Chỉ kiểm tra mũ bảo hiểm khi người điều khiển xe vi phạm luật giao thông

(PLO) - Theo quy định, từ ngày 1/7, người tham gia giao thông ngồi trên xe máy, xe mô tô, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn... sẽ bị phạt. Tuy nhiên, theo Phòng CSGT Hà Nội, người đội MBH không đúng tiêu chuẩn sẽ chỉ bị nhắc nhở và tuyên truyền. Đồng thời, lực lượng CSGT chỉ được phép dừng xe kiểm tra MBH khi người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chỉ nhắc nhở và tuyên truyền
Chiều nay, 30/6/2014, Phòng CSGT(PC67), Công an Hà Nội tổ chức cuộc họp chỉ đạo, triển khai kế hoạch số 69 của Ủy Ban ATGT quốc gia. Theo kế hoạch 69, kể từ ngày mai các lực lượng chức năng sẽ chính thức thực hiện đồng loạt việc xử lý người ngồi trên xe máy, xe mô tô, xe đạp điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm(MBH) hoặc đội MBH không đúng quy cách, MBH không phải là MBH dành cho người đi xe mô tô, xe máy…

Tại cuộc họp, Phòng CSGT Hà Nội đã chỉ đạo, yêu cầu cán bộ chiến sĩ tập trung tuyên truyền cho người tham gia giao thông về cách nhận biết MBH đúng quy chuẩn QCVN-2008/BKHCN. Đồng thời nói rõ lợi ích của việc sử dụng MBH đúng quy chuẩn; đội MBH không phải loại dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện… sẽ bị phạt như không đội MBH. Mức phạt đội mũ không phải MBH từ 100.000-200.000 đồng.

Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề lần này, Phòng CSGT Hà Nội sẽ tập trung xử lý các đối tượng trên địa bàn có hành vi điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH hoặc đội MBH mà không cài quai theo đúng quy cách tham gia giao thông trên đường bộ. Bao gồm cả người ngồi sau xe mô tô, xe máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai.

Trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện các trường hợp vận chuyển MBH không phải là MBH cho người đi mô tô, xe máy thì tiến hành kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, để bàn giao cho đơn vị có thẩm quyền điều tra xử lý.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng phòng CSGT Hà Nội, chỉ đạo cuộc họp cho biết, ngay ngày mai, 1/7 sẽ tổ chức các lực lượng CSGT trên các nút giao thông trọng điểm trong thành phố và ngoại thành để xử lý các vi phạm trên. Ngoài ra, sau giờ cao điểm sẽ thành lập các tổ từ 4-6 CSGT tiếp tục tuần tra kiểm soát.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng phòng CSGT Hà Nội chỉ đạo cuộc họp.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng phòng CSGT Hà Nội chỉ đạo cuộc họp. 

Tuy nhiên, các lực lượng CSGT thành phố không tiến hành xử lý phạt ngay các trường hợp đội MBH không phải mũ dành cho người đi xe mô tô, xe máy. Khi xử lý thì chiến sỹ CSGT sẽ lập biên bản nhưng phải tuyên truyền, nhắc nhở cho người tham gia giao thông hiểu và biết được lợi ích của việc đội MBH đúng tiêu chuẩn. Ông Thắng nhấn mạnh điều này nhưng cũng không nói rõ đến khi nào thì bắt đầu xử phạt người đội MBH không đúng tiêu chuẩn.

Không được dừng xe khi không có vi phạm giao thông

Liên quan tới việc chống “nhũng nhiễu”, lạm dụng gây khó dễ cho người tham gia giao thông đội MBH không đúng tiêu chuẩn, đại tá Đào Vịnh Thắng chỉ đạo, chỉ dừng xe khi phát hiện các trường hợp tham gia giao thông mà vi phạm luật lệ giao thông, qua đó sẽ kiểm tra tới MBH có đúng quy cách, chất lượng hay không.

“Còn các trường hợp người dân tham gia giao thông, chấp hành tốt luật lệ giao thông, cho dù đội MBH không đúng tiêu chuẩn thì cũng không có lý do gì để dừng xe kiểm tra xem MBH đó thật hay giả”. Đại tá Thắng nói rõ quan điểm.

Một vấn đề hiện các cơ quan còn đang lúng túng là nếu kiểm tra mà phát hiện MBH không đúng tiêu chuẩn thì lực lượng CSGT có được phép thu giữ mũ đó không? Nếu có thu giữ thì liệu có cho phép người vi phạm đó có tiếp tục tham gia giao thông hay không? "Lực lượng CSGT thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, nhưng những trường hợp khi phạt xong rồi, cho người vi phạm tiếp tục tham gia giao thông, nhưng đến chỗ khác lại tiếp tục bị phạt. Việc nhắc nhở tuyên truyền cũng tương tự, bởi không có chế tài cụ thể cho việc này.  Đây cũng là điều khó khăn cho lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ." ông Thắng cho biết./.

Để người tiêu dùng có thể nhận biết được mũ bảo hiểm bằng trực quan có thể dựa vào những yếu tố cũng như kết cấu của mũ như: Đệm hấp thụ xung động, bên trong vỏ mũ (phải đủ rắn chắc, có tác dụng làm giảm chấn động tới đầu người đội) và quai đeo (phải đủ bền chắc, có tác dụng giữ chắc mũ vào đầu người đội). Bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bu lông không được cao hơn 2mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ. Nhãn mũ phải có đầy đủ các thông tin gồm: Tên sản phẩm là "Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy"; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc tên và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, xuất xứ - trong trường hợp là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất; dấu hợp quy CR.
(Theo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa) 

Đọc thêm