Với gương mặt khắc khổ, Tuấn trả lời rành mạch những câu hỏi mà chủ tọa đặt ra. Tuấn khai, về khối lượng ma túy bị cáo không hề liên quan. Bị cáo chỉ nghe chị gái nói chuyện với người lạ chuyện “mua đá” nên nghi ngờ đó là ma túy. Sau đó, Tuấn đã đánh tiếng khuyên chị, nhưng vì bị Ngoan mắng chửi lại nên không để ý nữa. Cho đến khi chị gái bị bắt giữ, Tuấn mới biết sự thật.
Người đàn bà không sợ…án tử
Trần Thị Tâm (SN 1973, ngụ phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) sinh ra và lớn lên trong “gia đình buôn ma túy”. Năm 1997, Tâm bị bắt vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Hai năm sau, Tâm bị tuyên mức án tử hình vì tội danh trên.
Tuy nhiên, do đang nuôi con nhỏ nên Tâm được Chủ tịch nước ân xá, chuyển xuống án chung thân. Trong vụ án đó, mẹ của Tâm cũng bị tuyên án tù chung thân.
Cũng thời gian trên, Thắng, anh trai của Tâm bị Công an tỉnh Nghệ An bắt tại Lào theo lệnh “truy nã đỏ” dẫn độ về Việt Nam. Trong thời gian tạm giam phục vụ công tác điều tra mở rộng, Thắng lâm bệnh qua đời.
Về phần mẹ Tâm, sau 10 năm thi hành bản án, do đau ốm thường xuyên, được xét thấy không đủ sức thi hành tiếp bản án nên được xét cho ra tù trước thời hạn.
Riêng Trần Thị Tâm, sau 14 năm cải tạo tốt đã được đặc xá ra tù trước thời hạn. Những tưởng Tâm sẽ ăn năn hối cải, tu chí làm ăn chân chính, nào ngờ người phụ nữ này lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.
Theo cáo trạng, trong quá trình ngồi tù trước đó, Tâm từng quen với Đinh Thị Tuyết Minh (SN 1967, ngụ phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) nên cả hai giữ liên lạc với nhau.
Mối quan hệ ấy càng bền chặt hơn khi mẹ Tâm nhận Minh làm “con nuôi”. Hai nữ bạn tù giờ coi nhau như chị em trong gia đình. Tình cảm thêm gắn bó, Tâm và Minh thường xuyên qua lại thăm hỏi, bàn tính chuyện mua bán ma túy.
Cụ thể, ngày 10/6/2016, Tâm đi Phú Thọ chơi, có ghé nhà Minh. Tại đây Minh hỏi Tâm: “Xem có ai bán ma túy đá, nếu có người mua chị em bán kiếm lời”.
Tám ngày sau, Tâm liên lạc cho Minh hỏi mua 1kg ma túy đá với giá 270 triệu đồng. Sau đó một ngày, Minh gọi liên lạc với Tâm: “Em nói người ta lấy luôn 1,5kg giá 400 triệu đồng”. Hai bên đồng ý.
Trước đó, khoảng tháng 5/2016, khi đi lễ hội Đền Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), Minh tình cờ gặp và nghe Hoàng Thị Ngoan (SN 1959, Hà Nội) nói được tiếng Trung Quốc nên đến làm quen và xin số điện thoại.
Sau đó, biết Ngoan thường sang Trung Quốc lấy hàng hóa về bán nên Minh đặt vấn đề nhờ mua ma túy đá từ Trung Quốc về Việt Nam bán kiếm lời, làm giàu. Chiều 18/6, Minh chủ động gọi điện thoại cho Ngoan báo muốn lấy “hàng”.
|
Bị cáo Tâm |
Nhận được đơn đặt hàng, ngay sáng hôm sau, Ngoan một mình bắt xe lên cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), điện thoại cho A Lẩu (người đàn ông có quốc tịch Trung Quốc). A Lẩu cho người đưa ma túy đến sát đường biên giới hai nước để giao cho Ngoan. Sau đó, Ngoan đưa về nhà em trai mình là Hoàng Mậu Tuấn (SN 1967) bí mật cất giữ.
Sáng 20/6, Tuấn lái xe ô tô chở vợ con đi vào du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An) thì Ngoan cũng xin đi theo. Ngoan bỏ ma túy đá vào túi đồ của mình rồi để trên xe hơi em trai nhưng không cho ai biết.
Khi đi qua Thanh Hóa, Ngoan gọi điện thoại cho Minh hẹn địa điểm gặp nhau và giao “hàng”. Trưa hôm sau, tại đường Nguyễn Sinh Sắc (TP Vinh), Minh đang trao hàng cho Ngoan thì bị Công an TP Vinh bắt quả tang.
Tang vật thu giữ 1.397,465g Methamphetamin. Mở rộng điều tra, công an bắt khẩn cấp Tâm và Tuấn.
Chị em cùng ra tòa
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vừa diễn ra tại Nghệ An, bị cáo Ngoan khai bản thân không biết chữ, học thức thấp. Cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ đã sang Trung Quốc làm thuê, bốc vác. Nhờ thời gian dài làm việc tại đây nên Ngoan có thể nói được tiếng Trung.
Trong một lần đi chùa, khi đang giao tiếp tiếng Trung, Ngoan được người phụ nữ tên Minh chủ động bắt chuyện. Sau đó, Minh đánh tiếng với Ngoan chuyện đi buôn “hàng đá”. Nhờ sự hướng dẫn của Minh, Ngoan âm thầm thực hiện hành vi buôn bán trái phép chất ma túy.
Trong quá trình Ngoan giao dịch với Minh qua điện thoại, Tuấn vô tình nghe được liền tỏ vẻ không đồng ý. Tuấn từng nói với chị gái “đá đá gì, bà đừng có lằng nhằng”. Ngoan không nghe, còn nói: “Việc tao tao làm, mày đừng có xen vào”. Tức giận chị nên Tuấn mặc kệ, không can thiệp nữa.
Sau khi Ngoan bị bắt về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy, Tuấn cũng bị cơ quan chức năng triệu tập và bị truy tố về tội danh “Không tố giác tội phạm”.
Tham dự phiên tòa, hai chị em đứng sát nhau. Với gương mặt khắc khổ, Tuấn trả lời rành mạch những câu hỏi mà chủ tọa đặt ra.
Tuấn khai, về khối lượng ma túy bị cáo không hề liên quan. Bị cáo chỉ nghe chị gái nói chuyện với người lạ chuyện “mua đá” nên nghi ngờ đó là ma túy. Sau đó, Tuấn đã đánh tiếng khuyên chị, nhưng vì bị Ngoan mắng chửi lại nên không để ý nữa. Cho đến khi chị gái bị bắt giữ, Tuấn mới biết sự thật.
Chủ tọa phiên tòa phân tích, đáng lẽ ra khi biết chị mình đang buôn bán hàng cấm, Tuấn cần phải phản đối kịch liệt, chứ không im lặng như vậy. Tuấn cúi đầu “dạ, vâng”, nói đã nhận ra lỗi của mình.
Trong vụ án này, bị cáo Đinh Thị Tuyết Minh cũng là đối tượng đặc biệt khi đã có đến 5 tiền án. Theo hồ sơ, năm 1992, Minh lãnh 18 tháng tù treo về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một năm sau, Minh tiếp tục lãnh 8 tháng tù vì tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Năm 1996, Đinh Thị Tuyết Minh tiếp tục bị tuyên phạt 15 tháng tù giam về tội đánh bạc. Hai năm sau, Minh bị tòa xử chung thân về hành vi Mua bán ma túy. Cũng trong năm đó, Minh đã trốn khỏi trại giam, bị bắt và tuyên phạt 4 năm tù.
Tổng hình phạt Minh phải chịu mức án tù chung thân. Năm 2013, sau thời gian cải tạo, Minh được tại ngoại, trở về địa phương. Những tưởng sau thời gian dài liên tiếp vào tù ra tội, Minh sẽ lấy đó làm bài học. Nhưng không, người đàn bà này tiếp tục đi vào vết xe đổ của chính mình.
Tại tòa, khi vị chủ tọa hỏi tại sao sau nhiều lần vướng vào lao lý nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, Minh lí nhí trả lời: “Do hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu”.
Vị chủ tọa nghiêm giọng: “Đó là ngụy biện. Nếu ai cũng vì nghéo đói mà đi buôn ma túy thì xã hội này sẽ ra sao. Đáng ra, sau nhiều lần ngồi tù, hơn ai hết bị cáo là người hiểu rõ pháp luật, nhưng đàng này lại cố tình vi phạm. Bị cáo chỉ vì siêng ăn, nhác làm nên mới chọn cách làm giàu bất hợp pháp như vậy”.
Lời cảnh cáo đó cũng được vị chủ tọa nhắc nhở đối với bị cáo Trần Thị Tâm. “Bị cáo từng bị tuyên án tử hình, sau đó được pháp luật khoan hồng, mở cho con đường sống. Vậy mà bị cáo không biết quý trọng cơ hội ấy, tiếp tục coi thường pháp luật, đi gieo cái chết trắng cho nhiều người khác. Hành vi đó là đáng trách, cần phải trừng trị nghiêm minh để làm gương cho người khác”, lời vị chủ tọa. Nghe vậy, Tâm cúi gằm mặt xuống. Suốt phiên tòa, bị cáo từng thoát án tử luôn cúi mặt, né tránh ống kính phóng viên.
|
Bị cáo Ngoan |
Khi được nói lời cuối cùng, các bị cáo đều có nguyện vọng xin giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời. Bị cáo Ngoan nói: “Xin quý tòa giảm nhẹ hình phạt cho em trai bị cáo. Vì thương chị nên Tuấn mới không tố giác tội phạm. Còn về số ma túy bị cơ quan chức năng thu giữ, nó không hề có liên quan”.
HĐXX nhận định, trong vụ án này hai bị cáo Tâm và Minh phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Hoàng Thị Ngoan mặc dù được xác định là đối tượng giữ vai trò chính nhưng có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo… nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
Cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng như phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt Hoàng Thị Ngoan, Đinh Thị Tuyết Minh, Trần Thị Tâm mỗi bị cáo 20 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; Hoàng Mậu Tuấn bị tuyên phạt 7 tháng tù về tội “Không tố giác tội phạm”. Kết thúc phiên tòa, Ngoan ôm chầm lấy em trai khóc nức nở: “Chị làm khổ em rồi”.