“Chìa khóa” tăng giá trị nông sản
Theo Cục SHTT, tính đến ngày 31/5/2018, Việt Nam đã bảo hộ 60 CDĐL quốc gia và 6 CDĐL của nước ngoài. Đến nay đã có 37 tỉnh/TP đã có CDĐL được bảo hộ, 12 tỉnh/TP có từ 2 CDĐL trở lên là: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam.
Về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ CDĐL, có 47% sản phẩm là trái cây, 23% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% là thủy sản, 8% là gạo còn lại là các sản phẩm khác…
Sau 16 năm phát triển công tác bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã đem lại những kết quả nhất định. Cụ thể, giá trị của sản phẩm, giá bán các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng, đặc biệt là một số sản phẩm như: nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình), mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang)…
Cá biệt, giá bán sản phẩm tăng từ 20-100% như: Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%; chè Mộc Châu có bao bì mang CDĐL được bán cao hơn 1,7 - 2 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì…
Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được coi là hình mẫu cho việc gắn kết giữa hoạt động KH&CN và sản xuất, phát triển sản phẩm. Do đã hình thành được các tổ chức tập thể như Hội/ Hiệp hội, đại diện cho các DN, hộ sản xuất, kinh doanh để tham gia hoạt động quản lý, phát triển thị trường sản phẩm CDĐL.
Lãng phí còn lớn
Theo ông Lưu Đức Thanh - Trưởng phòng CDĐL và Nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT), trong một số trường hợp, CDĐL có thể phát động cuộc chạy đua sản lượng và mở rộng diện tích nuôi trồng tràn lan, thay vì tạo ra tư duy tích hợp CDĐL với cải thiện chất lượng, công nghệ và chế biến sâu để bán được sản phẩm với mức giá ngày càng cao. Hiện tượng này đã xảy ra như đối với “tiêu Quảng Trị” hay “điều Bình Phước”.
Lý giải điều này, ông Thanh cho biết, do chưa có sự hợp tác, kết nối giữa các cơ quan quản lý, nhà sản xuất và tiêu dùng tại Việt Nam. Ở cấp độ quốc gia, ta đang thiếu một khung pháp lý về quản lý CDĐL, trong đó quan trọng nhất là khâu kiểm soát. Ở cấp độ địa phương, hồ sơ đăng ký CDĐL đang còn nhiều bất cập dẫn đến gây khó khăn cho quá trình quản lý.
Thực tế hiện nay, có đến 50% CDĐL của nông sản Việt là không có người quản lý, khai thác. Chẳng hạn như CDĐL quế Hưng Yên được Nhà nước ủy quyền, giao cho Hiệp hội Ngành nghề quế địa phương quản lý nhưng hiệp hội này chỉ họp đúng một lần vào ngày thành lập từ năm 2011 đến nay, hay trà Mộc Châu có hiệp hội quản lý nhưng không khai thác hiệu quả CDĐL do cả 10 thành viên đều là nhà chế biến, không có nông dân tham gia.
Khác với các nước, CDĐL do các hiệp hội ngành nghề quản lý thì ở Việt Nam hoạt động đăng ký bảo hộ CDĐL đang được “bao cấp”. Theo quy định của Luật SHTT, sau khi CDĐL được Nhà nước bảo hộ, hoạt động quản lý được giao về cho UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW. Điều này dẫn tới việc chính quyền các địa phương hiện đang làm thay mọi thủ tục để DN có được sản phẩm SHTT “dùng chung” này.
Theo đại diện Cục SHTT, chính sách thì tốt, song nó khiến hiệp hội các nhà sản xuất, các hội nghề nghiệp không thực sự có động lực tham gia hình thành ý tưởng, xác định đặc điểm sản phẩm để xây dựng nên một bản đăng ký CDĐL có tính đại diện cao nhất, đặc thù nhất. Do đó, rất nhiều nhà sản xuất tại địa phương được bảo hộ nhưng không sử dụng logo CDĐL vì không biết mình có quyền. Và cũng vì vậy mới xảy ra việc nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mất thương hiệu và phải kiện mới lấy lại được thương hiệu từ Trung Quốc....
“Nói cách khác, nhiều người sản xuất còn nghĩ đây là SHTT của… chính quyền, nên các tổ chức, cá nhân không được phép sử dụng. Nên không chủ động trong việc bảo vệ và phát triển giá trị của sản phẩm được bảo hộ CDĐL…”, ông Thanh nói.
Để khai thác tối đa hiệu quả của CDĐL, đại diện Cục SHTT cho rằng cần phải nâng cao nhận thức cho người dân và người trồng, sản xuất, kinh doanh về lợi ích, tầm quan trọng của CDĐL bên cạnh việc quản lý vùng trồng, sản xuất sản phẩm hợp lý. Các địa phương nên chú trọng việc đăng ký CDĐL cho các sản phẩm đã qua chế biến cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường, theo ông Thanh: “Quan trọng hơn, nên để các hiệp hội ngành nghề tham gia ngay từ đầu khi đăng ký bảo hộ CDĐL vì họ hiểu rõ sản phẩm, quy trình sản xuất và sẽ bảo vệ tài sản vô hình này về sau. Cụ thể, người “đứng đơn” xin đăng ký bảo hộ CDĐL nên được thay đổi là các hội nghề nghiệp”.