Chi Pu, Only C và những giá trị ảo ngoài âm nhạc

(PLO) -Hòa nhịp với xã hội hiện đại và nhộn nhịp, âm nhạc thị trường đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của các bạn trẻ Việt Nam. 


 “Nhờ” phát ngôn gây sốc, nhạc của Chi Pu từ khi chưa được ra mắt đã có được sự chú ý của đông đảo khán giả, phần lớn đều do tò mò
“Nhờ” phát ngôn gây sốc, nhạc của Chi Pu từ khi chưa được ra mắt đã có được sự chú ý của đông đảo khán giả, phần lớn đều do tò mò

Tuy nhiên, từ bao giờ, các sản phẩm âm nhạc đã không còn là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ. Để được công chúng chú ý, nhiều nghệ sĩ trẻ đã không ngại ngần tạo ra những chiêu trò ồn ào, chủ động gây những tranh cãi, thậm chí là xúc phạm đồng nghiệp để “hâm nóng” sản phẩm của mình. Càng bị dư luận “ném đá” kịch liệt, tên tuổi của họ lại càng trở nên nổi đình nổi đám, sản phẩm âm nhạc của họ càng được nhiều khán giả đón nhận. 

Càng bị tẩy chay...

Quyết định “lấn sân” sang lĩnh vực ca hát, hot girl Chi Pu đã có màn “chào sân” không mấy ấn tượng bởi giọng hát bị chê là quá tệ, “MV sến sẩm”. Ca khúc “Từ hôm nay” đánh dấu bước đầu chập chững vào nghề, Chi Pu đã nhận tới 268 ngàn lượt “dislike” trên Youtube, cùng với rất nhiều những chỉ trích đến từ mạng xã hôi và các sao Việt.

Với con số này, có lẽ “Từ hôm nay” sẽ sớm được xếp vào top 50 MV ca nhạc nhận số lượng dislike nhiều nhất thế giới năm 2017. Mặc cho dư luận, Chi tiếp tục ra ca khúc thứ 2 tên “Cho ta gần nhau hơn” tưởng chừng có phần khởi sắc, tuy vậy, vẫn sở hữu số lần “bị ghét” lên tới 83 ngàn lượt. Không dừng ở đó, ca khúc thứ 3 “Em sai rồi anh xin lỗi em đi” cũng thu về tới hơn 123 ngàn lượt “ghét”.

Đứng thứ 2 sau Chi Pu, đó chính là ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Sở hữu lượng fan khổng lồ, Sơn Tùng hễ ra MV nào là hit bài đó. Tuy nhiên, các MV của anh cũng nằm trong top bị “ghét” nhiều nhất. Các ca khúc hit năm 2017 như “Lạc trôi”, “Nơi này có anh”, “Bình yên những phút giây” lần lượt nhận được số lượng dislike cao trên Youtube là 189 ngàn, 115 ngàn, 33 ngàn lượt. 

Ngoài ra, nhiều tên tuổi ca sĩ trẻ hiện giờ cũng bị cộng đồng mạng thẳng tay dành tặng số lượng dislike khủng vì nhiều lý do. Ca khúc hit “Em gái mưa” của “công chúa ballad” Hương Tràm rơi vào danh sách bị “ghét” (33 ngàn lượt dislike) bởi tin đồn hẹn hò với bạn diễn nam Mai Tài Phến. Cùng chung cảnh ngộ, bài hát “Xin đừng lặng im” của Soobin Hoàng Sơn cũng nhận những ý kiến tiêu cực từ cộng đồng xoay xung quanh vụ lùm xùm về bản quyền. 

Cuối cùng, MV “Như cái lò” bởi Huyền Sambi và Mr. A vốn được dư luận trông mong vì được chấp bút bởi nhà sản xuất âm nhạc đình đám Khắc Hưng, nhanh chóng rơi vào danh sách “bị ghét” ngay sau khi ra mắt với 66 ngàn lượt dislike trên Youtube. Ca khúc bị lên án từ ca từ tục tĩu, âm thanh khêu gợi, vũ đạo gây nhức mắt, trang hục phản cảm đến nghi vấn đạo nhạc, và thái độ tiếp nhận dư luận của cô ca sĩ trẻ Huyền Sambi. Nhiều khán giả bỏ công chờ đợi đã không khỏi thốt lên “quá thất vọng” khi chưa xem hết MV, “cảm giác như bị lừa dối”. 

Càng nổi tiếng

Là một tân binh có lượng fan lớn trong làng nhạc trẻ Việt Nam, Chi Pu dường như nổi tiếng không từ khả năng âm nhạc của cô mà từ những phát ngôn gây xôn xao dư luận. Nổi bật nhất là “ở Việt Nam khi cầm mic lên thì được gọi là ca sĩ”, “từ nay hãy gọi tôi là ca sĩ”, “Từ hôm nay hãy gọi tôi là hoa hậu” của cô.

Các phát ngôn của Chi Pu đã châm ngòi cho cuộc khẩu chiến của hàng loạt nghệ sĩ trên mạng xã hội và báo chí, trong đó có Hương Tràm, Lam Trường, Nathan Lee, Phương Vy, Bằng Kiều… “Cuộc chiến” càng căng thẳng bao nhiêu, khán giả càng thích thú bấy nhiêu, và các trang mạng xã hội được dịp câu view tưng bừng. Chính vì lí do đó, nhạc của Chi Pu từ khi chưa được ra mắt đã có được sự chú ý của đông đảo khán giả, phần lớn đều do tò mò.

Dường như hiện tượng này còn lan tỏa đến các nghệ sĩ khác. Ca sĩ Văn Mai Hương tình cờ có phát ngôn dậy sóng dư luận khi nhận xét “Không coi Chi Pu là ca sĩ” ngay trước khi cô thông báo phát hành bài hát “Lâu đài cát”. Không biết có phải là cố ý hay không, ca sĩ Ngọc Anh cũng buông lời chỉ trích Only C và Chi Dân và sau đó cho ra mắt single “Bên nhau bao lâu”.

Cùng thời điểm ca sĩ Minh Quân “hài hước” yêu cầu Cục nghệ thuật biểu diễn cần “thanh lọc và cấp lại thẻ hành nghề” cho những người chưa đủ tư cách là ca sĩ nhưng vẫn cầm mic lên sân khấu; anh trở lại với single “Chưa bao giờ mất nhau”. Only C cũng từng tạo sóng trên dư luận rằng “tôi có thể làm được những ca khúc đẳng cấp thế giới”. Mặc dù liên tục bị lên án đạo nhạc, Only C là một trong những cái tên thường xuyên xuất hiện trên các bảng xếp hạng âm nhạc của giới trẻ.

Hiện nay, giới nghe nhạc trẻ đang bị phân tán sự quan tâm bởi truyền thông, dư luận báo chí khi ngày ngày đăng tải những tin tức ngoài lề về đời tư ca sĩ, những scandal tình ái chi tiết đến không cần thiết, thậm chí cả những phát ngôn thật giả không rõ nhằm đẩy cao mâu thuẫn dư luận. Thay vì nhìn nhận vào những giá trị cốt lõi của nghệ thuật chân – thiện – mỹ, giới trẻ dường như đang bị “choáng ngợp” bởi những “giá trị ảo”, hay các giá trị ngoài phạm vi âm nhạc. 

Nhiều bạn trẻ thật sự tin rằng âm nhạc chỉ là công cụ giải trí đơn thuần, miễn là có một hoặc nhiều hơn các yếu tố như: ca sĩ ưa nhìn, có tên tuổi, trang phục đẹp, beat hay, lượng xem nhiều, nội dung có pha chút yếu tố nước ngoài, thì ca từ có sơ sài vô nghĩa cũng không là vấn đề.

Về từ ngữ, mỗi bài hát chỉ cần vài câu hát nghe “lạ” tai như “mông lung như một trò đùa”, “cả nguồn sống bỗng chốc thu bé lại, vừa bằng một cô gái”, “2 giờ sáng anh gọi em không nhấc máy”...

Từ những góc nhìn trên, phải chăng xu hướng âm nhạc thị trường đang có chiều hướng ngày càng tiêu cực, khi những bài hát có ca từ sáo rỗng, lộn xộn và tệ hơn là lộ liễu, phản cảm vẫn được đón nhận đề cao; khi những ca khúc có giai điệu nhạt nhòa, giống nhau cũng có thể trở thành hit; khi số nhiều nghệ sĩ vẫn cho rằng scandal chính là đường tắt giúp họ chạm tới thành công; khi khán giả trở nên “dễ dãi” hơn đối với gu thẩm mỹ của chính mình, họ đề cao tính giải trí hơn giá trị nghệ thuật cốt lõi, chân – thiện – mỹ, của một sản phẩm âm nhạc?