Chỉ đạo 'nóng' khắc phục sụt lún đất tại Bạc Liêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt và thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng sụt lún đất trên địa bàn.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến nghị, cảnh báo của ngành trồng trọt không xuống giống lúa vụ Hè Thu 2024 ở các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, chỉ tổ chức canh tác khi có mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước đảm bảo.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phối hợp với UBND huyện Hồng Dân và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi diễn biến tình hình sụt lún ở các khu vực đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra ở địa bàn các xã Ninh Quới, Ninh Quới A và thị trấn Ngan Dừa để kịp thời có giải pháp ứng cứu, xử lý.

Một vụ sụt lún đất trên địa bàn huyện Hồng Dân vào ngày 26/4 đã làm một căn nhà cấp 4 của người dân sụt hẳn xuống sông.

Một vụ sụt lún đất trên địa bàn huyện Hồng Dân vào ngày 26/4 đã làm một căn nhà cấp 4 của người dân sụt hẳn xuống sông.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đồng thời yêu cầu UBND huyện Hồng Dân tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do sụt lún gây ra và triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng. Đối với những khu vực đã bị sụt lún cần khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn và lắp đặt biển cảnh báo đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sụt lún. Huyện phải thường xuyên báo cáo tình hình ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, thiếu nước và tình hình sụt lún đất, cũng như đưa ra các đề xuất kiến nghị về UBND tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Hồng Dân, trong những tháng đầu năm 2024, giá lúa nguyên liệu ở mức cao và tâm lý chủ quan trong dự báo tình hình thời tiết nên nhiều hộ dân ở vùng ngọt đã tự phát xuống giống không tuân thủ theo lịch thời vụ với diện tích khoảng 4.000 ha, các trà lúa đang trong giai đoạn từ 35-40 ngày tuổi. Trong khoảng 10 ngày tới, nếu không có nguồn nước ngọt bổ sung thì khả năng các trà lúa sẽ bị ảnh hưởng rất cao.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của mực nước thấp trên các tuyến kênh rạch, một số tuyến đường giao thông bị sụt lún với tổng chiều dài khoảng 200m, thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. Một căn nhà cấp 4 của người dân ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) cũng bị sụt lún hư hỏng hoàn toàn, gây thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

Để kịp thời bảo vệ các trà lúa của vụ Hè Thu sớm và khắc phục tình hình sụt lún, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị UBND huyện Hồng Dân khẩn trương chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện hướng dẫn người dân tuân thủ lịch thời vụ của ngành nông nghiệp. Kiên quyết vận động cho các hộ dân tạm dừng xuống giống vụ Hè Thu sớm đối với phần diện tích còn lại trên 5.000 ha thuộc vùng ngọt ổn định của huyện.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu đồng thời đề xuất, kiến nghị UBND huyện Hồng Dân thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các tuyến kênh, rạch, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp bảo vệ diện tích lúa Hè Thu sớm đã xuống giống của huyện; cũng như sớm có phương án hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sụt lún sớm khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Vụ sạt lở trên địa bàn ấp Chắc Đốt, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, làm 30m đường bê tông sụp lún xuống sông vào ngày 16/4.

Vụ sạt lở trên địa bàn ấp Chắc Đốt, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, làm 30m đường bê tông sụp lún xuống sông vào ngày 16/4.

Trước đó, ngày 26/4 một vụ sụt lún đất trên địa bàn huyện Hồng Dân đã làm một căn nhà cấp 4 của người dân sụt hẳn xuống sông. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mực nước sông xuống thấp do ảnh hưởng bởi khô hạn.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng thời gian trên, người nhà của bà Đỗ Thị Huyền (ngụ ấp Bà Hiên, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) thấy dấu hiệu bất thường giữa mép nền nhà với mặt lộ, nên chạy ra ngoài.

Một lúc sau, nguyên căn nhà cấp 4 (diện tích khoảng 80m2) được xây dựng tường kiên cố mái lợp tôn bị sụt lún xuống lòng sông. Căn nhà này được xây dựng vào năm 2011. Rất may, vụ sụt lún không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản sơ bộ khoảng 400 triệu đồng.

Tại hiện trường, căn nhà của bà Huyền bị sụt lún sâu hơn 1m so với mặt đường bê tông cốt thép.

Theo UBND thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, nguyên nhân ban đầu xảy ra vụ việc trên là vì thời gian gần đây mực nước sông Bà Hiên xuống rất thấp do ảnh hưởng bởi khô hạn, hai bên bờ sông đang có hiện tượng sụt lún tiếp tục. Hơn nữa, căn nhà được xây dựng sát mé sông có khối lượng nặng, lâu ngày dẫn đến sụt lún sâu, dù trước đó, chủ nhà có làm kè quanh căn nhà.

Nhận được thông tin vụ việc, chính quyền địa phương đã cử lực lượng đến hiện trường hỗ trợ gia đình bà Huyền di dời tài sản đến nơi ở tạm. Người dân xung quanh cũng khẩn trương hỗ trợ gia đình khẩn trương khắc phục sự cố…