Doanh nghiệp Dệt may đang trên bờ vực thẳm
Chiều nay (29/6), Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) đã công bố báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa”, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình MCSS, Trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo cho biết, tại Việt Nam, dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Với gần 3 triệu lao động, ngành đang giải quyết 5% tổng số lao động và đóng góp 12,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam.
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba với giá trị hơn 33 tỷ đô la Mỹ gần gấp đôi giá trị xuất khẩu hàng nông sản nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Lần đầu tiên tất cả các mặt hàng xuất khẩu của ngành dệt và ngành may mặc đều bị suy giảm.
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn cầu, sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế chủ chốt châu Âu và Mỹ với thế giới bên ngoài chưa xác định được rõ thời gian và mức độ, nên có thể nhận định rằng năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn của ngành dệt may.
Báo cáo ngành của tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã nhận định doanh thu hợp nhất của toàn tập đoàn năm 2020 có thể sẽ giảm tới 50-55%, lợi nhuận hợp nhất cũng sẽ giảm 45-50%”.
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến cả nguồn cung và đầu ra của ngành dệt may. Xét theo các thị trường xuất khẩu chủ chốt, 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường EU giảm 19%.
Từ 10 – 20/4/2020, Tổng cục thống kê đã thực hiện cuộc khảo sát đối với 3.143 doanh nghiệp dệt may để đo lường tác động của đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực này.
Theo đó, kết quả chỉ ra các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI là nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất do thiếu hụt nguồn cung. Cụ thể, có 90,4% số doanh nghiệp lớn và 75,5% số doanh nghiệp FDI cho biết họ rơi vào tình cảnh thiếu hụt nguồn cung; trong đó, 71,2% số doanh nghiệp lớn và 57,5% số doanh nghiệp FDI cho biết nguồn cung từ nhập khẩu bị cắt đứt.
Về lao động, cho thấy ngành may mặc có số lao động chỉ còn bằng 20% số lao động so với cùng kì năm trước, doanh nghiệp dệt cũng chỉ còn 24,5% số lao động so với cùng kì năm trước. Trong số các lao động vẫn còn việc làm, 8,9% số lao động phải chấp nhận giảm lương, 18,7% số lao động hiện tại phải làm giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 6,1% số lao động phải nghỉ việc không lương.
Tỷ lệ giãn việc và nghỉ việc không lương của ngành dệt là 29,3 % trong khi ngành may mặc chỉ có 7,5%.
Về doanh thu, theo Tổng cục thống kê, 4 tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp dệt giảm 61,6% so với cùng kì 2019, trong khi đó doanh nghiệp may mặc có mức giảm doanh thu tới 78% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, có 39,1% tổng số doanh nghiệp dệt may tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ bị suy giảm thị trường tiêu thụ trong nước và 34,5% cho biết Covid-19 khiến hàng hóa bán ra không xuất khẩu được.
Đối với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp quy mô lớn (sản xuất chủ yếu đáp ứng thị trường thế giới), đại dịch khiến hoạt động xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng. Có 58,3% số doanh nghiệp FDI và 70,5% số doanh nghiệp lớn cho biết họ bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, 88,9% số doanh nghiệp khảo sát bị suy giảm thị trường tiêu thụ trong nước.
Chỉ có 3,6% doanh nghiệp dệt may được hưởng các giải pháp hỗ trợ
Trong cuộc khảo sát đối với 3.143 doanh nghiệp dệt may của Tổng cục thống kê, về thông tin và mức độ thụ hưởng các biện pháp hỗ trợ được nêu trong Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả điều tra cho thấy chỉ có 113 doanh nghiệp, chiếm 3,6% tổng số doanh nghiệp khảo sát, đã tiếp nhận chính sách hỗ trợ; trong đó có 8,6% là doanh nghiệp nhà nước, 3,2% là doanh nghiệp tư nhân và 4,7% là doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, có 8,7% số doanh nghiệp dệt may được khảo sát không biết gì về Chỉ thị 11/CT-TTg, trong đó số doanh nghiệp nhà nước chiếm 5,7%, doanh nghiệp tư nhân là 8,1% và doanh nghiệp FDI là 11,5%.
Ngoài ra, có 59,3% số doanh nghiệp dệt may được khảo sát cho biết họ đã biết đến Chỉ thị 11/CT-TTg nhưng không biết đầu mối để tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này cho rằng việc giãn, giảm hoặc miễn thuế không có nhiều tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp của ngành. |
Ngoài ra, qui định hoãn đóng bảo hiểm xã hội hiện chưa hợp lí. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản cho phép hoãn đóng bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc. Nhưng trên thực tế để giữ chân lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng không để công nhân phải nghỉ việc. Các doanh nghiệp đã phải bố trí giãn việc, cho công nhân làm luân phiên. Những trường hợp này sẽ không được hoãn đóng bảo hiểm xã hội. Điều này trực tiếp gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp dệt may.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 có quy định việc hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng đối với người lao động bị buộc thôi việc do doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch, thời gian hỗ trợ 3 tháng. Mức hỗ trợ này tương đương 41% lương tối thiểu vùng 1, 46% lương tối thiểu vùng 2 và 52% lương tối thiểu vùng 3. Tuy nhiên các lao động rất khó khăn khi nhận hỗ trợ do thủ tục quá rườm rà.
Báo cáo còn nêu bật những khó khăn liên quan đến các hiệp định FTA của Việt Nam, bao gồm việc thiếu phân khúc sản xuất vải; không có chuỗi cung ứng đầy đủ nên khó tận dụng lợi thế FTA; không dễ dàng tận dụng được ưu đãi của EVFTA; không tận dụng được lợi thế của CPTPP hay mức thuế suất hàng dệt may vào Mỹ vẫn ở mức cao....