuy nhiên năm nay, các hoạt động tảo mộ online không chỉ còn là hình thức để giúp mọi người thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, mà còn trở thành một cuộc đua trên bảng xếp hạng. Với các nhà phát triển ứng dụng, đây là dịch vụ hái ra tiền nên cũng nghĩ ra muôn vàn cách để rút hầu bao người dùng.

Sina cho biết, năm ngoái các dịch vụ tảo mộ online khá đơn giản, người dùng có thể đốt nhang hoặc thắp nến trên ứng dụng để tưởng nhớ người thân đã khuất. Còn năm nay, nhiều hoạt động phong phú hơn được các nhà phát triển đưa ra. Ví dụ, trên ứng dụng Xin Ji Dian, người dùng có thể tạo bia đá miễn phí khắc ảnh và tên của người thân trên đài tưởng niệm. Nhưng nếu muốn dâng hương, nến, hoa, lễ vật..., họ phải trả phí.

Ngoài ra, ứng dụng còn có “phòng tưởng nhớ cao cấp” với chức năng như âm nhạc, nghi lễ độc quyền... với giá 270 nhân dân tệ (gần một triệu đồng) cho một năm hoặc 1.440 nhân dân tệ (5 triệu đồng) cho 10 năm. Nếu treo lồng đèn, người dùng phải trả 28 nhân dân tệ (hơn 100.000 đồng) cho bảy ngày và 288 nhân dân tệ (hơn một triệu đồng) để thắp sáng vĩnh viễn.

Không dừng lại ở đó, người dùng cũng có thể “cúng online” những món đồ cao cấp như máy bay, phi cơ cá nhân, xe sang, biệt thự cao cấp... với tâm lý đồ thờ càng giá trị càng thể hiện lòng thành kính. Để khuyến khích người dùng chi mạnh tay, ứng dụng còn làm bảng xếp hạng cho các đài tưởng niệm, xem con cháu nhà ai “hiếu thảo” với tổ tiên hơn.

Ngoài Xin Ji Dian, tại Trung Quốc còn có khoảng 6 ứng dụng tảo mộ online với cách thức hoạt động tương tự. Trên ứng dụng Wynn, người dùng muốn kích hoạt tất cả dịch vụ sẽ phải tốn gần 5.000 nhân dân tệ (gần 18 triệu đồng). Sina dẫn lời một người cho biết để chứng minh cho bạn bè thấy lòng hiếu thảo của mình, anh ta sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn nhân dân tệ để “lấy danh”. Mặc dù ngày 5/4 mới đến Tết Thanh minh, ngay từ bây giờ trên khắp Weibo đã tràn ngập các hình ảnh khoe các đài tưởng nhớ tổ tiên online.