Hàng không - “giấc mộng Nam Kha của các ông chủ nhà băng”
Việc các ngân hàng hoặc các công ty con của ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực hàng không thường mang lại những hệ lụy, rủi ro, song dường như “giấc mơ bay” luôn ngự trị trong trái tim các ông bà chủ ngân hàng.
Eximbank năm 2012 - thời được cho là một trong những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP tại Việt Nam - từng nuôi giấc mơ bay khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với hãng hàng không Air Mekong, tham gia góp 11% vốn điều lệ của hãng hàng không này, đồng thời hỗ trợ Air Mekong trong các hoạt động tài trợ thuê, mua để phát triển đội máy bay...
Việc góp vốn sau đó bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” do vi phạm tỷ lệ vốn đầu tư ngoài ngành, giấc mơ bay của Eximbank cũng “gãy cánh” khi năm 2013 Air Mekong ngừng bay.
Ngân hàng ACB cũng “sống dở chết dở” với khoản nợ triệu đô la của hãng hàng không Indochina Airlines. Thời điểm hãng hàng không này ngừng bay, ACB kiện ra tòa đòi khoản nợ 1,3 triệu đô la thì công ty này đã không còn khả năng thanh khoản và không xác định thời gian trả nợ.
Tháng 4/2014, ông Trần Trọng Kiên là thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Cty CP Du lịch Thiên Minh đã bỏ ra 54 tỷ đồng mua lại 89% cổ phần của Hãng hàng không Hải Âu, song tới nay hoạt động của hãng hàng không này vô cùng khó khăn. Ban lãnh đạo hãng hàng không này năm 2015 thừa nhận đang “thua lỗ rất nặng”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trên thế giới nhiều hãng hàng không phát đạt nhưng cũng nhanh chóng “sập tiệm” chỉ vì những lý do biến động giá dầu, tai nạn máy bay, kể cả các vấn đề chính trị-xã hội biến động... Ngân hàng đầu tư vào hàng không là lĩnh vực không chuyên, có rủi ro cao dễ dẫn đến mất vốn, hệ quả cả về tài chính và phi tài chính sẽ rất nặng nề.
“Tại Việt Nam, các ngân hàng chủ yếu là ngân hàng thương mại, huy động vốn của dân và cho vay với nền kinh tế. Việt Nam chưa có ngân hàng nào hoạt động đúng chức năng như một ngân hàng đầu tư (tức không huy động tiền của dân mà huy động tiền qua bán cổ phiếu, trái phiếu). Vì thế, ngân hàng Việt Nam không nên đầu tư, đặc biệt là vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản (hiện đã không được phép), hàng không...”, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu từng chia sẻ với báo giới khi thương vụ Techcombank góp vốn để thành cổ đông sáng lập của hãng hàng không mới SkyViet (tên gọi dự kiến sau khi tái cơ cấu Vasco thành hãng hàng không cổ phần với sự tham gia của Ngân hàng Techcombank).
|
Vietnam Airlines và Techcombank đã “đồng hành” cùng nhau 15 năm |
“Tiềm lực tài chính thôi, không đủ”!
Trở lại với trường hợp Techcombank. Ngân hàng này vốn có quan hệ mật thiết với Vietnam Airlines 15 năm qua, cam kết cùng Vietnam Airlines hoàn tất quá trình tái cơ cấu.
Trong các văn bản đệ trình về thương vụ “bắt tay” với Ngân hàng Techcombank, Vietnam Airlines khẳng định ngân hàng này sẽ tạo nhân tố thuận lợi hỗ trợ nguồn lực tài chính, đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu và hoạt động kinh doanh của VASCO thành công, hiệu quả.
Theo đó, khi Hãng hàng không SkyViet được cấp phép, Techcombank sẽ cử đại diện giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị song Giám đốc điều hành lại được cử từ Vietnam Airlines.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc Techcombank muốn đổ vốn vào hàng không có thể do nhắm đúng vào lúc giá nguyên nhiên liệu của ngành này đang giảm mạnh, các hãng hàng không thời gian qua liên tục thu lãi khủng, kéo theo đầu tư của các ngân hàng vào đây hiệu quả. “Tuy nhiên, gạt vấn đề pháp lý sang một bên -hàng không luôn là một lĩnh vực đầy rủi ro mà các ngân hàng của Việt Nam không nên (thậm chí không được) đầu tư”- ông Hiếu nói.
Lý giải với báo chí về việc chọn Techcombank là cổ đông sáng lập SkyViet, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ GTVT cũng từng xác nhận rằng: cái mà Vasco cần chính là tài chính.
Tuy nhiên, chính ông Minh cũng cho biết hàng không là ngành nghề kinh doanh đặc thù, tỉ suất lợi nhuận của ngành này thấp trong khi vốn đầu tư rất lớn, đòi hỏi nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính tốt. Thực tế rất nhiều hãng hàng không đã “chết yểu” trong những năm qua bởi không có nền tảng tài chính mạnh, không chịu nổi “nhiệt” khi thua lỗ triền miên trong những năm đầu.
Song, tiềm lực tài chính mạnh chưa đủ. Thực tế kinh doanh của các hãng hàng không đang trụ lại trên thị trường cho thấy chiến lược phát triển đúng cùng kinh nghiệm quản trị điều hành mới là yếu tố quyết định.
Trong khi đó, được thành lập từ năm 1987, Vasco vốn chỉ là một hãng hàng không nhỏ khai thác các loại tàu bay AN2, AN30, KingAir B200 để cung cấp dịch vụ hàng không chung như chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất, cấp cứu y tế, tìm kiếm cứu nạn… và dịch vụ vận chuyển thương mại trên một số đường bay phục vụ kinh tế, dân sinh.
Techcombank có thể kỳ vọng gì từ kinh nghiệm của một đơn vị bay nhỏ như Vasco trong “giấc mộng hàng không” của mình? Đó là chưa kể, quá trình “biến” Vasco thành “con” của ngân hàng này đang “dính” nghi án thiếu minh bạch, không hợp lệ vì không thông qua đấu giá cũng như các bước của cổ phần hóa doanh nghiệp?
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.